Những ngày giữa tháng 5, không khí chào mừng ngày hội non sông rực rỡ cờ hoa, áp phích, pano trên khắp nẻo đường ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở tỉnh Gia Lai được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo đúng tiến độ, quy định. Chính quyền và người dân tỉnh Gia Lai đã sẵn sàng cho Ngày bầu cử 23.5.
Phát huy vai trò của người có uy tín, các chức sắc
Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử tỉnh Gia Lai, tỉnh đã có 17/17 huyện, thị xã, thành phố và 220/220 xã, phường, thị trấn thành lập Ủy ban bầu cử đúng theo quy định. Đồng thời, thành lập các tổ chức giúp việc công tác bầu cử tại địa phương. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác và cử tri nơi cư trú đúng quy trình, quy định, đảm bảo tính khách quan, dân chủ. Hầu hết người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều được tín nhiệm cao.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trước, trong và sau ngày bầu cử cũng sớm lên kế hoạch chi tiết. Tỉnh Gia Lai vận dụng linh hoạt, có cách làm sáng tạo trong công tác bầu cử. Chánh văn phòng HĐND tỉnh Vũ Tiến Anh, thành viên của Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết: “Vai trò của người có uy tín trong cộng đồng đóng góp quan trọng trong hệ thống chính trị của tỉnh. Trong công tác bầu cử họ cũng đóng vai trò rất lớn, là một trong những trụ cột, vì thế tỉnh phát huy vai trò của họ. Bởi người có uy tín trong cộng đồng chuyển tải các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến cộng đồng nơi họ sinh sống".
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên
Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3 do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức đã thống nhất lập danh sách 14 người (trong đó 4 người do Trung ương giới thiệu) đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV để bầu 8 đại biểu; 119 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 để bầu 71 đại biểu; 951 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện để bầu 571 đại biểu và 8.429 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã để bầu 5.009 đại biểu.
Tỉnh Gia Lai là nơi có nhiều dân tộc sinh sống, đồng bào theo 5 tôn giáo, gồm: công giáo, phật giáo, tin lành, cao đài và Bahai, trong đó đạo tin lành có số lượng tín đồ đông nhất. Vậy nên, công tác tuyên truyền bầu cử được Ban tôn giáo tỉnh đặc biệt chú trọng đặc biệt là việc truyền tải các nội dung bầu cử tới các chức sắc. Thông qua các chức sắc chuyển tải tới tín đồ các tôn giáo ở các địa phương để làm sao ngày bầu cử 23/5/2021 tất cả các tín đồ các tôn giáo nói chung trong đó có tín đồ theo đạo Tin lành nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình tham gia bầu cử đúng theo quy định pháp luật.
7 xã biên giới sẵn sàng cho ngày bầu cử
Tại xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), lãnh đạo xã cho biết, toàn xã có 2.941 cử tri tham gia bỏ phiếu tại 7 điểm. Thời gian này, cán bộ tuyên truyền tăng thời lượng phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh về thời gian, địa điểm bỏ phiếu, nội quy, thể lệ bầu cử, số đại biểu được bầu… Băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích cũng được treo tại khu vực công sở, cổng chào, điểm bỏ phiếu và khu vực đông dân cư.
Ủy ban bầu cử xã Ia Pnôn đã triển khai công tác vệ sinh, phòng dịch Covid-19: tiến hành phun thuốc khử khuẩn tại các điểm bỏ phiếu, phân công các tổ viên dọn vệ sinh và sắp xếp bàn ghế đảm bảo khoảng cách 2m. Trong ngày bầu cử thì phân công lực lượng hướng dẫn cử tri lần lượt vào khu vực bỏ phiếu, không tập trung đông người. Tại mỗi điểm bỏ phiếu, ủy ban ban bầu cử xã bố trí 4-5 chai dung dịch sát khuẩn, khẩu trang và cử nhân viên y tế đo thân nhiệt, hướng dẫn cử tri các biện pháp phòng dịch.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành
Với phương châm “Không để cử tri nào không biết về bầu cử”, nhiều tháng qua, không chỉ xã Ia Pnôn mà 7 xã biên giới của tỉnh Gia Lai cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bằng nhiều hình thức. Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị và cử tri đã sẵn sàng cho ngày hội lớn. Tuyến biên giới của tỉnh gồm 7 xã, dân số phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động luôn được các địa phương triển khai linh hoạt với các hình thức phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, nội dung tuyên truyền đều được dịch ra tiếng Jrai.
Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về bầu cử được nâng lên rõ rệt. Chào đón ngày hội non sông, người dân ở khu vực biên giới nhắc nhau đi bỏ phiếu sớm, khi đi phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn; đồng thời, cân nhắc, lựa chọn người thật sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đông đảo cử tri.
Lực lượng bộ đội biên phòng chung tay chuẩn bị cho ngày bầu cử
Những ngày qua, lực lượng bộ đội Biên phòng đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về phòng-chống dịch Covid-19 và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. “Tiếng loa Biên phòng” của các đồn Biên phòng đã đưa thông tin đến từng ngõ, từng nhà và nương rẫy. Thượng tá Trần Thanh Hùng-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) cho hay: “Người dân thường đi làm rẫy xa, tối muộn mới về hoặc có khi ở lại trên đó hết mùa. Vì vậy, chúng tôi phân công các tổ, đội đến khu vực bà con canh tác để tuyên truyền. Với vai trò, trách nhiệm của những người lính nơi tuyến đầu, chúng tôi quyết tâm hoàn thành công tác bầu cử sớm nhất. Đồng thời, chúng tôi triển khai lực lượng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử và vận động Nhân dân tham gia bầu cử đầy đủ, nhanh chóng”.
Quang cảnh phiên họp
Đại úy Vũ Văn Định, Chỉ huy trưởng Trung tâm cách ly y tế tỉnh-thông tin: Trung tâm hiện có 108 công dân đang thực hiện cách ly y tế để phòng-chống dịch Covid-19. Ngoài hệ thống loa, thông qua việc thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, các y-bác sĩ cũng kết hợp tuyên truyền về ngày bầu cử để công dân hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình khi cầm lá phiếu trên tay.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cử tri tỉnh ở vùng sâu vùng xa Gia Lai hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, điểm mới của cuộc bầu cử cũng như quyền lợi và trách nhiệm của cử tri. Ông Siu Kei, cử tri người dân tộc Jrai, bày tỏ: “Tôi mong đến ngày đi bầu cử để sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng, có đức, có tài đóng góp cho xã nhà, xây dựng đất nước giàu mạnh”.
Có thể nói, các thành viên Ủy ban bầu cử tỉnh Gia Lai cũng như các cơ quan, các tổ chức bầu cử khác đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sát sao công việc được giao. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của cử tri, người dân, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở tỉnh Gia Lai sẽ thành công tốt đẹp. Đây sẽ là một cuộc bầu cử dân chủ, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.
theo daibieunhandan.vn