Sáng ngày 08/4/2013, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Có trên 12 lượt ý kiến của 34 cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan đối với Dự thảo Luật Đất đai.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ quan điểm tán thành với chủ trương tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới của đất nước. Đa số đại biểu khẳng định Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cơ bản đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai. Dự thảo đã tập trung đổi mới một số điểm như nâng cao tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch ngành, quy hoạch của các địa phương; thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất; làm rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất ...
Đồng thời tham gia góp ý vào một số nội dung quan trọng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Về thời hạn sử dụng đất nên có quy định về tiếp tục giao đất khi hết thời hạn trong trường hợp đất được giao sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả và không nằm trong quy hoạch khác; quy định giao quyền sử dụng đất ở cho những đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo ở nông thôn, người dân tộc thiểu số; bổ sung nguyên tắc thu hồi đất phải theo đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ở cả 03 cấp (Điều 60); bỏ mục 2 Điều 161 về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất mà phải tăng cường hoạt động của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; tại khoản 3, Điều 107, đề nghị thay từ “Phù hợp” bằng từ “sát” thì sẽ cụ thể hơn vì giá thị trường là một thông số rõ ràng cả về định tính và định lượng, còn định giá đất phù hợp với giá thị trường, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, mỗi người theo vị trí, lợi ích của mình mà có cách hiểu khác nhau về phù hợp với giá thị trường.
Nhiều ý kiến không thống nhất với Dự thảo về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 57), đề nghị quy định thẩm quyền chung (UBND) như Luật cũ.
Có một số ý kiến khác nhau, như: Có ý kiến đề nghị nên bỏ phần quy định Nhà nước thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội (tại Điều 15, chương II của Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai) vì ngay trong lý do Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng cũng đã bao gồm các dự án phát triển kinh tế - xã hội; đất đai là tư liệu sản xuất, gắn liền với quyền lợi của mỗi công dân, nhà nước thu hồi trong trường hợp phục vụ an ninh quốc phòng, công trình giao thông, còn các mục đích khác thì phải trưng mua (đề nghị áp dụng theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản). Nếu quy định Nhà nước thu hồi đất ở các dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ rất dễ bị lợi dụng, tạo lợi ích nhóm và người dân sẽ chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như Dự thảo nhằm thu hút đầu tư nhưng phải nghiên cứu tách bạch giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phát triển xã hội, đồng thời với việc áp dụng pháp luật Dân sự và Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản; về Bảng giá đất (Điều 109): Có ý kiến chọn phương án 1 nhưng có lưu ý điểm d, khoản 2: Bảng giá đất.... làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không thực tế, khó khả thi; đề nghị vẫn quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm; có ý kiến tán thành phương án 2.
Hương Lan