> Tin tức - Sự kiện > Tin hoạt động ĐĐBQH > Chắt lọc, làm nổi bật vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm

Chắt lọc, làm nổi bật vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm

12/10/2022
Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV tại phiên họp sáng qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Báo cáo trình Quốc hội cần chắt lọc từng chữ, từng câu, nêu bật những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, những trọng tâm, trọng điểm mà Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành phải quan tâm xử lý trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân. 
 
Thể hiện đúng là tiếng nói của cử tri và nhân dân

Theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV (dự thảo Báo cáo) đã phản ánh rất phong phú, toàn diện tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân về những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo… Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải chắt lọc hơn nữa, làm nổi bật những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cử tri và nhân dân rất mong đợi Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó xem xem có vấn đề gì mới, có phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân không. Do đó, Báo cáo này phải viết rất chắt lọc từng chữ, từng câu để nêu được những kết quả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, việc xây dựng hệ thống chính trị và những tồn tại, khó khăn của đất nước; phải chỉ ra những trọng tâm, trọng điểm mà Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành phải quan tâm xử lý trong thời gian tới. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, phải sắp xếp lại ý tứ sao cho phù hợp, nổi bật, nêu rõ điển hình, nhưng phải chính xác, “nói có sách, mách có chứng”. Nêu vấn đề ở bộ, ngành, địa phương nào thì phải có số liệu chứng minh, dung lượng nội dung báo cáo phải thể hiện đúng là tiếng nói của cử tri và nhân dân. Cụ thể, dự thảo Báo cáo có nêu những bức xúc của cử tri, nhân dân về tình trạng công trình chậm tiến độ, đất hoang hóa, gây lãng phí lớn cho Nhà nước, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân thì phải chỉ ra được những công trình nào chậm tiến độ, chậm bao lâu, đất hoang hóa ở đâu, dẫn chứng tại một số địa phương, một số nơi cho rõ.

 Dự thảo Báo cáo cũng phản ánh tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc, do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm đời sống, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, đánh giá nguyên nhân do áp lực công việc và do thu nhập chưa bảo đảm là còn thiếu, không hợp lý và không đầy đủ. Dẫn thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu ra 7 nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, trong đó có cả nguyên nhân chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, phải đánh giá lại các nguyên nhân, việc chuyển dịch sang khu vực tư cũng tốt chứ không phải hoàn toàn là tiêu cực.

Nêu một vấn đề đang rất nóng liên quan đến điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt câu hỏi: phải chăng tỷ lệ chiết khấu trong điều hành giá xăng dầu hiện nay phải chăng chưa phù hợp, dẫn đến một số cửa hàng xăng, dầu chia sẻ là càng kinh doanh càng lỗ, phải đóng cửa? "Việc đóng cửa các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân. Có những nơi bán cầm chừng, chỉ tối đa 50.000 đồng cho một người. Do đó, Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cần kịp thời phản ánh tình hình này", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói. 

3 Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân rất chậm

Tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng được phản ánh trong dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, một số bộ ngành triển khai rất chậm. Cùng với đó, giải ngân gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng rất chậm. 

Thông tin thêm về giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, đến ngày 30.9.2022 ước giải ngân mới chỉ đạt 6,71%. Các tỉnh tự cân đối ngân sách đã bố trí giải ngân khoảng trên 60% kế hoạch, đối với các tỉnh có bố trí từ nguồn ngân sách trung ương mới giải ngân được 0,14% kế hoạch. Số liệu này cho thấy việc giải ngân rất chậm và còn phải khắc phục nhiều.

Nhất trí với những hạn chế trong thực hiện chính sách ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được dự thảo Báo cáo phản ánh khá đầy đủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã bộc lộ những bất cập, làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm chính sách an sinh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay tỷ lệ được hỗ trợ bảo hiểm y tế giảm rất mạnh, người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng còn yếu kém, chất lượng cuộc sống người dân chưa cao, tình trạng thiếu giáo viên ở vùng cao còn khá lớn… phải tiếp tục được phản ánh trong dự thảo Báo cáo.

Tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, sẽ rà soát các số liệu và kèm theo các minh chứng cụ thể. Ủy ban Trung ương MTTQ sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo và tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan có liên quan như Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chính phủ… trước khi báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới. 
Theo daibieunhandan.vn

Chắt lọc, làm nổi bật vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm

12/10/2022
Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV tại phiên họp sáng qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Báo cáo trình Quốc hội cần chắt lọc từng chữ, từng câu, nêu bật những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, những trọng tâm, trọng điểm mà Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành phải quan tâm xử lý trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân. 
 
Thể hiện đúng là tiếng nói của cử tri và nhân dân

Theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV (dự thảo Báo cáo) đã phản ánh rất phong phú, toàn diện tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân về những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo… Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải chắt lọc hơn nữa, làm nổi bật những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cử tri và nhân dân rất mong đợi Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó xem xem có vấn đề gì mới, có phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân không. Do đó, Báo cáo này phải viết rất chắt lọc từng chữ, từng câu để nêu được những kết quả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, việc xây dựng hệ thống chính trị và những tồn tại, khó khăn của đất nước; phải chỉ ra những trọng tâm, trọng điểm mà Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành phải quan tâm xử lý trong thời gian tới. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, phải sắp xếp lại ý tứ sao cho phù hợp, nổi bật, nêu rõ điển hình, nhưng phải chính xác, “nói có sách, mách có chứng”. Nêu vấn đề ở bộ, ngành, địa phương nào thì phải có số liệu chứng minh, dung lượng nội dung báo cáo phải thể hiện đúng là tiếng nói của cử tri và nhân dân. Cụ thể, dự thảo Báo cáo có nêu những bức xúc của cử tri, nhân dân về tình trạng công trình chậm tiến độ, đất hoang hóa, gây lãng phí lớn cho Nhà nước, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân thì phải chỉ ra được những công trình nào chậm tiến độ, chậm bao lâu, đất hoang hóa ở đâu, dẫn chứng tại một số địa phương, một số nơi cho rõ.

 Dự thảo Báo cáo cũng phản ánh tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc, do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm đời sống, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, đánh giá nguyên nhân do áp lực công việc và do thu nhập chưa bảo đảm là còn thiếu, không hợp lý và không đầy đủ. Dẫn thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu ra 7 nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, trong đó có cả nguyên nhân chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, phải đánh giá lại các nguyên nhân, việc chuyển dịch sang khu vực tư cũng tốt chứ không phải hoàn toàn là tiêu cực.

Nêu một vấn đề đang rất nóng liên quan đến điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt câu hỏi: phải chăng tỷ lệ chiết khấu trong điều hành giá xăng dầu hiện nay phải chăng chưa phù hợp, dẫn đến một số cửa hàng xăng, dầu chia sẻ là càng kinh doanh càng lỗ, phải đóng cửa? "Việc đóng cửa các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân. Có những nơi bán cầm chừng, chỉ tối đa 50.000 đồng cho một người. Do đó, Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cần kịp thời phản ánh tình hình này", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói. 

3 Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân rất chậm

Tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng được phản ánh trong dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, một số bộ ngành triển khai rất chậm. Cùng với đó, giải ngân gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng rất chậm. 

Thông tin thêm về giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, đến ngày 30.9.2022 ước giải ngân mới chỉ đạt 6,71%. Các tỉnh tự cân đối ngân sách đã bố trí giải ngân khoảng trên 60% kế hoạch, đối với các tỉnh có bố trí từ nguồn ngân sách trung ương mới giải ngân được 0,14% kế hoạch. Số liệu này cho thấy việc giải ngân rất chậm và còn phải khắc phục nhiều.

Nhất trí với những hạn chế trong thực hiện chính sách ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được dự thảo Báo cáo phản ánh khá đầy đủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã bộc lộ những bất cập, làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm chính sách an sinh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay tỷ lệ được hỗ trợ bảo hiểm y tế giảm rất mạnh, người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng còn yếu kém, chất lượng cuộc sống người dân chưa cao, tình trạng thiếu giáo viên ở vùng cao còn khá lớn… phải tiếp tục được phản ánh trong dự thảo Báo cáo.

Tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, sẽ rà soát các số liệu và kèm theo các minh chứng cụ thể. Ủy ban Trung ương MTTQ sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo và tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan có liên quan như Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chính phủ… trước khi báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới. 
Theo daibieunhandan.vn