> Tin tức - Sự kiện > Tin hoạt động ĐĐBQH > Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan trung ương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi kỳ họp

Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan trung ương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII

20/06/2014
Trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tổng hợp 49 kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan trung ương. Đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhận các công văn trả lời 45 kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Ban Biên tập xin giới thiệu toàn văn như sau:
BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU
 
Cử tri các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Hưng Yên, Lào Cai, Điện Biên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Giang, Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Yên Bái, Hải Phòng, Phú Yên, Quảng Nam, Hà Nội, An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Phước, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, TPHồ Chí Minh kiến nghị: Việc lấy phiếu tín nhiệm các năm tiếp theo nên nghiên cứu điều chỉnh các mức tín nhiệm cho phù hợp hơn, cụ thể là nên lấy phiếu ở hai mức, thay vì ba mức như hiện nay để đảm bảo ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm đồng thời, qua đó, giúp những người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm cao hơn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ mà mình được giao phó.
Trả lời: Tại công văn số 157/BCTĐB-CTĐB ngày 28/3/3014
Năm 2013, lần đầu tiên Quốc hội và Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Hiện nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII. Ban Công tác đại biểu xin tiếp thu ý kiến của cử tri, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.
 
CHÍNH PHỦ
 
Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Trả lời: Tại công văn số 1323/BKHĐT-TH ngày 07/3/2014
Để tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Nghị định 61/2010/NĐ-CP, trên cơ sở Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP.
Trong Nghị định 210 này vẫn giữ lại những ưu điểm của Nghị định 61/2010/NĐ- CP như: ưu đãi về đất đai; hỗ trợ về đào tạo thông qua các trường nghề; hỗ trợ tiếp cận thị trường quảng cáo nội địa và hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới.
Những điểm mới trong Nghị định 210 so với Nghị định 61 là:
+ Cải cách thủ tục hành chính: Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thực hiện; Quy trình nhận hỗ trợ, điều kiện nhận ưu đãi hỗ trợ rõ ràng, minh bạch; Hỗ trợ sau đầu tư: có văn bản cam kết hỗ trợ, khi khi doanh nghiệp hoàn thành đầu tư thì được hưởng chính sách để doanh nghiệp an tâm đầu tư; những hỗ trợ nhỏ (đào tạo, quảng cáo..) được trừ vào chi phí của doanh nghiệp khi quyết toán thuế, không cần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách.
+ Có hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương cho các địa phương còn khó khăn về ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Những sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 210 là một bước chuyển biến tích cực, là cơ sở để kỳ vọng việc thu hút doanh nghiệp sẽ đạt kết quả khả quan hơn, góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; thúc đẩy công nghệ sản xuất và chế biến nông sản; đổi mới hình thức tổ chức tổ chức sản xuất và liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn.
Ngoài ra, chính sách này sẽ đưa được doanh nghiệp về nông thôn, miền núi, giảm sức ép dân số lên các đô thị lớn, phân bố lại dân cư theo hướng không tập trung dân quá đông vào các trung tâm, hình thành nên các vùng nông thôn gắn với công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước; giảm sức ép đối với bảo vệ rừng đặc dụng và bảo tồn biển.
 
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Do lịch sử để lại nên hiện nay ở nhiều địa phương, trên bản đồ và theo quy hoạch là đất lâm nghiệp, nhưng trên thực địa là rừng nghèo và đất nhân dân đang sản xuất nông nghiệp, do vậy phát sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng. Đề nghị Chính phủ có chủ trương giải quyết cho địa phương kiểm kê lại đất lâm nghiệp; đồng thời cho phép địa phương được chuyển diện tích rừng nghèo và đất lâm nghiệp nhân dân đang sản xuất nông nghiệp thành đất nông nghiệp để giao cho nhân dân đang thiếu đất sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân, giữ vững an ninh nông thôn và đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền?
Trả lời: Tại công văn số 235/BNN-TCLN ngày 23/01/2014
Ngày 15 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016” tại Quyết định số 594/QĐ-TTg, với mục tiêu xác định và nắm bắt được diện tích rừng; trữ lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi cả nước và từng địa phương; thành quả của dự án là cơ sở để theo dõi diễn biến rừng và đất rừng hàng năm, lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ trung ương đến địa phương. Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản dự án, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai công tác điều tra, kiểm kê rừng và hoàn thành vào năm 2016. Theo kế hoạch Gia Lai là tỉnh được tổ chức triển khai thực hiện dự án điều tra, kiểm kê rừng của tỉnh từ 6/2013 - 6/2014.
Về chủ trương hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn nói chung và đề xuất của cử tri Gia Lai nói riêng, trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm và ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cho đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, như  Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23/11/2005, về thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang cho phép thực hiện dự án ưu tiên bố trí đất sản xuất, đất ở cho đồng bào thiểu số, người dân địa phương thiếu đất sản xuất; dự án sử dụng đất trống, đồi trọc, đất có rừng tự nhiên nghèo kiệt; đất không có tranh chấp; dự án có cam kết tạo nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương (Ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Văn bản số 5284/CPCP-KTN ngày 30/6/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát các dự án chuyển đổi rừng trên địa bàn Tây Nguyên theo Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri thống nhất với Chính phủ về chủ trương nhà nước và nhân dân cùng thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. Việc huy động đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tham gia trực tiếp của người dân. Tuy nhiên, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới rất cao, nhu cầu nguồn lực đầu tư rất lớn, nhưng so với thực trạng kinh tế - xã hội của địa phương và sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cao, nên việc tham gia đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số hầu như không thể thực hiện được. Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ quy định đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở 70 xã khu vực II, 75 xã khu vực III và 664 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh không phải tham gia đóng góp Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trả lời: Tại công văn số 547/BNN-KTHT ngày 19/02/2014
Ngày 08/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 695/QĐ-TTg sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh, huyện, xã) để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cấp xã, trong đó quy định:
- Chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị Hội đồng nhân dân xã thông qua.
- Hộ nghèo tham gia trực tiếp lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương được chính quyền địa phương xem xét, trả thù lao theo mức phù hợp với mức tiền lương chung của thị trường lao động tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương. Ủy ban nhân dân địa phương xem xét, quyết định mức thù lao cụ thể sau khi trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện, xã triển khai thực hiện.

3. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Huyện KBang là một trong 5 huyện điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới, song hiện nay chưa được bố trí nguồn vốn huyện điểm (còn bình quân chung như các xã của tỉnh Gia Lai). Đề nghị Bộ tham mưu với Chính phủ có cơ chế vốn riêng cho huyện điểm của Trung ương.
Trả lời: Tại công văn số 550/BNN-KTHT ngày 19/02/2014
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2013, hàng năm, Chính phủ đều có ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương thuộc diện chỉ đạo điểm của Trung ương (tỉnh, huyện, xã điểm) để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Tại kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 65/2013/QH13 về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, trong đó có bổ sung cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 15.000 tỷ đồng. Nguyên tắc ưu tiên phân bổ vốn  thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành. Huyện KBang cũng là huyện có nhiều xã nghèo được ưu tiên phân bổ vốn so với nhiều địa phương khác trong cả nước. 

4. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ quan tâm nghiên cứu, chuyển giao cho nông dân trên địa bàn tỉnh kỹ thuật phòng chống bệnh cây hồ tiêu nhằm giúp nông dân khắc phục tình trạng cây hồ tiêu chết hàng loạt, gây thiệt hại năng suất (hiện nay, đó có nhiều cơ quan, tổ chức ở tỉnh hướng dẫn, áp dụng kỹ thuật nhưng không có hiệu quả, cây tiêu vẫn chết hàng loạt).
Trả lời: Tại công văn số 643 /BNN-BVTV ngày 25/02/2014
Cây hồ tiêu là cây trồng rất mẫn cảm với sâu bệnh. Hiện tượng cây hồ tiêu chết hàng loạt thường là bệnh chết nhanh, chết chậm gây nên. Bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici gây ra, bệnh chết chậm do nấm tập đoàn nấm Fusarium solani, Pythium spp, Lasiodiplodia theobromae, Phytophthora sp Rhizoctonia solani, Rosellia spp... gây ra. Các loài nấm này tồn tại trong đất, phát sinh và gây hại rễ hồ tiêu nghiêm trọng. Đây là những loài dịch hại rất khó phòng trừ.
Đối với bệnh hại trên cây hồ tiêu việc phòng bệnh là chính, trị bệnh phải kịp thời, nếu để bệnh đã thể hiện rõ triệu chứng thì phải áp dụng biện pháp nhổ bỏ và tiêu huỷ cây bệnh. Biện pháp quan trọng nhất là áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp trong đó đặc biệt chú trọng đến biện pháp canh tác. Ngày 13/7/2010 Cục Bảo vệ thực vật đã ra công văn số 1100/BVTV-CV ban hành Quy trình kỹ thuật phòng trừ một số dịch hại chính trên cây hồ tiêu để các tỉnh hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh.
Để đáp ứng yêu cầu về thuốc trừ dịch hại đối với bệnh chết nhanh và chết chậm trên cây hồ tiêu, từ năm 2007 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định 94/2007/QĐ-BNN về việc bổ sung một số loại thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để trừ bệnh chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng hại hồ tiêu.
Tuy nhiên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học trong bảo vệ thực vật, nhất là các thuốc phổ rộng, sử dụng trong thời gian dài đều mang lại các hậu quả không mong muốn, có nguy cơ để lại dư lượng gây mất an toàn thực phẩm; Hồ tiêu Việt Nam rất có giá trị và có uy tín trên thị trường thế giới. Các nước nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam  đang đưa ra yêu cầu ngày càng cao hơn về an toàn thực phẩm có liên quan đến dư lượng thuốc BVTV.
Để hạn chế tác hại của dịch hại trên cây hồ tiêu, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Phước xây dựng một số mô hình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại hồ tiêu, tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác bảo vệ thực vật trên cây hồ tiêu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, chế phẩm có nguồn gốc sinh học, thảo mộc để trừ sâu hại lá, thân, gốc rễ như các chế phẩm nấm Beauveria, Metarhizium,... Sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma để hạn chế bệnh có nguồn gốc từ trong đất.
Các Viện nghiên cứu chuyên ngành đã phối hợp với các tỉnh trồng hồ tiêu triển khai nhiều đề tài nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác và quản lý tổng hợp một số sâu bệnh hại chủ yếu trên cây hồ tiêu đã thu được những kết quả tốt. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân áp dụng đúng và đầy đủ biện pháp phòng trừ tổng hợp để hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh gây ra.

5. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị xem xét đóng cửa rừng, không giao chỉ tiêu khai thác gỗ cho các địa phương trong cả nước để tăng cường công tác bảo vệ rừng và tăng độ che phủ của rừng.
Trả lời: Tại công văn số 200/BNN-TCLN ngày 21/01/2014
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Đề án: Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2013-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 25/12/2013 Văn phòng Chính phủ có văn bản số 456/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án như sau: Thường trực Chính phủ thống nhất lựa chọn phương ánDừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên phạm cả nước; trừ hai (02) khu vực đã được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế về phương án quản lý rừng bền vững; và việc khai thác tận dụng trên diện tích rừng sản xuất đã được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư”.
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn chỉnh đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 1 năm 2014 và triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu trên.

6. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị tăng mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ 20 đồng/kwh hiện nay lên 40 đồng/kwh, để tăng nguồn lực cho công tác trồng rừng và chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn.
Trả lời: Tại công văn số 241/BNN-TCLN ngày 23/01/2014
1. Theo quy định tại khoản 4, điều 5, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thì tiền chi trả DVMTR là một yếu tố trong giá thành sản phẩm có sử dụng DVMTR và không thay thế thuế tài nguyên hoặc các khoản phải nộp khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất thuỷ điện thì tiền DVMTR sẽ được kết cấu trong giá bán điện thương phẩm. Để tăng mức thu tiền DVMTR thì giá bán điện cho người tiêu dùng điện cũng phải tăng. Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh kế còn nhiều khó khăn, Chính phủ đang cân nhắc, hạn chế việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu thì đề xuất này chưa hoàn toàn phù hợp, có thể gây lạm phát và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
2. Trong năm 2014, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức đánh giá, sơ kết việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên phạm vi toàn quốc; trên cơ sở đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan tới đối tượng thực hiện chi trả, mức chi trả và cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

7. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Bổ sung vốn điều lệ cho các nông, lâm trường quốc doanh sau khi chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp để đảm bảo nhu cầu vốn tối thiểu cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn khi chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
Trả lời: Tại công văn số 306/BNN-QLDN ngày 25/01/2014
Việc không cấp bổ sung vốn điều lệ cho các nông, lâm trường chuyển đổi thành các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp cũng là một khó khăn cho hoạt động của các nông, lâm trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc cấp bổ sung vốn điều lệ do chủ sở hữu các doanh nghiệp thực hiện cụ thể là UBND các tỉnh, Tập đoàn và Tổng công ty có nông, lâm trường (công ty nông, lâm nghiệp), việc cấp bổ sung vốn điều lệ không thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguồn vốn cấp bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước đã thực hiện theo quy chế quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quy định  tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 05 năm 2012.

8. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Nghiên cứu chuyển đổi nhanh mô hình Công ty TNHH MTV lâm nghiệp hiện nay sang mô hình công ty hoạt động công ích (phần quản lý, bảo vệ rừng thì nhà nước hợp đồng với công ty và trả kinh phí. Đồng thời, công ty hợp đồng, liên kết với nhân dân để sản xuất lâm nghiệp, giúp nhân dân phát triển nghề rừng để thoát nghèo).
Trả lời: Tại công văn số 240/BNN-TCLN ngày 23/01/2014
Thời gian qua, các lâm trường quốc doanh trong cả nước đã thực hiện việc chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp nhà nước theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh; và nay là công ty TNHH MTV Lâm nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đối với các công ty TNHH MTV Lâm nghiệp vùng Tây nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai, hiện đang được giao quản lý chủ yếu diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, trong khi việc phát triển rừng sản xuất là rừng trồng còn hạn chế. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án "Tăng cường năng lực tổ chức, quản lý bảo vệ rừng vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020", trong dự thảo đề án đưa ra phương án chuyển công ty lâm nghiệp đang quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng tự nhiên, nhưng không có khai thác gỗ theo phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp chứng chỉ rừng quốc tế thành đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu, sử dụng nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (nơi có điều kiện) hoặc ngân sách Nhà nước đảm bảo (nơi không có điều kiện hoặc số thu ít) để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Đến nay, dự thảo đề án đã được tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các công ty lâm nghiệp và các sở liên quan trong vùng vào tháng 12/2013 tại Đà Lạt, hiện đang được tiếp tục hoàn thiện để gửi lấy ý kiến Bộ, ngành liên quan và các tỉnh vùng Tây Nguyên, dự kiến sẽ trình trong tháng 3/2014. Khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các địa phương trong vùng tổ chức triển khai thực hiện kịp thời.
Đối với việc hợp đồng, liên kết với nhân dân để sản xuất lâm nghiệp, đã được quy định tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh là căn cứ pháp lý để các công ty lâm nghiệp chủ động thực hiện.

9. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg để ban hành chính sách mới về khoán bảo vệ rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai nhằm bảo vệ rừng có hiệu quả và tạo điều kiện ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng.
Trả lời: Tại công văn số 217/BNN-TCLN ngày 22/01/2014
Thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã giao và khoán bảo vệ rừng được 116.470_ha cho 7.208 hộ; trong đó giao 31.233 ha cho 2.412 hộ (bình quân 12,94 ha/hộ); khoán bảo vệ rừng 85.237 ha cho 4.796 hộ (bình quân 17,77 ha/hộ), góp phần giải quyết một phần đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên; đồng thời góp phần bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững. Mặc dù công tác giao, khoán bảo vệ rừng đã đạt được kết quả nhất định, song trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, như chính cơ chế, chính sách sau giao, khoán và nhất là chính sánh hưởng lợi còn hạn chế; việc giao, khoán bảo vệ rừng chưa gắn liền với công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy hiệu quả công tác giao, khoán bảo vệ rừng chưa cao.
Nhằm tổng kết thực tiễn, đánh giá kết quả công tác giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trong thời gian qua, đề xuất được những cơ chế, chính sách phù hợp trong thời gian tới. Năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả công tác giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp (tại văn bản số 2734/BNN-TCLN ngày 15/8/2013), trong đó bao gồm cả Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên, thời gian tổ chức tổng kết của các địa phương đến tháng 9 năm 2014. Trên cơ sở tổng kết của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị tổng kết toàn quốc (thời gian dự định vào tháng 11 năm 2014) làm cơ sở tham mưu đề xuất một số chính sách về việc giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay ở các địa phương.

10. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ “Ban hành bản quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước” nhằm hoàn thiện chính sách phù hợp với tình hình hiện nay.
Trả lời: Tại công văn số 306/BNN-QLDN ngày 25/01/2014
Nghị  định số 01/CP ngày 04 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ “Ban hành bản quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước” hiện nay đã hết hiệu lực thi hành, việc tổng kết khoán theo Nghị định 01/CP đã được thực hiện. Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 để thay thế Nghị định 01/CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông, lâm trường quốc doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 102/2006/TT-BNN, ngày 13 tháng 11 năm 2006 của về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị tổng kết việc thực hiện khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP và dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 135/2005/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành nhằm hoàn thiện chính sách phù hợp với tình hình thực tế, thời gian vào quý IV năm 2014.

11. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Trung ương ban hành chính sách tạm trữ cà phê khi giá xuống thấp nhằm giúp nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên có lãi 30% như chính sách tạm trữ lúa ở Đông Nam bộ.
Trả lời: Tại công văn số 505/BNN- CB ngày 18/02/2014
          Trong những năm qua, ngành cà phê đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hàng năm mang về cho quốc gia nguồn ngoại tệ lớn, góp phần ổn định an ninh, chính trị và liên quan đến đời sống của đông đảo bà con nông dân các vùng miền núi, nhất là Tây Nguyên. Tuy nhiên, ngành cà phê cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thu nhập của người dân còn bấp bênh và phụ thuộc quá nhiều vào giá cả thị trường thế giới. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn coi ngành cà phê là một trong những ngành hàng cần đặc biệt quan tâm.
Năm 2010, khi giá cà phê xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, nhà nước có chính sách hỗ trợ tạm trữ để điều tiết thị trường (theo Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 13/4). Đầu niên vụ cà phê 2013/2014, giá cà phê có thời điểm xuống dưới 30.000 đ/kg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chính sách hỗ trợ tạm trữ cà phê, nhưng sau đó, giá cà phê phục hồi nên việc tạm trữ chưa cần thiết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến giá cà phê để có biện pháp điều hành thị trường phù hợp.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ tạm trữ chỉ là biện pháp điều tiết thị trường ngắn hạn, gián tiếp hỗ trợ nông dân. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, hỗ trợ người dân sản xuất có thu nhập cao và ổn định, như đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và nông dân, nông dân với doanh nghiệp, trên cơ sở hài hoà lợi ích và phù hợp với yêu cầu thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất; thường xuyên nắm bắt để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách về tín dụng, đầu tư phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 
BỘ Y TẾ
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Hiện nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị của các cơ sở khám, chữa bệnh ở tỉnh Gia Lai, nhất là các trạm y tế cấp xã rất nghèo nàn và thiếu thốn; do vậy việc thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh đối với đồng vào dân tộc thiểu số ở khu vực II và khu vực III rất hạn chế. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nghiêm túc Điều 35 (khoản 2) Luật Bảo hiểm y tế và Điều 11 (khoản 2) Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; theo đó, chuyển 60% kinh phí kết dư quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong các năm 2010, 2011 và 2012 cho tỉnh Gia Lai, với số tiền 385,2 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện giúp cho tỉnh Gia Lai có kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị để phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Thực hiện quy định của Luật bảo hiểm y tế và Nghị định 62/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về phương án xử lý nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2010 và 2011. Thực tế là trong giai đoạn hiện nay, Quỹ BHYT tuy có kết dư nhưng nhu cầu khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trong thời gian tới ngày càng tăng, trong khi việc điều chỉnh mức đóng BHYT sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, theo đề nghị của Bộ Tài chính, tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 25/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán thu, chi năm 2013 cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thủ tướng đã quyết định sử dụng toàn bộ nguồn kết dư Quỹ BHYT đến cuối năm 2012 chuyển sang năm 2013 để ưu tiên kinh phí phục vụ khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ có công văn số 1860/VPCP-KTTH ngày 11/3/2013 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh “Đồng ý sử dụng nguồn kinh phí kết dư của Quỹ BHYT năm 2010 và năm 2011 để bổ sung quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT”.     
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có Công văn số 4814/BYT-BH ngày 6/8/2013 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo về việc xử lý nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2010-2011; ngày 20/11/2013, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Công văn số 7437/BYT-VPB1 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hộitại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIII, theo đó nguồn kinh phí kết dư của Quỹ BHYT trong các năm 2010 – 2012 được sử dụng để bổ sung vào quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm nguồn kinh phí phục vụ khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT.

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Quan tâm ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ công chức, viên chức ngành y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo theo tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/02/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì chỉ có 01 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, do đó tất cả viên chức có trình độ như nhau, đều xếp cùng vào một ngạch lương. Còn đặc thù của các ngành nghề, các chuyên khoa được thực hiện bằng các chế độ phụ cấp như: Phụ cấp độc hại, phụ cấp ưu đãi theo nghề...
Chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức ngành y tế là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó Bộ Y tế luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính sách của Ngành, cụ thể, công chức, viên chức ngành y tế, ngoài các chế độ chung, còn được hưởng các chế độ phụ cấp sau:
1. Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập với mức phụ cấp từ 20% đến 70 % mức lương hiện hưởng (Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011).
2. Chế độ phụ cấp độc hại đối với công chức, viên chức ngành y tế (Công văn số 6608/BYT-TCCB ngày 22/8/2005).
3. Chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước, với mức phụ cấp đặc thù từ 1 đến 3 lần lương tối thiểu (Quyết định số 46/2009/QĐ-TTg).
4. Chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 64/2009/NĐ-CP.
5. Chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản với mức phụ cấp 0,5 và 0,3 mức lương tối thiểu (Quyết định 75/2009/QĐ-TTg).
6. Chế độ phụ cấp đặc thù của y tế (phụ cấp thường trực, phẫu thuật, chống dịch).
Thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" và "Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo", Bộ Y tế đã và đang đề nghị công chức, viên chức ngành y tế được hưởng một số chế độ như: chế độ phụ cấp thâm niên nghề; nâng mức lương khởi điểm của bác sỹ cho tương xứng với thời gian đào tạo.

3. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Về tai nạn giao thông: Mặc dù Thông tư liên tịch số 39/2011/TTLT-BYT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2011 hướng dẫn cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi triển khai còn vướng mắc, các hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xác minh không có trả lời hoặc trả lời chung chung nên không thu hồi được quỹ khám bệnh, chữa bệnh khi người vi phạm Luật giao thông đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp để vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Thông tư liên tịch số 39/2011/TTLT-BYT-BTC ngày 11/11/2011 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bị tai nạn giao thông đã cơ bản giải quyết những vướng mắc trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT khi bị tai nạn giao thông. Thông tư quy định: trẻ em dưới 14 tuổi, người cao tuổi từ 85 tuổi trở trên khi bị tai nạn giao thông không phải xác minh có vi phạm pháp luật về giao thông hay không mà được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phạm vi được hưởng quy định; các đối tượng khác khi vào khám bệnh, chữa bệnh được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định. Cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh như đối với các trường hợp bệnh khác đồng thời có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an để xác minh tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông để xử lý về sau.
Tuy nhiên, trong thực tế rất ít các trường hợp tai nạn giao thông có thể xác minh được tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xác minh không có trả lời hoặc không có cơ sở xác minh. Để khắc phục vấn đề này, trong dự án Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành chức năng đề nghị sửa đổi quy định trên theo hướng: Quỹ BHYT sẽ thanh toán đối với các trường hợp này và đã bãi bỏ “Khoản 10, Điều 23 về Khám chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích và Khoản 12, Điều 23 về Khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra”.

4. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-TC về công thức tính suất phí áp dụng trong thanh toán theo phương thức định suất. Đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm thống nhất chương trình phần mềm trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Quy định rõ việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến trên đi xuống tuyến dưới và đi cùng tuyến nhưng khác nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Quy định rõ các đối tượng mắc các bệnh mãn tính khi chuyển viện do vượt quá chuyên môn kỹ thuật nhằm tránh lạm dụng chi phí vận chuyển.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Hình thức thanh toán theo định suất đã được triển khai và từng bước mở rộng. Đến cuối năm 2011, đã có 60/63 địa phương trên cả nước áp dụng phương thức thanh toán theo định suất tại 786/1.951 cơ sở khám, chữa bệnh (còn 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh chưa triển khai phương thức này). Năm 2012, có 42% cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu thanh toán theo định suất trong đó có 55,8% bệnh viện tuyến huyện.
Phương thức này được đánh giá là tạo sự chủ động cho các cơ sở khám chữa bệnh trong điều hành ngân sách, kiểm soát Quỹ BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm, tiết kiệm tối đa chi phí khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhưng thực tế, sau một năm thực hiện phương thức đã bộc lộ những hạn chế như cử tri Gia Lai đã nêu. Việc xác định suất phí, thanh toán các chi phí ngoài định suất, quản lý, sử dụng kinh phí chuyển tuyến, điều chỉnh suất phí giữa các khu vực, vùng miền và giữa các loại hình cơ sở khám chữa bệnh chưa phù hợp dẫn tới tình trạng bội chi quỹ diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, quyền lợi của người tham gia BHYT bị ảnh hưởng.
Bộ Y tế hiện đang tập trung thực hiện thí điểm và xây dựng Thông tư hướng dẫn thanh toán theo định suất, đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và áp dụng phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo nhóm chẩn đoán bệnh (DRG) để thay thế dần phương thức thanh toán theo định suất.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 quy định chi tiết về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo hướng mở rộng dịch vụ, kỹ thuật y tế, đặc biệt là ở tuyến dưới tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng ở nơi gần nhất. Thông tư quy định Danh mục kỹ thuật và Phân tuyến kỹ thuật cũng đã được xin ý kiến rộng rãi tại Hội thảo Quốc gia, ban soạn thảo đang tiếp thu, chỉnh sửa.  6 tháng đầu năm đã Bộ Y tế đã thẩm định và ra quyết định phê duyệt bổ sung được 3.831 quy trình kỹ thuật cho 11 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; Bệnh viện Đa khoa Khu vực Gò Công tỉnh Tiền Giang; Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông; Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang; Trung tâm Da liễu tỉnh Thái Bình; Bệnh viện Tim mạch tỉnh An Giang; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam; Bệnh viện Xây dựng, Bộ Xây dựng.
Bộ Y tế cũng xây dựng Thông tư quy định chuyển tuyến trong khám, chữa bệnh. Cho đến nay bản dự thảo đã cơ bản hoàn chỉnh và sẽ ban hành trong thời gian tới.

5. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Điều 13 Thông tư liên tịch số 09/2009/ TTLT-BYT-TC cần chỉnh sửa và bổ sung: Đối với trẻ em dưới 6 tuổi đi khám bệnh, chữa bệnh bằng Thẻ bảo hiểm y tế, trường hợp chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm liên hệ với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú để lập danh sách để Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố in và cấp thẻ bảo hiểm y tế (trừ trường hợp cấp cứu), vì hiện nay đã phân cấp cho Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố in Thẻ bảo hiểm y tế. Nếu vì lý do khách quan không cấp Thẻ bảo hiểm y tế kịp thời thì cha, mẹ, người giám hộ thanh toán trực tiếp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, sau đó đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cư trú (sau khi có Thẻ bảo hiểm y tế) để thanh toán lại chi phí này.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục sức khỏe trẻ em, nhóm trẻ em dưới 6 tuổi là nhóm đối tượng đặc biệt, được quan tâm, ưu đãi đặc biệt trong mọi lĩnh vực. Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã xây dựng những quy định riêng về thủ tục khám chữa bệnh (KCB), phạm vi quyền lợi, đăng ký KCB ban đầu cũng như thanh toán chi phí KCB,... đối với trẻ em dưới 6 tuổi có thẻ BHYT. Đồng thời các văn bản hướng dẫn cũng quy định trẻ chưa có thẻ BHYT được khám chữa bệnh bằng các giấy tờ khác thay thế nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền lợi của trẻ khi thực hiện KCB theo hình thức BHYT.
Cử tri đề nghị thanh toán trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội đối với quy định những trường hợp chưa có thẻ BHYT cũng là một giải pháp, tuy nhiên quy định này cũng gây phiền hàcho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tổ chức BHYT.
Để bảo đảm trẻ mới sinh sớm có thẻ BHYT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã bổ sung quy định về thời gian, trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn trong việc lập danh sách cấp thẻ BHYT gửi cơ quan BHXH để in thẻ, chuyển trả thẻ đến gia đình trẻ. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để gia đình trẻ hiểu về trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT.

6. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: “Việc áp dụng phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Tại mục a, điểm 6, Điều 24 Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 8 năm 2009 quy định: “Lộ trình áp dụng thanh toán theo định suất: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo áp dụng thanh toán theo định suất theo lộ trình phù hợp, đến năm 2011 có ít nhất 30%; đến năm 2013 có ít nhất 60% và đến năm 2015, tất cả cơ sở y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh  ban đầu tại địa phương thực hiện phương thức này.”
Tuy nhiên, điểm 3, Điều 20 của Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2012 quy định: Phương thức thanh toán chỉ còn hai phương thức là: thanh toán theo giá dịch vụ và thanh toán theo trường hợp bệnh; không còn phương thức thanh toán theo định suất. Đề nghị liên bộ sớm hướng dẫn để thực hiện thống nhất.”
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
1. Luật Bảo hiểm y tế quy định 03 phương thức thanh toán giữa cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT) và cơ sở khám chữa bệnh, gồm:
+ Thanh toán theo giá dịch vụ,
+ Thanh toán theo trường hợp bệnh,
+ Thanh toán theo định suất.
Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (gọi tắt là Thông tư 09), trong đó đã quy định “Thanh toán theo định suất là thanh toán theo mức chi phí khám chữa bệnh bình quân tính trên mỗi đầu thẻ bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng trong thời gian đăng ký tại cơ sở y tế”, trong Thông tư 09 cũng đã quy định lộ trình thực hiện phương thức thanh toán theo định suất đối với cơ sở KCB ban đầu.
Điều đó có nghĩa là cơ quan BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh theo một trong 03 phương thức nêu trên. Riêng phương thức thanh toán theo định suất chỉ áp dụng cho cơ quan BHYT thanh toán chi phí KCB BHYT của người bệnh có thẻ BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu.
2. Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập (gọi tắt là Nghị định 85) quy định 2 phương thức thanh toán, gồm:
+ Thanh toán theo giá dịch vụ là thanh toán dựa trên giá của từng dịch vụ, kỹ thuật y tế được quy định cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế người bệnh đã sử dụng;
+ Thanh toán theo trường hợp bệnh là thanh toán theo mức chi phí bình quân cho từng loại bệnh hay nhóm bệnh cụ thể đã được chẩn đoán.
Tại Điều 20 của Nghị định 85 cũng đã quy định: Người có thẻ BHYT được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo mức quy định của pháp luật về BHYT.
Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT như đã nêu tại Luật BHYT và Thông tư 09 có 3 phương thức, trong đó có phương thức thanh toán theo định suất nên Nghị định 85 không nêu phương thức thanh toán này, chứ không phải là không còn phương thức thanh toán theo định suất.
 Đối với người bệnh không có thẻ BHYT, phải trực tiếp thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho cơ sở khám chữa bệnh thì chỉ có 2 phương thức thanh toán là Thanh toán theo giá dịch vụ và Thanh toán theo trường hợp bệnh.
Như vậy, không có sự mâu thuẫn giữa Nghị định 85 và Thông tư 09 hướng dẫn thực hiện BHYT, và không cần thiết có thêm hướng dẫn thực hiện các phương thức thanh toán này.

7. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Ban hành danh mục bệnh được khám sàng lọc chẩn đoán sớm; Phác đồ điều trị chuẩn các nhóm bệnh.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
1. Về ban hành danh mục bệnh được khám sàng lọc, chẩn đoán sớm: Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư ban hành danh mục bệnh được khám sàng lọc, chẩn đoán sớm được BHYT thanh toán.
2. Về Hướng dẫn điều trị chuẩn (Phác đồ điều trị chuẩn): Bộ Y tế đã, đang triển khai xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho các chuyên khoa, chuyên ngành. Những hướng dẫn đã được ban hành, gồm:
- Hướng dẫn điều trị tập I của Bộ Y tế (do Nhà xuất bản y học xuất bản năm 2005): gồm 55 hướng dẫn về xử trí cấp cứu, cấp cứu 5 tai biến sản khoa, xử trí ngộ độc cấp, một số bệnh hô hấp thường gặp.
- Hướng dẫn điều trị tập II của Bộ Y tế (do Nhà xuất bản y học xuất bản năm 2006), 54 hướng dẫn về các chuyên ngành: cơ xương khớp, da liễu, hô hấp, nhãn khoa, răng hàm mặt, sản phụ khoa, thần kinh, thận-tiết niệu, tiêu hóa, tim mạch, bệnh khác).
- Hướng dẫn Điều trị tập III: bao gồm 51 hướng dẫn về Xử trí cấp cứu nhi khoa.
- Ngoài ra còn có các hướng dẫn điều trị riêng lẻ, như hướng dẫn chẩn đoán và điều trị lao phổi, HIV/AIDS…, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp (được ban hành kèm theo Quyết định số 4235/QĐ-BYT ngày 31/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về lao.
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt, Hướng dẫn xử trí Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Chống độc. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm…

8. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Trường hợp trẻ hết thời gian hưởng bảo hiểm y tế do đủ 72 tháng tuổi nhưng chưa nhập học vào lớp 1, đề nghị Bộ tham mưu với Chính phủ quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiền mua Thẻ bảo hiểm y tế để các em được khám, chữa bệnh trong thời gian này.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Việc quy định cấp thẻ BHYT miễn phí cho Trẻ em dưới 6 tuổi là thể hiện sự quan tâm của Đảng và chính phủ đối với trẻ em dưới 6 tuổi mặc dù điều kiện nguồn ngân sách dành cho y tế còn hạn chế.  Ý kiến của đại biểu cũng là mong muốn của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng phương án trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ liên quan nội dung này.
Hiện nay, theo quy định của Luật BHYT thì Trẻ em trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo đều đã được ngân sách nhà nước bảo đảm hoặc hỗ trợ 70-100% mức đóng. Vì vậy, việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục mua thẻ BHYT cho Trẻ em đủ 72 tháng tuổi nhưng chưa nhập học vào lớp 1 cần phải cân nhắc vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phải xem xét, đánh giá trên nhiều phương diện, cụ thể: khả năng đáp ứng của Ngân sách Nhà nước cũng như khả năng đáp ứng của Quỹ BHYT, bảo đảm sự thống nhất về chế độ, chính sách pháp luật đối với trẻ em dưới 6 tuổi quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với Luật BHYT.

9. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Tăng cường chỉ đạo tiến hành cải cách, đơn giản hóa các thủ tục cũng như các biểu mẫu thực hiện việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm giảm chi phí và tạo thuận lợi cho người bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, cải tiến thủ tục khám, chữa bệnh, trong thời gian qua Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện các hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, cụ thể như sau:
-  Tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản hướng dẫn về BHYT cho toàn thể cán bộ nhân viên của đơn vị: Chương trình 527/CTr-BYT ngày 18/6/2009 của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; Quyết định 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện, hướng dẫn các bệnh viện thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, cải cách tất cả các thủ tục khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4-7 giờ xuống trung bình còn 2-4 giờ, tùy theo các hình thức và loại dịch vụ khám bệnh, giảm phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh.
- Thủ trưởng các đơn vị tổ chức rà soát thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, bố trí hệ thống đăng ký và nơi khám bệnh một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, bổ sung bảng chỉ dẫn các khoa phòng, bảng hướng dẫn thủ tục khám, chữa bệnh, cung cấp thông tin về khám, chữa bệnh BHYT. Các bệnh viện phải mở thêm các bàn khám bệnh, các ô tiếp đón bệnh nhân, thêm chỉ dẫn, phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng nơi khám, chữa bệnh để người dân không mất nhiều thời gian chờ đợi. 
 - Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, quản lý BHYT. Giải quyết một cách khoa học và công bằng trong việc tổ chức khám, chữa bệnh, không phân biệt người bệnh tự trả viện phí và người bệnh BHYT, tránh nộp viện phí nhiều lần cho đối tượng có BHYT.
-  Công khai bảng giá viện phí theo quy định; thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả hay được quỹ BHYT thanh toán. Đặc biệt, sau khi Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2012 ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có hiệu lực, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Chỉ thị này đã giao trách nhiệm cụ thể cho Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh gắn với điều chỉnh giá viện phí.
- Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam không ban hành thêm các quy định, thủ tục liên quan đến BHYT để không làm tăng thủ tục hành chính cũng như khối lượng công việc của các bên.
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam để sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo hướng thuận tiện và đơn giản nhất, nghiên cứu đổi mới phương thức thanh toán và quy trình giám định BHYT; đồng thời cải tiến hơn nữa quy trình khám, chữa bệnh và kiểm tra, giám sát quản lý chất lượng bệnh viện nhằm đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh và tránh sự phiền hà cho người bệnh, tạo niềm tin để người dân tích cực tham gia tiến tới BHYT toàn dân.

