Ngày 10-12-1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn. Việc thành lập Đảng bộ tỉnh là bước ngoặt, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lịch sử phong trào cách mạng của tỉnh. Từ đây, cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân Việt Nam đã có một chính đảng mang bản chất cách mạng và khoa học, lãnh đạo toàn dân tộc giành quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngay từ những năm 1930, 1940 của thế kỷ XX, những đảng viên, chiến sĩ cách mạng lên hoạt động tại Gia Lai, xây dựng, phát triển phong trào cách mạng trong đồn điền và một số địa phương. Đầu tháng 3-1945, tình hình trong nước biến chuyển nhanh chóng, khi Nhật đảo chính Pháp và độc chiếm Đông Dương. Ở Gia Lai, sau cuộc tiếp đón đoàn tù chính trị được trả tự do từ “Căng an trí” Đak Tô về Quy Nhơn, trên đường đi có ghé lại Pleiku và An Khê, các tổ chức Đoàn Thanh niên ở thị xã, thị trấn lần lượt được thành lập. Tại thị xã Pleiku, Đoàn Thanh niên Gia Lai được thành lập trong tháng 4-1945. Tháng 5-1945, Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê ra đời. Tháng 6-1945, Đoàn thanh niên Cheo Reo hình thành. Sau khi thành lập, hoạt động xã hội của các tổ chức Đoàn Thanh niên trong tỉnh tiến dần lên mục tiêu chính trị chống Nhật và tay sai để cứu nước. Những hoạt động tiến bộ của các tổ chức Đoàn Thanh niên trong thời kỳ tiền khởi nghĩa là lực lượng nòng cốt, lãnh đạo Nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thị xã Pleiku, An Khê, Cheo Reo và các vùng trong tỉnh vào tháng 8-1945.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ X (vòng 2) diễn ra từ ngày 20 đến ngày 23-1-1992 (Ảnh nguồn Đảng bộ tỉnh Gia Lai).
Ở Gia Lai, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 giành chính quyền về tay Nhân dân, nhưng chưa có Đảng bộ và đoàn thể Việt Minh lãnh đạo. Tình hình này đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Đồng thời, phải xây dựng tổ chức Đảng để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Gia Lai.
Đầu tháng 9-1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai đã cử các ông Nguyễn Đường và Trần Ngọc Vỹ ra TP. Huế gặp Xứ ủy Trung Kỳ và Việt Minh Trung Bộ để xin ý kiến chỉ đạo. Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Phan Thêm làm đặc phái viên của Xứ ủy và Việt Minh Trung Bộ lên Gia Lai để trực tiếp chỉ đạo phong trào, phát triển cán bộ, đảng viên. Bảy cán bộ, chiến sĩ du kích Ba Tơ được lệnh vào Gia Lai tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương. Cùng thời gian đó, đồng chí Trần Thông liên hệ với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đưa các đồng chí Châu Khải Địch và Võ Thứ lên An Khê giúp Gia Lai về mặt quân sự.
Những cán bộ thanh niên hoạt động tích cực trong phong trào thị xã, thị trấn, đồn điền trước và sau tổng khởi nghĩa giành chính quyền là đối tượng tuyên truyền, giáo dục để lựa chọn những thành phần ưu tú có uy tín trong quần chúng kết nạp vào Đảng. Sau thời gian theo dõi, thử thách, tiến hành các thủ tục kết nạp thêm nhiều đảng viên, ngày 1-10-1945, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập tại Trường Tiểu học Việt-Pháp (nay là trụ sở làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo). Chi bộ có 9 đảng viên gồm: đồng chí Phan Thêm và 8 đảng viên mới kết nạp là các đồng chí hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước. Đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư Chi bộ. Mỗi đảng viên trong Chi bộ lấy một chữ trong khẩu hiệu: “Xin thề hy sinh tất cả vì Đảng ta” làm bí danh hoạt động. Đây là chi bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương xuất hiện đầu tiên ở Gia Lai. Chi bộ đó làm nhiệm vụ như Ban vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai.
Ngày 25-11-1945, Chi bộ Đảng ở An Khê được thành lập gồm có 3 đảng viên do đồng chí Đỗ Trạc làm Bí thư. Từ tháng 11 đến tháng 12-1945, các chi bộ công nhân Biển Hồ, Bàu Cạn và một chi bộ trong lực lượng vũ trang của tỉnh (Chi bộ trong Chi đội Tây Sơn) cũng lần lượt ra đời, nâng tổng số đảng viên trong toàn tỉnh lên 24 đồng chí.
Trong thời gian này, Xứ ủy Trung Kỳ tiếp tục tăng cường cho Gia Lai thêm nhiều cán bộ, đảng viên như các đồng chí: Nguyễn Thị Sâm, Trần Học Giới, Nguyễn Văn Thưởng, Trần Nông, Phạm Kiêm, Phan Bình... Một số cán bộ miền Bắc, Liên khu 4, sau khi dự lớp bồi dưỡng cán bộ Việt Minh Trung Bộ tổ chức tại Huế, cuối năm 1945 cũng được lệnh của cấp trên tăng cường vào Gia Lai công tác. Nhờ vậy, lực lượng cán bộ, đảng viên ở Gia Lai được bổ sung thêm.
Trước yêu cầu bức xúc, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo thống nhất và tập trung, ngày 10-12-1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời gồm 5 đồng chí. Đồng chí Phan Thêm-Phái viên Xứ ủy làm Bí thư; các đồng chí: Nguyễn Đường, Nguyễn Xuân, Trần Ren, Phạm Thuần làm Ủy viên Ban Chấp hành. Đảng bộ Tây Sơn có nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng cho cả 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Mặc dù về chính quyền, tỉnh Kon Tum trực thuộc Ủy ban Hành chính Trung Bộ.
Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai ngày 10-12-1945 là bước ngoặt, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lịch sử phong trào cách mạng của tỉnh. Từ đây, cuộc đấu tranh cách mạng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đảng bộ ra đời và không ngừng phát triển đã đảm nhiệm vai trò, sứ mệnh lịch sử, là đội tiên phong lãnh đạo quân và dân trong tỉnh xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, cùng Nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945-1975), lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Theo baogialai.com.vn