Ngày 03/7, Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai tổ chức họp thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trên lĩnh vực kinh tế - ngân sách của HĐND tỉnh do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình tại kỳ họp lần thứ 5 - HĐND tỉnh khóa X.
Tới dự có ông Rah Lan Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo các ngành liên quan. Ông Lê Ngọc Bửu, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì phiên thẩm tra.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, thông qua các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013; báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm, kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2003; dự thảo nghị quyết quy định mức thu, tỷ lệ phần trăm (%) trích để lại cho đơn vị thu phí sử dụng đường bộ, việc quản lý và sử dụng tiền phí thu được đối với xe mô tô áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; dự thảo nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ các sáng lập viên Hợp tác xã chuẩn bị thành lập, các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai; dự thảo nghị quyết phê duyệt giá đất khu quy hoạch chi tiết xây dựng phân lô đất ở dành cho người có thu nhập thấp, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku và dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Quy định một số khoản chi cho hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm, các thành viên dự họp nhận định: dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm vẫn đạt được những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,73%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.782 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện được 5.413 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 15.009 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch tăng 16,9%. Thu ngân sách đạt 1.810 tỷ đồng, bằng 50,3% tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa, lao động-thương binh và xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, trên một số lĩnh vực vẫn nhiều khó khăn bất cập như: một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch nhưng so với cùng kỳ nhưng không đạt kế hoạch; tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm; công tác quản lý bảo vệ rừng tuy có giảm về số vụ vi phạm nhưng mức độ vi phạm ngày càng tinh vi phức tạp; phạm pháp hình sự có chiều hướng gia tăng về số vụ và mức độ vi phạm; chất lượng xây dựng các công trình xây dựng cơ bản chưa tốt; phạm pháp hình sự gia tăng; thất thu thuế còn lớn…
Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh đánh giá rõ thêm việc sử dụng vốn cũng như chất lượng các công trình chuyển tiếp; các khoản chi ngoài kế hoạch; đánh giá việc dạy nghề và số liệu về giải quyết việc làm; đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với các chủ đầu tư các dự án thủy điện trong việc thực hiện phương án đầu tư, trong đó lưu ý việc thực hiện cam kết đối với nhân dân và địa phương vùng dự án; nêu cụ thể trách nhiệm quản lý của những ngành để xảy ra sai phạm, tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể, đặc biệt đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, quản lý các công trình thủy điện, thu thuế...
Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung phần giải pháp chỉ đạo của UBND tỉnh đối với việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo cuối năm 2013 cấp tối thiểu 85% diện tích cần cấp; sớm phê duyệt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 2011-2020 của các huyện, thị xã, thành phố. Có kế hoạch tổng kết việc thực hiện Đề án nâng cao đời sống nhân dân vùng căn cứ cách mạng của huyện Kbang, Kông Chro, Krông Pa.
HƯƠNG LAN