10. Cử tri các tỉnh Ninh Thuận, Gia Lai kiến nghị: Tăng cường kiểm tra, giám sát về y đức của đội ngũ y, bác sĩ và CBCC trong ngành y tế; công tác đấu thầu giá thuốc tại các bệnh viện cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch; Các trường hợp sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế xảy ra thời gian qua làm dư luận quần chúng nhân dân rất bức xúc. Cử tri kiến nghị ngành y tế phải làm thật tốt công tác này.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
1. Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Kiểm ra, giám sát các hoạt động y tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, luôn được Bộ Y tế chú trọng và thực hiện thường xuyên trên cơ sở kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm và các kế hoạch kiểm tra, thanh tra đột xuất. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát và các nguồn thông tin phản ánh qua phương tiện truyền thông đại chúng, qua Đường dây nóng của Ngành Y tế, đã phát hiện những vụ việc vi phạm quy trình chuyên môn, quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế. Những vi phạm này đã được Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, Ngành chức năng và chính quyền địa phương tiến hành xử lý nghiêm minh, theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.
Trong năm 2013, Bộ Y tế đã triển Kế hoạch số 1395/KH-BYT ngày 24/12/2012 về chương trình thanh tra y tế năm 2013. Bộ đã thành lập 43 đoàn thanh tra về phòng, chống tham nhũng, y tế dự phòng và an toàn thực phẩm, khám, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; 05 đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, y dược cổ truyền tư nhân, dược tư nhân và an toàn vệ sinh thực phẩm, 03 đoàn kiểm tra công tác triển khai hoạt động xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công.
Thanh tra y tế của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thanh tra về các lĩnh vực an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, dược mỹ phẩm, trang thiết bị y tế tại 703.762 cơ sở. Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt với tổng số tiền là 30,8 tỷ đồng, đình chỉ 325 cơ sở về y tế và tước giấy phép có thời hạn 19 cơ sở hành nghề y, dược.
2. Về kiểm tra việc thực hiện các quy định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế:
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh việc thực hiện quy tắc ứng xử trong bệnh viện và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế như sau:
- Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ và Ngành thành lập đường dây điện thoại nóng của đơn vị nhằm ghi nhận những ý kiến phản ánh hiện tượng tiêu cực và những hành vi gây phiền hà của cán bộ y tế trong khi thi hành nhiệm vụ; khôi phục, chấn chỉnh và tăng cường hoạt động của hệ thống đường dây nóng ngành y tế theo 3 cấp:
+ Tại các bệnh viện: số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện và số điện thoại của Giám đốc bệnh viện;
+ Tại Sở Y tế: số điện thoại của Giám đốc Sở Y tế;
+ Tại Trung ương: Số tổng đài do Bộ Y tế quản lý: 0973.306.306 và hộp thư điện tử duongdaynongyte@gmail.com.
Các số điện thoại đường dây nóng sẽ được công khai tại các cơ sở khám, chữa bệnh để tiếp nhận những bức xúc liên quan tới y đức, thái độ ứng xử, thăm, khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sỹ.
- Triển khai Quyết định số 4332/QĐ-BYT ngày 30/10/2013 về việc hành lập đoàn kiểm tra do 5 đồng chí Thứ trưởng trực tiếp làm Trưởng đoàn, kiểm tra các hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, công tác an toàn thực phẩm, y dược cổ truyền tại 10 tỉnh, thành phố lớn. Sau đó, Thanh tra Bộ, các Vụ, Cục tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra.
- Yêu cầu giám đốc các bệnh viện thực hiện các biện pháp như phát phiếu xin ý kiến người bệnh và gia đình người bệnh, của nhân dân; đặt các hòm thư góp ý; bố trí camera tại một số khoa, phòng bệnh để phát hiện kịp thời các sai phạm.
- Phát hiện và có các hình thức khen thưởng kịp thời đối với những gương sáng về y đức, đồng thời xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm.
Đối với công tác tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã:
- Ban hành bổ sung các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu chấn chỉnh công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ; triển khai Kế hoạch số 389/KH-BYT về việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế; yêu cầu Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra toàn siện việc sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế; triển khai 02 Đoàn thanh tra tại 04 tỉnh/thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng tích cực triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị
- Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về sử dụng vắc xin, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn, bảo đảm an toàn theo đúng các quy định; tiến hành thanh tra toàn diện về công tác tiêm chủng, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các đơn vị nếu có sai phạm; trường hợp xảy ra tai biến thì khẩn trương xử lý, tìm nguyên nhân và công bố công khai nguyên nhân gây tại biến; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân vi phạm, những người liên quan và xử lý nghiêm theo quy định.
- Ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 18/01/2013 về việc tăng cường an toàn tiêm chủng và giám sát phản ứng sau tiêm chủng nhằm tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, ngay từ đầu năm.
- Ban hành Quyết định số 3029/QĐ-BYT về việc phê duyệt “Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng” với mục tiêu tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, đảm bảo chất lượng tiêm chủng và đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em. Theo báo cáo, đến hết tháng 9/2013 đã kiểm tra được hơn 6.600 trên tổng số hơn 16.600 điểm tiêm chủng (40%), dự kiến trong thời gian tới sẽ tiến hành rà soát tất cả các điểm tiêm chủng còn lại trên phạm vi cả nước. “Chỉ những điểm tiêm nào đủ tiêu chuẩn mới được tiêm chủng để nâng cao chất lượng và an toàn tiêm chủng”. Đồng thời, thành lập 02 Đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác sử dụng VXSPYT nhằm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 3029/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng tại nhiều tỉnh, thành phố.
 Bộ Y tế cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ y tế, chất lượng thuốc, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện gồm 83 tiêu chí, làm cơ sở cho việc xác định mức chất lượng bệnh viện để có thể đề ra các biện pháp can thiệp nâng cao chất lượng bệnh viện.
3. Về đấu thầu mua thuốc:
Hiện nay, việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 (Thông tư 01) và Thông tư số 36/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 11/11/2013 (Thông tư 36) (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), các quy định này được áp dụng cho tất cả các cơ sở y tế có tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc lập Hồ sơ mời thầu trong đấu thầu mua thuốc cũng đã được quy định tại Thông tư 11/2012/TT-BYTngày 28/6/2012 (Thông tư 11) và sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 37/2013/TT-BYT ngày 11/11/2013 (Thông tư 37).
Thông tư 01 và Thông tư 36 đã quy định chi tiết quy trình tổ chức đấu thầu mua thuốc, thành phần tham gia và thẩm quyền, phân cấp trong từng hoạt động của quá trình đấu thầu mua thuốc. Người có thẩm quyền trong đấu thầu thuốc: tại các Bộ/ngành, cơ quan Trung ương là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về Hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc tổ chức đấu thầu mua thuốc ở các đơn vị thuộc quyền theo một trong các hình thức dưới đây:
(1)    Giao Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung cho các đơn vị trực thuộc. Các đơn vị căn cứ vào thông báo kết quả trúng thầu của Sở Y tế để thương thảo, ký kết hợp đồng cung ứng thuốc theo quy định hiện hành. 
(2) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các đơn vị ngoài công lập có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH trên địa bàn tỉnh áp dụng kết quả lựa chọn nhà thầu của một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để mua thuốc theo hình thức mua sắm trực tiếp theo quy định  hiện hành của pháp luật về đấu thầu.
(3) Các đơn vị tự tổ chức đấu thầu mua thuốc theo nhu cầu sử dụng của từng đơn vị.
Đấu thầu tập trung tại Sở Y tế là mô hình đấu thầu được nhiều địa phương áp dụng do hiệu quả, ưu việt so với hai hình thức tổ chức đấu thầu còn lại tại địa phương và hiện đã có 47/53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tổ chức thực hiện. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan đề xuất việc mua sắm tập trung ở cấp quốc gia và cấp địa phương tại Luật đấu thầu sửa đổi năm 2013 (có hiệu lực 1/7/2014). Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc đấu thầu tập trung và lộ trình thực hiện việc đấu thầu tập trung tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đấu thầu sửa đổi năm 2013.

11. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Để khắc phục bất cập hiện nay trong công tác đấu thầu thuốc, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quy định thành lập Hội đồng đấu thầu thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo đó, Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh; các thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra, ...).
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Hiện nay, việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 (Thông tư 01) và Thông tư số 36/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 11/11/2013 (Thông tư 36) (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), các quy định này được áp dụng cho tất cả các cơ sở y tế có tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc lập Hồ sơ mời thầu trong đấu thầu mua thuốc cũng đã được quy định tại Thông tư 11/2012/TT-BYT ngày 28/6/2012 (Thông tư 11) và sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 37/2013/TT-BYT ngày 11/11/2013 (Thông tư 37). Các quy định nêu trên cùng với các thông tin cần thiết khác như giá thuốc trúng thầu, giá thuốc kê khai/kê khai lại, danh mục thuốc biệt dược gốc cùng các thông tin quản lý của ngành Dược đều được đăng trên trang Thông tin điện tử (Web) của Cục Quản lý dược Bộ Y tế phục vụ quá trình đấu thầu mua thuốc.
Thông tư 01 và Thông tư 36 đã quy định chi tiết quy trình tổ chức đấu thầu mua thuốc, thành phần tham gia và thẩm quyền, phân cấp trong từng hoạt động của quá trình đấu thầu mua thuốc. Người có thẩm quyền trong đấu thầu thuốc: tại các Bộ/ngành, cơ quan Trung ương là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố.
Khoản 4, Điều 26 của Thông tư 01 (đã được bổ sung tại Thông tư 36) quy định “Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cử cán bộ tham gia hội đồng thẩm định kế hoạch đấu thầu, tổ xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ xét thầu và tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với trường hợp đấu thầu mua thuốc từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế theo phân cấp của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.”
Với các quy định tại Thông tư 01, Thông tư 36, Thông tư 11 và Thông tư 37, những bất cập trong đấu thầu thuốc trong những năm trước đây đã cơ bản được khắc phục. Việc Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh có tham gia vào Hội đồng đấu thầu thuốc hay không là tùy thuộc vào chủ trương của Người có thẩm quyền (là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).
Ngoài ra, Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013 có một số điều quy định riêng cho đấu thầu mua thuốc và vật tư y tế, hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014.
Với những thông tin nêu trên, có thể thấy các quy định về đấu thầu thuốc đã và đang được hoàn thiện từ các Luật cơ bản. Việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ quy định thành lập Hội đồng đấu thầu thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn hiện nay là không thật sự cần thiết.

12. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Quy định quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trái tuyến, vì không quản lý được người có Thẻ bảo hiểm y tế đi KCB cùng một ngày tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh có quyền lựa chọn bất kỳ cơ sở y tế nào để khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, năng lực chuyên môn của hệ thống khám, chữa bệnh còn có sự khác biệt, chênh lệch giữa các vùng, miền, vì vậy, việc quy định quỹ BHYT thanh toán một phần chi phí KCB của người bệnh BHYT trong trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến là hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, vừa tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở y tế trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thực tế trong thời gian qua, quy định về thanh toán BHYT đối với trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến trái tuyến được người dân ủng hộ, nhất là trong bối cảnh người dân chất lượng của các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới còn hạn chế, đây cũng là quyền của người bệnh được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh theo Luật khám bệnh, chữa bệnh. Nếu quỹ BHYT không thanh toán thì cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, quy định này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở tuyến trên và khó kiểm soát chi phí đối với các cơ sở tuyến dưới.
Ý kiến phản ảnh của cử tri đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để quy định hợp lý, khắc phục tình trạng chi đa tuyến quá mức và vượt tuyến không cần thiết, hạn chế tình trạng quá tải.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, khuyến khích người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu hoặc theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, đồng thời tập trung vào việc đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, điều chỉnh giá dịch vụ y tế hợp lý giữa các tuyến, các hạng bệnh viện; giảm tải cho tuyến trên; tăng cường công tác kiểm tra giám sát để hạn chế tình trạng lạm dụng, chuyển tuyến không cần thiết để đảm bảo sự an toàn của Quỹ mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người tham gia BHYT.

13. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong khâu sản xuất và lưu thông trên thị trường còn kém, nhiều bất cập nên thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm chứa nhiều hóa chất độc hại chưa được kiểm tra, xử lý thường xuyên đưa vào tiêu dùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân. Cử tri cho rằng do thực phẩm chứa hóa chất độc hại nên khi ăn vào cơ thể tích tụ lâu ngày gây ung thư và các bệnh mạn tính nguy hiểm khác, hiện nay tình trạng ung thư có biểu hiện phổ biến. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng có giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Hiện nay, việc kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) được thực hiện theo Luật an toàn thực phẩm. Để một sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường, yêu cầu:
- Sản phẩm phải được sản xuất  tại cơ sở đủ điều kiện ATTP.
- Sản phẩm phải được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP hoặc Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy của cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với sản phẩm bao gói sẵn, sản phẩm có nhãn mác đầy đủ các nội dung như: cơ sở sản xuất, địa chỉ, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng và cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho đối tượng sử dụng.
Trong quá trình bảo đảm ATTP, việc thanh tra, kiểm tra đã được cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương (đặc biệt là tại địa phương) đã phát hiện nhiều hành vi, vi phạm quy định ATTP. Các vi phạm quy định ATTP đã được các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật và cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.
Nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự dễ dãi của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm, một số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chạy theo lợi nhuận, nên đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc lưu thông.
Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt các Bộ ngành chức năng triển khai các biện pháp quản lý bảo đảm ATTP như sau:
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời bổ sung, điều chỉnh các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2013/NĐ-CP Quy định xử phat vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất của khung tiền phạt mà vẫn còn thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với cá nhân vi phạm) hoặc thấp hơn 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với tổ chức vi phạm) thì mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân hoặc 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức.
- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục nhằm chuyển đổi hành vi một cách bền vững liên quan đến bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo cho người tiêu dùng, công khai các vi phạm ATTP để cảnh báo rộng rãi cho cộng đồng.
- Kiện toàn năng lực của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
- Phối hợp liên ngành giữa cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội ngành nghề, trong việc giám sát ATTP, thông tin tuyên truyền giáo dục và kiểm soát ATTP ở đối tượng có liên quan.
 
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai, Điện Biên, Hà Nam kiến nghị:
- Hiện nay, phần lớn thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa chưa có trường, lớp mẫu giáo, các cháu mẫu giáo phải học nhờ nhà sinh hoạt thôn hoặc các lớp tiểu học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cử tri đề nghị sớm quan tâm đầu tư xay dựng cơ sở vật chất trường, lớp mẫu giáo tại các thôn, làng.
- Cử tri tiếp tục đề nghị ban hành chương trình đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học mầm non ở xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên vẫn chưa được đầu tư kiên cố, nhất là ở xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trường, lóp học và nhà công vụ cho giáo viên nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đồng thời nâng suất đầu tư phù hợp với đơn giá đầu tư từng vùng và bố trí đủ vốn cho xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình.
- Cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa về kinh phí kiên cố hóa trường lớp đối với các xã vùng nông thôn, tránh xây dựng dàn trải.
Trả lời: Tại công văn số 963/BGDĐT-VP ngày 05/ 3/2014
Theo Luật Ngân sách Nhà nước, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và là nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương hàng năm (tại điểm a khoản 1 điều 33: “Nhiệm vụ chi của Ngân sách địa phương gồm: Chi đầu tư phát triển; Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do địa phương quản lý” và theo Luật Giáo dục tại khoản 4 điều 100: “UBND các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương”). Thực tế các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn hạn chế về nguồn vốn nên cơ sở vật chất các trường học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Hiện nay, các địa phương đang thực hiện các Đề án, Dự án, Chương trình được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và các nguồn tài trợ, trong đó có cấu phần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học: Chương trình mục tiêu quốc giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012-2015, Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Đối với Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, nhà nước ưu tiên hỗ trợ mức cao hơn từ vốn trái phiếu Chính phủ cho các địa phương thuộc vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trong đó có ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định triển khai Đề án Kiên cố hóa giai đoạn 2014-2017 và lộ trình đến năm 2020 với mục tiêu: Thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành danh mục công trình của Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; Ưu tiên xây dựng các phòng học trường mầm non để phục vụ việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi; Đầu tư xây mới cho đủ 1 lớp/phòng đối với trường tiểu học; Đầu tư xây dựng mới để thay thế toàn bộ số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm của các trường mầm non, phổ thông; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thuộc khu phục vụ học tập: phòng học bộ môn, phòng thiết bị, phòng hiệu bộ, phòng học đa năng, phòng thư viện, phòng y tế.

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị nâng chế độ trợ cấp cho học sinh bán trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các em đi học.      
Trả lời: Tại công văn số 968/BGDĐT-VP ngày 05/ 3/2014
Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là học sinh bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các trường tiểu học, trường trung học cơ sở công lập khác ở vùng này do nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Mức hỗ trợ tiền ăn 40% trên mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng. Ngoài ra, các học sinh thuộc đối tượng trên cũng được hỗ trợ gạo theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 với mức 15 kg gạo/1 tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Theo thời giá thực tế, các mức hỗ trợ trên mặc dù đã được điều chỉnh tăng theo lương tối thiểu, nhưng vẫn chưa đảm bảo về dinh dưỡng và thể chất cho học sinh. Tuy nhiên, do khả năng ngân sách nhà nước còn hạn chế, nên vấn đề tăng mức hỗ trợ trong thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015 là khó khả thi. Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, tham mưu Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho học sinh bán trú giai đoạn sau năm 2015.
 
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Hiện nay, nhiều đoạn đường của Quốc lộ 19, 25 trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng nên không đảm bảo an toàn giao thông, mặt khác một số đoạn của Quốc lộ 25 thi công dở dang, kéo dài gây lãng phí. Cử tri đề nghị Bộ sớm có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các Quốc lộ 19 và 25 để bảo đảm giao thông phát triển kinh tế – xã hội và an toàn cho người tham gia giao thông.    
Trả lời: Tại công văn số 1404/BGTVT - KHĐT ngày 13/02/2014
1. Quốc lộ 19: Đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 181 km, trong các năm qua đã được đầu tư các đoạn qua thành phố Pleiku, đoạn qua thị trấn Kon Dơng và đoạn từ Hàm Rồng đến cửa khẩu Lệ Thanh (biên giới Cămpuchia) đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng khoảng 76 km từ năm 2011; hiện nay đang triển khai đầu tư theo hình thức BOT đoạn từ Km 108 – Km 131+300 dài khoảng 23 km, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2015; còn lại khoảng 82 km tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và tìm kiếm các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư. Trong khi chưa triển khai đầu tư được ngay các đoạn còn lại, Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác bảo trì đường bộ và đảm bảo giao thông trên tuyến.
2. Quốc lộ 25: Đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 111km, bao gồm các dự án đang triển khai, cụ thể:    
- Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL25 đoạn từ Km 21+600 – Km 99+432 và đoạn từ Km 113 – Km 123: Dài 87,8 km (trong đó đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 39km), quy mô tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, có tổng mức đầu tư 1.390 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đã khởi công từ đầu năm 2010, đến năm 2011 do khó khăn về vốn và phải thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án thuộc đối tượng phải tạm thời dừng dãn tiến độ, chỉ thực hiện theo nguồn vốn bố trí trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 là 290 tỷ đồng để thực hiện các đoạn đang thi công đến điểm dừng kỹ thuật (Km 47+125 – Km 58, Km85 – Km99+432 thảm BTN đảm bảo giao thông trên tuyến...).
Do nhu cầu cấp thiết của Dự án nêu trên, đồng thời thực hiện theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; Văn bản số 6142/VPCP-VIII ngày 25/7/2013 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/2013/QH13 của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hiện tiết kiệm chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn năm 2006 - 2012”. Trên cơ sở tiến độ của Dự án đang triển khai và nhu cầu quan trọng cấp bách cần triển khai, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bổ sung 239 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 để thi công hoàn thành các hạng mục đang thi công dở dang Km 47+125 – Km 58, Km 69 – Km 76 và Km 84 – Km 99+432.
- Dự án đầu tư đoạn Km 99+500 – Km 113, tỉnh Gia Lai: Dài khoảng 13,5km, quy mô cấp III miền núi, có tổng mức đầu tư khoảng 101 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách, khởi công cuối năm 2008, cuối năm 2013 đã cơ bản hoàn thành.
- Dự án đầu tư đoạn Km 123 – Km 181, tỉnh Gia Lai: Dài khoảng 58km, quy mô cấp III miền núi, tổng mức đầu tư khoảng 1.528 tỷ đồng (đã được phê duyệt từ quý III/2010). Hiện nay chưa xác định được nguồn vốn để triển khai.
Như vậy, QL25 đoạn qua tỉnh Gia Lai mới bố trí được vốn để triển khai đến 2015 được khoảng 32km/111km. Với các đoạn còn lại, trong khi chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 25 nối tỉnh Gia Lai với Phú Yên, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục đường bộ Việt Nam tăng cường công tác bảo trì đường bộ và đảm bảo giao thông trên tuyến. 

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Chất lượng thi công nâng cấp QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (đoạn từ TP Pleiku giáp với tỉnh Kon Tum) rất kém, nhiều đoạn vừa thi công xong đã bị hư hỏng; bên cạnh đó việc thi công kéo dài thời gian và dở dang, gây khó khăn cho phương tiện giao thông và ảnh hưởng đến ATGT. Cử tri đề nghị Bộ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng thi công, làm lại những đoạn bị hư hỏng và sớm hoàn thành công trình. Đồng thời, đề nghị Bộ kiểm tra lại năng lực nhà thầu BOT (về trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật và vốn,...) có bảo đảm đủ điều kiện để thi công nâng cấp QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ ngã ba Hàm Rồng đến cầu 110 giáp ranh giới tỉnh Đăk Lăk.
Trả lời: Tại công văn số 1313/BGTVT-CQLXD ngày 11/02/2014
1. Về nội dung: Chất lượng thi công nâng cấp QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (đoạn từ TP Pleiku giáp với tỉnh Kon Tum) rất kém, nhiều đoạn vừa thi công xong đã bị hư hỏng; bên cạnh đó việc thi công kéo dài thời gian và dở dang, gây khó khăn cho phương tiện giao thông và ảnh hưởng đến ATGT. Cử tri đề nghị Bộ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng thi công, làm lại những đoạn bị hư hỏng và sớm hoàn thành công trình.
- Về chất lượng thi công nâng cấp QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (đoạn từ TP Pleiku giáp với tỉnh Kon Tum): Trong quá trình thi công hạng mục mặt đường bê tông nhựa lớp 1, đã xảy ra hư hỏng cục bộ tại các gói thầu số 5 và số 7 - Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Kon Tum - PLeiku, Ban QLDA Đường HCM đã kịp thời phát hiện, cho dừng thi công và tổ chức kiểm định độc lập, xác định nguyên nhân hư hỏng và đề ra giải pháp xử lý khắc phục triệt để. Bộ GTVT đã  chỉ đạo Ban QLDA Đường HCM tiến hành kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm về chất lượng công trình. Đồng thời, yêu cầu Ban QLDA Đường HCM nghiêm khắc rút kinh nghiệm để không tái diễn các việc tương tự, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với Dự án thành phần đoạn Kon Tum – Pleiku nói riêng và Dự án đường HCM nói chung.
Hiện nay các Nhà thầu đã tự bỏ kinh phí sửa chữa triệt để theo biện pháp đề ra để đảm bảo chất lượng theo thiết kế được duyệt.
- Việc thi công kéo dài thời gian và dở dang, gây khó khăn cho phương tiện giao thông: Do dự án bị dừng giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ từ tháng 03/2011, đến tháng 10/2012 dự án mới bắt đầu khởi động trở lại. Tiến độ dự án chậm một phần do mùa mưa năm 2013 tại khu vực Tây Nguyên kéo dài, công tác giải phóng mặt bằng đến tháng 4/2013 mới cơ bản hoàn thành (trên địa bàn tỉnh Gia Lai), còn trên địa bàn tỉnh Kon Tum do vướng mắc một số khu di tích lịch sử, chùa, ... dự kiến Quý I/2014 mới bàn giao xong. Trong quá trình thi công có một số nhà thầu chậm tiến độ, theo đề nghị của Ban QLDA Đường HCM, Bộ GTVT đã chấp thuận cho tăng cường nhà thầu phụ có đủ năng lực để thi công một phần khối lượng của những gói thầu bị chậm tiến độ, nhằm đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án (dự kiến dự án cơ bản hoàn thành vào tháng 6/2014).
2. Đề nghị Bộ kiểm tra lại năng lực nhà thầu BOT (về trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật và vốn,..) có bảo đảm đủ điều kiện để thi công nâng cấp QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ ngã ba Hàm Rồng đến cầu 110 giáp ranh giới với tỉnh Đắk Lắk.
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn Pleiku - Cầu 110, tỉnh Gia Lai theo hình thức Hợp đồng BOT do Nhà đầu tư Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai thực hiện. Công tác lựa chọn Nhà đầu tư đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/01/2011 của Chính phủ, Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT ngày 27/01/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các quy định hiện hành.
Nhà đầu tư đã thành lập Doanh nghiệp dự án theo quy định tại hợp đồng để quản lý thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu thiết kế, giám sát thi công và đang tiến hành đấu thầu xây lắp theo đúng quy định hiện hành.
Về vốn để thực hiện dự án: Nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay (Nhà đầu tư đã ký Hợp đồng nguyên tắc với tổ chức tín dụng để tài trợ vốn cho dự án), đáp ứng yêu cầu của dự án.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Bộ GTVT tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát theo chức năng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để dự án hoàn thành đúng tiến độ, dảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của Hợp đồng BOT.
 
BỘ TÀI CHÍNH
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ hướng dẫn thực hiện thống nhất việc hạch toán số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của các công ty quốc phòng trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ năm 2009 đến năm 2012 (tổng số là 132.694 triệu đồng) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 150/2009/TTLT/BTC-BQP của Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng.
Trả lời: Tại công văn số 1926/BTC-TCT ngày 14/02/2014
 Theo quy định tại Thông tư số 150/2009/TTLT/BTC-BQP ngày 22/07/2009 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 43/2005/TTLT/BTC-BQP ngày 02/06/2005 hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và thu Ngân sách Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thì: “Trong kỳ kế hoạch mỗi quý một lần, các công ty quốc phòng có phát sinh thu nhập từ hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác từ xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và nộp về tài khoản của Bộ Quốc phòng mở tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội. Cuối năm, các công ty quốc phòng thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác với Bộ Quốc phòng theo đúng chế độ quy định. Trên cơ sở quyết toán của các công ty quốc phòng, Bộ Quốc phòng xác định số nộp chính thức của các công ty quốc phòng và nộp vào Ngân sách Nhà nước. Sau khi nộp thuế TNDN của các Công ty Quốc phòng theo quyết toán, Bộ Quốc phòng gửi Bộ Tài chính số nộp của Công ty Quốc phòng ở từng địa phương để thực hiện việc phân cấp, quản lý, sử dụng nguồn thu được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.”
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng đã nộp thuế TNDN từ năm 2009 và một phần số thuế TNDN tạm nộp của năm 2012  tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước trung ương và số thuế TNDN này đã được hạch toán vào ngân sách nhà nước (NSNN) trung ương. Tổng cục Thuế đã căn cứ chứng từ nộp NSNN do Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước trung ương cung cấp và danh sách phân bổ số thuế đã nộp đối với từng công ty quốc phòng do Cục Tài chính - Bộ Quốc Phòng cung cấp, thông báo cho các Cục Thuế thực hiện hạch toán và lập báo cáo thu nội địa theo địa bàn.
Để giải quyết vướng mắc nêu trên, ngày 03/12/2013  Bộ Tài chính đã có công văn số 16741/BTC-TCT về việc thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty quốc phòng trong đó hướng dẫn Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng lập chứng từ nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty quốc phòng có trụ sở trên cùng địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương cho từng Kho bạc Nhà nước tỉnh/thành phố. Trong tháng 12 năm 2013, Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng cũng đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số quyết toán năm 2012 và tạm nộp năm 2013 theo hướng dẫn của công văn trên. Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tại địa bàn tỉnh Gia Lai là: số còn phải nộp theo quyết toán năm 2012 là 2.826.094.134 đồng và số tạm nộp năm 2013 là 14.000.000.000 đồng.
Đối với số thuế TNDN Bộ Quốc phòng đã nộp tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước năm 2011, 2012  đến thời điểm thực hiện theo công văn số 16741/BTC-TCT: Bộ Tài chính bổ sung có mục tiêu năm 2013 từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để hoàn trả số thuế Thu nhập doanh nghiệp điều tiết chưa đúng quy định năm 2011, 2012. Các địa phương thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 222/2012/TT-BTC ngày 24/12/2012 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 (trong đó có tỉnh Gia Lai).

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị xem xét ban hành chính sách cho các công ty TNHH MTV lâm nghiệp được vay vốn Ngân hàng phát triển Việt Nam với lãi suất ưu đãi để trồng rừng sản xuất.
Trả lời: Tại công văn số 1682/BTC-TCNH ngày 07/02/2014
Theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của nhà nước, các dự án trồng rừng không thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước (trừ trường hợp dự án trồng rừng đầu tư trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ Me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang theo quy định thì mới thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước).
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, trường hợp dự án trồng rừng của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp đầu tư trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khơ Me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang (quy mô thuộc nhóm A, B và C) thì được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước  tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cơ chế vay vốn (tổng mức vốn cho vay, thời gian vay, lãi suất vay...) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ xem xét xuất Quỹ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ còn thiếu cho các doanh nghiệp là công ty TNHH 1 TV 100% vốn nhà nước (theo danh sách tỉnh báo cáo) để các doanh nghiệp của tỉnh đảm bảo vốn hoạt động.
Trả lời: Tại công văn số 2124/BTC-TCDN ngày 19/02/2014
- Tại Điều 17 Mục 3 Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như sau:
“1. Căn cứ vào nhu cầu và quy mô phát triển kinh doanh, các Công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước xây dựng phương án bổ sung vốn điều lệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và gửi về Bộ Tài chính để thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt bổ sung vốn điều lệ của các đơn vị nêu trên thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước và khả năng tự cân đối từ các nguồn hiện có tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, Bộ Tài chính thẩm định và ra quyết định xuất Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để cấp bổ sung vốn điều lệ (phần còn thiếu) cho các Công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước.”
- Về hồ sơ, trình tự phê duyệt thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Điều 9 Chương II Thông tư số 220/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ.
Căn cứ quy định nêu trên, đến nay Bộ Tài chính chưa nhận được phương án bổ sung vốn điều lệ của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của tỉnh Gia Lai được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Vì vậy Bộ Tài chính không có cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai nêu trên theo quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho Chương trình nông thôn mới ở tỉnh Gia Lai trong các năm 2011, 2012 và 2013 còn quá thấp so với nhu cầu. Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ tăng vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách Trung ương của Chương trình nông thôn mới cho tỉnh Gia Lai.
Trả lời: Tại công văn số 1370/BTC-NSNN ngày 24/01/2014
Tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 695/QĐ-TTg quy định: “c) Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội để bố trí phù hợp với quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương khó khăn chưa tự cân đối ngân sách, địa bàn đặc biệt khó khăn và những địa phương làm tốt....”.
Căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu trên và khả năng ngân sách trung ương, từ năm 2011-2014 đã hỗ trợ Tỉnh Gia Lai  156.574  triệu đồng  (năm 2011 là 41.905 triệu đồng, năm 2012 là 37.854 triệu đồng, năm 2013 là 36.439 triệu đồng, năm 2014 kinh phí sự nghiệp là 10.379 triệu đồng) để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 
Đồng thời, để tăng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã trình và Quốc hội có Nghị quyết số 65/2013/QH13 phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung cho giai đoạn 2014-2016, trong đó bổ sung vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho các địa phương, trong đó có tỉnh Gia Lai. Vì vậy, đề nghị Tỉnh sử dụng nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương, cân đối từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện Chương trình.

5. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Năm 2013, tỉnh Gia Lai chưa được Chính phủ bố trí vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ứng phó với biến đổi khí hậu; khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường. Đề nghị Bộ bố trí vốn cho Tỉnh để thực hiện 3 chương trình này trong 02 năm 2014 – 2015.
Trả lời: Tại công văn số 1370/BTC-NSNN
Việc bố trí chi cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia từ ngân sách trung ương để hỗ trợ các địa phương phải căn cứ vào từng nội dung, nhiệm vụ của Chương trình và khả năng cân đối của ngân sách trung ương. Mặt khác, theo phân công của Chính phủ, Bộ quản lý Chương trình mục tiêu có trách nhiệm xác định nhu cầu kinh phí và phân bổ kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ cho từng Bộ, cơ quan quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Vì vậy, đề nghị Tỉnh chủ động làm việc với các Bộ quản lý Chương trình mục tiêu Quốc gia (Bộ Công thương đối với Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Chương trình MTQG về Ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình Khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường) để xem xét bố trí kinh phí thực hiện 3 Chương trình MTQG nói trên.
 
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Tỉnh Gia Lai có 4 huyện (KBang, KôngChro, Ia Pa và KRông Pa) trong 23 huyện của cả nước được bổ sung vào chương trình 30a, song chỉ được hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, chưa có hỗ trợ các chính sách, chế độ khác về đào tạo cán bộ, ưu tiên mức huy động đóng góp của người dân… Đề nghị Bộ tham mưu với Chính phủ có cơ chế bổ sung các chế độ, chính sách nêu trên.
Trả lời: Tại công văn số 933/BKHĐT-TH ngày 24/02/2014
Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Nghị quyết 30a), trong đó nêu rõ 62 huyện có trong Nghị quyết sẽ được hưởng toàn bộ các cơ chế chính sách ưu đãi của Nghị quyết 30a. Ngày 25/4/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 615/QĐ-TTg về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a. Ngày 05/02/2013 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 293/QĐ-TTg về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a.
Trên cơ sở của 02 Quyết định số 615/QĐ-TTg và 293/QĐ-TTg thì 30 huyện được bổ sung vào danh sách các huyện được hưởng chính sách hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a. Hiện tại, Chính phủ chưa có chủ trương cho 30 huyện bổ sung được hưởng các chính sách ưu đãi khác của Nghị quyết 30a, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận đề xuất của tỉnh và sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định khi có chủ trương và cơ chế.

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ tham mưu với Chính phủ quan tâm ưu tiên tăng vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia để tỉnh Gia Lai đủ nguồn lực thực hiện đạt mục tiêu của từng chương trình; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về định mức chi, định mức phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013 - 2015 phù hợp với tình hình đặc thù của địa phương; đồng thời sớm ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2014 - 2015. Đồng thời, bổ sung khoản kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và Cơ quan thường trực chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của chương trình.
Trả lời: Tại công văn số 933/BKHĐT-TH ngày 24/02/2014
Thực hiện Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 09/11/2011 của Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã phê duyệt 16 Chương trình MTQG giai đoạn 2012-2015. Trong giai đoạn 2011-2014, tổng kinh phí NSTW hỗ trợ thực hiện các Chương trình MTQG của tỉnh Gia Lai là 1.260,967 tỷ đồng, cụ thể như sau:
Năm 2011: NSTW hỗ trợ 194,465 tỷ đồng;
Năm 2012: NSTW hỗ trợ 332,286 tỷ đồng;
Năm 2013: NSTW hỗ trợ 361,058 tỷ đồng;
Năm 2014: NSTW hỗ trợ 260,158 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới là 113 tỷ đồng).
Như vậy, trong giai đoạn 2011 - 2014, Chính phủ đã ưu tiên tập trung bố trí vốn cho các Chương trình MTQG, trong đó có tỉnh Gia Lai để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình. Tuy nhiên, do khả năng ngân sách trung ương còn hạn chế, các địa phương cần chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn.
Về đổi mới cơ chế quản lý, điều hành các chương trình MTQG và ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2014 - 2015:
Thực hiện Nghị quyết số 32/2012/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã có báo cáo số 415/BC-CP ngày 18/10/2013 về báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện các Chương trình MTQG. Theo đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Quy chế quản lý, điều hành các Chương trình MTQG thay thế Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng: (i) Thay đổi cơ chế lập và giao kế hoạch, chuyển từ cơ chế giao kế hoạch hàng năm sang giao trong trung hạn; (ii) Quy định rõ hơn về cơ chế lồng ghép, sử dụng nguồn vốn để địa phương lồng ghép nguồn vốn, đầu tư tập trung dứt điểm theo từng năm.
Việc quy định như trên sẽ tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong việc điều hòa nguồn vốn giữa các Chương trình. Đồng thời giảm tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện và đảm bảo đầu tư có hiệu quả; tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý Chương trình MTQG trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lồng ghép các nguồn vốn.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 12/02/2014 hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.
Về bổ sung khoản kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và Cơ quan thường trực chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của chương trình:
Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt 16 Chương trình MTQG giai đoạn 2012-2015, trong đó hầu hết các Chương trình đều bao gồm dự án thành phần “Nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá và thực hiện chương trình” và đã được bố trí kinh phí thực hiện hàng năm.
 
BỘ CÔNG THƯƠNG
 
Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn phải sửa chữa các công trình thủy lợi do Công ty xây dựng trên địa bàn xã Đăk Rong (huyện KBang) đã bị hư hỏng, không sử dụng được; đồng thời, cải tạo lại diện tích ruộng nước đã khai hoang, đền bù cho 2 làng tái định canh, định cư Hồ C nhưng không canh tác được.
Trả lời: Tại công văn số 711/BCT-KH ngày 24/01/2014
Để thực hiện việc tái định canh và tái định cư khi xây dựng công trình Hồ C - Thủy điện Vĩnh Sơn, được sự thống nhất của chính quyền địa phương về địa điểm, diện tích xây dựng đồng ruộng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức triển khai xây dựng đồng ruộng Đăk Dinh Dong của làng Kon Lanh Te và đồng ruộng Đăk Rech của làng Kon Von 1. Để phục vụ tưới cho diện tích ruộng nước khai hoang, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã xây dựng và hoàn thành công trình thủy lợi trên địa bàn xã Đăk Rong, huyện Kbang gồm có hệ thống thủy lợi Đăk Dinh Dong cấp tưới cho 20ha lúa nước và hệ thống thủy lợi Đăk Rech cấp tưới cho 15ha lúa nước. Việc khai hoang, xây dựng đồng ruộng và công trình thủy lợi nêu trên đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2004 và đã bàn giao cho chính quyền và nhân dân địa phượng sử dụng quản lý. Tuy nhiên việc quản lý, khai thác sử dụng công trình của chính quyền địa phương chưa được tốt, chưa quan tâm đến việc bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên nên cho đến nay công trình đã xuống cấp và hư hỏng. Đồng thời người dân ở đây không quen tập quán trồng lúa nước, do đó đã bỏ hoang hóa đồng ruộng.
Để nâng cao đời sống và điều kiện sản xuất canh tác cho người dân khu vực tái định cư của thủy điện Vĩnh Sơn, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã nhiều đợt hỗ trợ kinh phí theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân huyện KBang. Gần đây, trong năm 2012, Công ty cũng đã hỗ trợ 400.000.000 đồng cho Trạm quản lý Thủy nông huyện KBang đầu tư công trình thủy lợi Đăk Briêng phục vụ tưới cho ruộng tái định canh do xây dựng công trình Hồ C - Thủy điện Vĩnh Sơn. Tuy nhiên, theo như phản ảnh của cử tri về tình trạng hệ thống thủy lợi và đồng ruộng do tái định canh khi xây dựng công trình Hồ C như đã nêu, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện KBang xem xét để có giải pháp phù hợp.
 
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
 
Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Thủy điện An Khê - KaNak) bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông Ba sau đập An Khê vào mùa nắng (2013 - 2014) là 20 m3/s nhằm bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, đời sống của hơn 450.000 dân và môi trường sinh thái trên địa bàn 08 huyện, thị xã ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai.
Trả lời: Tại công văn số 594/BTNMT-PC ngày 28/02/2014
Việc đảm bảo nhu cầu nước cho phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh vùng hạ du lưu vực sông Ba là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương, Bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước của công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, nhất là việc đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, đời sống của nhân dân hạ du hồ thủy điện An Khê thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai như: yêu cầu Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak, trước mắt phải đảm bảo duy trì xả thường xuyên, liên tục xuống sau đập An Khê tối thiểu là 4m3/s trong suốt mùa khô; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình vận hành để điều chỉnh lưu lượng xả nước phù hợp, đảm bảo nhu cầu dùng nước của nhân dân ở hạ du; lắp đặt hệ thống giám sát tự động để giám sát thường xuyên, liên tục lưu lượng xả sau đập.
Đồng thời, nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước trên lưu vực sông Ba nói chung, nguồn nước của cụm hồ An Khê - Ka Nak nói riêng, trên cơ sở nguyên tắc, thứ tự ưu tiên vận hành các hồ chứa trong mùa cạn là phải đảm bảo nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du và đảm bảo hiệu quả phát điện; kết quả nghiên cứu, phân tích các yêu cầu sử dụng nước cho đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong từng thời kỳ cụ thể; đặc điểm nguồn nước và thực trạng các hồ chứa trên lưu vực... Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các phương án phối hợp vận hành hồ, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba (Tờ trình số 87/TTr-BTMT ngày 04 tháng 9 năm 2013 và Tờ trình số 05/TTr-BTMT ngày 21 tháng 01 năm 2014), trong đó có cụm hồ An Khê - Ka Nak. Theo đó, cụm hồ An Khê - Ka Nak có nhiệm vụ đảm bảo nhu cầu dùng nước phía hạ du đập An Khê, đoạn từ sau đập An Khê đến thị trấn Krông Chro, cụ thể như sau: khi nhu cầu sử dụng nước gia tăng, hồ An Khê phải xả nước liên tục về hạ du sông Ba với lưu lượng không nhỏ hơn 6 m3/s hoặc 8 m3/s tùy thuộc lưu lượng đến hồ Ka Nak; khi nhu cầu sử dụng nước thấp hoặc vào thời gian ban đêm, hồ An Khê phải xả nước liên tục với lưu lượng không nhỏ hơn 4 m3/s. Quy định này phù hợp với yêu cầu sử dụng nước ở đoạn sông Ba sau đập An Khê (hiện tại khoảng 0,5 m3/s), bảo đảm duy trì dòng sông, đồng thời tổn thất điện năng ở mức có thể chấp nhận được, bảo đảm nguyên tắc hài hòa giữa nhiệm vụ cấp nước cho hạ du với nhiệm vụ phát điện.
 
BỘ QUỐC PHÒNG
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ tham mưu với Chính phủ quan tâm ban hành chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ đã nghỉ việc một lần theo Quyết định số 176 (số tiền trợ cấp ít ỏi, nhưng đến nay không được hưởng chế độ nào nữa) nhằm tạo điều kiện giúp đỡ cho các đối tượng chính sách thuộc diện này khắc phục khó khăn trong cuộc sống.
Trả lời: Tại công văn số 854/BQP-CT ngày 06/02/2014
Theo quy định tại Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006, Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã phục viên, xuất ngũ và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì đối tượng quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau đó chuyển ngành nghỉ việc theo Quyết định số 176-HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) thuộc đối tượng được xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại các Nghị định và Quyết định nêu trên.
Về các chế độ, chính sách khác, Bộ Quốc phòng xin ghi nhận ý kiến đề nghị của cử tri và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét khi điều kiện cho phép.

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo kéo dài thêm thời gian thực hiện Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; vì hiện nay ở địa phương còn nhiều đối tượng chính sách chưa làm hồ sơ và chưa được hưởng chế độ này.
Trả lời: Tại công văn số 854/BQP-CT ngày 06/02/2014
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 12/2013, toàn quốc đã giải quyết cho hơn 95 vạn đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần, với số tiền hơn 4000 tỷ đồng và 12.450 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng. Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức tổng kết việc thực hiện Quyết định nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay ở một số địa phương vẫn còn một số đối tượng còn tồn sót chưa được giải quyết chế độ. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm chế độ đối với số đối tượng tồn sót.
Đề nghị các địa phương chỉ đạo các cấp rà soát, sớm giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng còn lại.
 
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
 
Cử tri các tỉnh Bạc Liêu, Gia Lai kiến nghị: Hiện nay tình trạng nhiều trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, đồi trụy; bên cạnh đó, văn hóa phẩm đồi trụy ngày càng tràn lan trên mạng Internet, gây ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục thanh, thiếu niên. Đề nghị Bộ TTTT có giải pháp hữu hiệu để tăng cường quản lý mạng Internet nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế, khắc phục những mặt trái nêu trên.
Trả lời: Tại công văn số 832/BTTTT-VP ngày 21/3/2014
Ngày nay, với kỹ thuật và trình độ phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, Internet đã trở thành môi trường cung cấp thông tin không thể thiếu và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Các nội dung thông tin được đưa lên mạng đều có tính hai mặt. Một mặt tạo điều kiện giúp chúng ta tiếp cận thông tin nhanh, nhạy, đa dạng; mặt khác nó tác động xấu đến sự phát triển xã hội khi thông tin đưa lên mà không được kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lạc, thông tin thất thiệt, các dịch vụ nội dung (game bạo lực, văn hóa phẩm độc hại) không quản lý tốt.
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, thời gian qua, Bộ TTTT đã nỗ lực nghiên cứu và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động này. Cụ thể:
Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý nội dung thông tin trên mạng: Năm 2013, Bộ TTTT đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet, trong đó quy định các nội dung cơ bản, mang tính nguyên tắc chung về quản lý nội dung thông tin trên mạng, cụ thể:
- Tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng:
+ Quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc đăng tải hoặc sử dụng thông tin trên mạng và các biện pháp tăng cường nhằm bảo vệ người sử dụng Internet, trong đó có quy định đối với người sử dụng dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định của Bộ TTTT.
+ Quy định nhà cung cấp thông tin qua biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam phải có trách nhiệm loại bỏ những thông tin vi phạm điều cấm của Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
+ Tăng cường công tác quản lý đối với mạng xã hội, theo đó chuyển từ hình thức đăng ký thành hình thức cấp phép trước khi hoạt động.
- Tăng cường quản lý trò chơi điện tử trên mạng với các giải pháp:
+ Mở rộng phạm vi quản lý, đối tượng điều chỉnh với 3 nhóm trò chơi;
+ Phân loại trò chơi: phân loại trò chơi theo độ tuổi, nội dung; phân loại trò chơi theo phương thức cung cấp;
+ Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ;
+ Yêu cầu người chơi phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định của Bộ Công an và lựa chọn các trò chơi điện tử trên mạng phù hợp với độ tuổi theo quy định.
+ Nâng cấp Hội đồng tư vấn thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng có tính đại diện cao hơn, đạt hiệu quả tốt nhằm bảo đảm kiểm soát tốt nhất nội dung, kịch bản trò chơi trước khi phát hành.
Bộ đã ban hành Thông tư số 23/2013/TT-BTTTT ngày 24/12/2013 quy định về quản lý điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng và đang tiếp tục khẩn trương xây dựng các Thông tư hướng dẫn Nghị định 72/2013/NĐ-CP, trong đó sẽ cụ thể hóa về điều kiện, thủ tục và quy trình cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử và mạng xã hội; Giấy phép cung cấp dịch vụ, Quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi và đăng ký cung cấp trò chơi.
- Tăng cường quản lý an toàn thông tin và an ninh thông tin. Riêng đối với nội dung, kịch bản của trò chơi điện tử, ngoài việc bảo đảm không vi phạm các điều cấm của Nghị định 72/2013/NĐ-CP còn phải đáp ứng các yêu cầu sau: Không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn; kích động bạo lực, thú tính; dung tục, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử. Không có hình ảnh, âm thanh miêu tả hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố; hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác. Các yêu cầu khác theo quy định của Bộ TTTT.
Nhằm tăng cường các biện pháp quản lý điểm kinh doanh Internet, Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã tách riêng Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng với Điểm truy nhập Internet công cộng và có các biện pháp quản lý tương ứng với hai loại hình này. Điều 8 và Điều 9 của Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng; quyền và nghĩa vụ của chủ điểm truy nhập Internet công cộng.
Bên cạnh đó, ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản thay thế Nghị định 02/2011/NĐ-CP; Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thay thế Nghị định 28/2009/NĐ-CP ngày 20/3/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet, trong đó bổ sung các hành vi vi phạm mà Nghị định 02/2009/NĐ-CP và Nghị định số 28/2009/NĐ-CP chưa đề cập đến, đồng thời tăng mức xử phạt nhằm bảo đảm tính răn đe và hiệu quả trong công tác quản lý lĩnh vực này.
 
ỦY BAN DÂN TỘC
 
Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị ban hành chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các thôn, làng còn khó khăn ở các phường, thị trấn (khu vực I).
Trả lời: Tại công văn số 151/UBDT-CSDT ngày 27/02/2014
- Về đề nghị ban hành chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất: Ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 551/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đến nay, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 (Thông tư 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/12/2013); tổng hợp danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê danh sách thôn ĐBKK tại Quyết định số 582/QĐ-UBDT ngày 18/12/2013 vào diện đầu tư của Chương trình. Xây dựng kế hoạch vốn gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để chuẩn bị nguồn lực đầu tư cho năm 2014.
- Về đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các thôn, làng còn khó khăn ở các phường, thị trấn (khu vực I):
Ngày 01/3/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 về khám, chữa bệnh cho người nghèo. Quyết định 14/2012/QĐ-TTg đã mở rộng đối tượng được hưởng chế độ khám, chữa bệnh gồm:
+ Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo.
+ Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế và Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg: Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại khu vực I là hộ nghèo thì được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Nếu là hộ cận nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế.
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Quy định cấp thẻ BHYT có thời hạn dài (ít nhất là 3 năm) đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách của nhà nước cơ bản ổn định, có các cơ quan quản lý theo dõi biến động tăng, giảm (người có công với cách mạng, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, cựu chiến binh, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực II, khu vực III), để tránh lãng phí trong việc in ấn cấp phát thẻ. Hàng năm, chỉ rà soát, điều chỉnh tăng, giảm...
Trả lời: Tại công văn số 672/BHXH-CSYT ngày 04/3/2014
Hiện nay, các đối tượng như: người có công với cách mạng, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi, cựu chiến binh, BHXH Việt Nam đã cấp thẻ BHYT có thời hạn sử dụng từ 3-5 năm. Đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn - đặc biệt khó khăn thì danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT được cơ quan Lao động - Thương binh & Xã hội và Ủy ban nhân dân các cấp rà soát, kiểm tra đúng đối tượng. Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc huyện phê duyệt mua thẻ BHYT. Cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho các đối tượng này theo thời hạn tương ứng với số tiền đóng BHYT.

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị tổ chức thực hiện việc phát hành thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có ảnh quy định tại Khoản 5, Điều 16 Luật BHYT.
Trả lời: Tại công văn số 493/BHXH-CST ngày 14/2/2014.
Thực hiện quy định tại Khoản 5, Điều 16 Luật BHYT và Công văn chỉ đạo số 3949/VPCP-KHTH ngày 15/6/2011 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh, từ cuối năm 2009 đến nay BHXH Việt Nam đã tổ chức thí điểm cấp khoảng 261.000 thẻ BHYT có ảnh cho một số đối tượng khác nhau trên địa bàn 05 tỉnh, thành phố (Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Giang, Sóc Trăng và Hải Phòng). Ngày 27/9/2013, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3831/BC-BHXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh. Tiếp đến, ngày 06/11/2013, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 9377/VPCP-KTTH về việc thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh. Trong đó, đã giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quan điểm trong việc tổ chức thực hiện Luật BHYT./.

Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan trung ương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII

20/06/2014
Trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tổng hợp 49 kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan trung ương. Đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhận các công văn trả lời 45 kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Ban Biên tập xin giới thiệu toàn văn như sau:
BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU
 
Cử tri các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Hưng Yên, Lào Cai, Điện Biên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Giang, Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Yên Bái, Hải Phòng, Phú Yên, Quảng Nam, Hà Nội, An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Phước, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, TPHồ Chí Minh kiến nghị: Việc lấy phiếu tín nhiệm các năm tiếp theo nên nghiên cứu điều chỉnh các mức tín nhiệm cho phù hợp hơn, cụ thể là nên lấy phiếu ở hai mức, thay vì ba mức như hiện nay để đảm bảo ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm đồng thời, qua đó, giúp những người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm cao hơn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ mà mình được giao phó.
Trả lời: Tại công văn số 157/BCTĐB-CTĐB ngày 28/3/3014
Năm 2013, lần đầu tiên Quốc hội và Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Hiện nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII. Ban Công tác đại biểu xin tiếp thu ý kiến của cử tri, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.
 
CHÍNH PHỦ
 
Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Trả lời: Tại công văn số 1323/BKHĐT-TH ngày 07/3/2014
Để tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Nghị định 61/2010/NĐ-CP, trên cơ sở Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP.
Trong Nghị định 210 này vẫn giữ lại những ưu điểm của Nghị định 61/2010/NĐ- CP như: ưu đãi về đất đai; hỗ trợ về đào tạo thông qua các trường nghề; hỗ trợ tiếp cận thị trường quảng cáo nội địa và hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới.
Những điểm mới trong Nghị định 210 so với Nghị định 61 là:
+ Cải cách thủ tục hành chính: Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thực hiện; Quy trình nhận hỗ trợ, điều kiện nhận ưu đãi hỗ trợ rõ ràng, minh bạch; Hỗ trợ sau đầu tư: có văn bản cam kết hỗ trợ, khi khi doanh nghiệp hoàn thành đầu tư thì được hưởng chính sách để doanh nghiệp an tâm đầu tư; những hỗ trợ nhỏ (đào tạo, quảng cáo..) được trừ vào chi phí của doanh nghiệp khi quyết toán thuế, không cần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách.
+ Có hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương cho các địa phương còn khó khăn về ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Những sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 210 là một bước chuyển biến tích cực, là cơ sở để kỳ vọng việc thu hút doanh nghiệp sẽ đạt kết quả khả quan hơn, góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; thúc đẩy công nghệ sản xuất và chế biến nông sản; đổi mới hình thức tổ chức tổ chức sản xuất và liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn.
Ngoài ra, chính sách này sẽ đưa được doanh nghiệp về nông thôn, miền núi, giảm sức ép dân số lên các đô thị lớn, phân bố lại dân cư theo hướng không tập trung dân quá đông vào các trung tâm, hình thành nên các vùng nông thôn gắn với công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước; giảm sức ép đối với bảo vệ rừng đặc dụng và bảo tồn biển.
 
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Do lịch sử để lại nên hiện nay ở nhiều địa phương, trên bản đồ và theo quy hoạch là đất lâm nghiệp, nhưng trên thực địa là rừng nghèo và đất nhân dân đang sản xuất nông nghiệp, do vậy phát sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng. Đề nghị Chính phủ có chủ trương giải quyết cho địa phương kiểm kê lại đất lâm nghiệp; đồng thời cho phép địa phương được chuyển diện tích rừng nghèo và đất lâm nghiệp nhân dân đang sản xuất nông nghiệp thành đất nông nghiệp để giao cho nhân dân đang thiếu đất sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân, giữ vững an ninh nông thôn và đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền?
Trả lời: Tại công văn số 235/BNN-TCLN ngày 23/01/2014
Ngày 15 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016” tại Quyết định số 594/QĐ-TTg, với mục tiêu xác định và nắm bắt được diện tích rừng; trữ lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi cả nước và từng địa phương; thành quả của dự án là cơ sở để theo dõi diễn biến rừng và đất rừng hàng năm, lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ trung ương đến địa phương. Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản dự án, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai công tác điều tra, kiểm kê rừng và hoàn thành vào năm 2016. Theo kế hoạch Gia Lai là tỉnh được tổ chức triển khai thực hiện dự án điều tra, kiểm kê rừng của tỉnh từ 6/2013 - 6/2014.
Về chủ trương hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn nói chung và đề xuất của cử tri Gia Lai nói riêng, trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm và ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cho đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, như  Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23/11/2005, về thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang cho phép thực hiện dự án ưu tiên bố trí đất sản xuất, đất ở cho đồng bào thiểu số, người dân địa phương thiếu đất sản xuất; dự án sử dụng đất trống, đồi trọc, đất có rừng tự nhiên nghèo kiệt; đất không có tranh chấp; dự án có cam kết tạo nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương (Ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Văn bản số 5284/CPCP-KTN ngày 30/6/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát các dự án chuyển đổi rừng trên địa bàn Tây Nguyên theo Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri thống nhất với Chính phủ về chủ trương nhà nước và nhân dân cùng thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. Việc huy động đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tham gia trực tiếp của người dân. Tuy nhiên, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới rất cao, nhu cầu nguồn lực đầu tư rất lớn, nhưng so với thực trạng kinh tế - xã hội của địa phương và sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cao, nên việc tham gia đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số hầu như không thể thực hiện được. Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ quy định đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở 70 xã khu vực II, 75 xã khu vực III và 664 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh không phải tham gia đóng góp Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trả lời: Tại công văn số 547/BNN-KTHT ngày 19/02/2014
Ngày 08/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 695/QĐ-TTg sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh, huyện, xã) để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cấp xã, trong đó quy định:
- Chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị Hội đồng nhân dân xã thông qua.
- Hộ nghèo tham gia trực tiếp lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương được chính quyền địa phương xem xét, trả thù lao theo mức phù hợp với mức tiền lương chung của thị trường lao động tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương. Ủy ban nhân dân địa phương xem xét, quyết định mức thù lao cụ thể sau khi trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện, xã triển khai thực hiện.

3. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Huyện KBang là một trong 5 huyện điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới, song hiện nay chưa được bố trí nguồn vốn huyện điểm (còn bình quân chung như các xã của tỉnh Gia Lai). Đề nghị Bộ tham mưu với Chính phủ có cơ chế vốn riêng cho huyện điểm của Trung ương.
Trả lời: Tại công văn số 550/BNN-KTHT ngày 19/02/2014
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2013, hàng năm, Chính phủ đều có ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương thuộc diện chỉ đạo điểm của Trung ương (tỉnh, huyện, xã điểm) để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Tại kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 65/2013/QH13 về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, trong đó có bổ sung cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 15.000 tỷ đồng. Nguyên tắc ưu tiên phân bổ vốn  thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành. Huyện KBang cũng là huyện có nhiều xã nghèo được ưu tiên phân bổ vốn so với nhiều địa phương khác trong cả nước. 

4. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ quan tâm nghiên cứu, chuyển giao cho nông dân trên địa bàn tỉnh kỹ thuật phòng chống bệnh cây hồ tiêu nhằm giúp nông dân khắc phục tình trạng cây hồ tiêu chết hàng loạt, gây thiệt hại năng suất (hiện nay, đó có nhiều cơ quan, tổ chức ở tỉnh hướng dẫn, áp dụng kỹ thuật nhưng không có hiệu quả, cây tiêu vẫn chết hàng loạt).
Trả lời: Tại công văn số 643 /BNN-BVTV ngày 25/02/2014
Cây hồ tiêu là cây trồng rất mẫn cảm với sâu bệnh. Hiện tượng cây hồ tiêu chết hàng loạt thường là bệnh chết nhanh, chết chậm gây nên. Bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici gây ra, bệnh chết chậm do nấm tập đoàn nấm Fusarium solani, Pythium spp, Lasiodiplodia theobromae, Phytophthora sp Rhizoctonia solani, Rosellia spp... gây ra. Các loài nấm này tồn tại trong đất, phát sinh và gây hại rễ hồ tiêu nghiêm trọng. Đây là những loài dịch hại rất khó phòng trừ.
Đối với bệnh hại trên cây hồ tiêu việc phòng bệnh là chính, trị bệnh phải kịp thời, nếu để bệnh đã thể hiện rõ triệu chứng thì phải áp dụng biện pháp nhổ bỏ và tiêu huỷ cây bệnh. Biện pháp quan trọng nhất là áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp trong đó đặc biệt chú trọng đến biện pháp canh tác. Ngày 13/7/2010 Cục Bảo vệ thực vật đã ra công văn số 1100/BVTV-CV ban hành Quy trình kỹ thuật phòng trừ một số dịch hại chính trên cây hồ tiêu để các tỉnh hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh.
Để đáp ứng yêu cầu về thuốc trừ dịch hại đối với bệnh chết nhanh và chết chậm trên cây hồ tiêu, từ năm 2007 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định 94/2007/QĐ-BNN về việc bổ sung một số loại thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để trừ bệnh chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng hại hồ tiêu.
Tuy nhiên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học trong bảo vệ thực vật, nhất là các thuốc phổ rộng, sử dụng trong thời gian dài đều mang lại các hậu quả không mong muốn, có nguy cơ để lại dư lượng gây mất an toàn thực phẩm; Hồ tiêu Việt Nam rất có giá trị và có uy tín trên thị trường thế giới. Các nước nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam  đang đưa ra yêu cầu ngày càng cao hơn về an toàn thực phẩm có liên quan đến dư lượng thuốc BVTV.
Để hạn chế tác hại của dịch hại trên cây hồ tiêu, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Phước xây dựng một số mô hình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại hồ tiêu, tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác bảo vệ thực vật trên cây hồ tiêu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, chế phẩm có nguồn gốc sinh học, thảo mộc để trừ sâu hại lá, thân, gốc rễ như các chế phẩm nấm Beauveria, Metarhizium,... Sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma để hạn chế bệnh có nguồn gốc từ trong đất.
Các Viện nghiên cứu chuyên ngành đã phối hợp với các tỉnh trồng hồ tiêu triển khai nhiều đề tài nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác và quản lý tổng hợp một số sâu bệnh hại chủ yếu trên cây hồ tiêu đã thu được những kết quả tốt. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân áp dụng đúng và đầy đủ biện pháp phòng trừ tổng hợp để hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh gây ra.

5. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị xem xét đóng cửa rừng, không giao chỉ tiêu khai thác gỗ cho các địa phương trong cả nước để tăng cường công tác bảo vệ rừng và tăng độ che phủ của rừng.
Trả lời: Tại công văn số 200/BNN-TCLN ngày 21/01/2014
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Đề án: Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2013-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 25/12/2013 Văn phòng Chính phủ có văn bản số 456/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án như sau: Thường trực Chính phủ thống nhất lựa chọn phương ánDừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên phạm cả nước; trừ hai (02) khu vực đã được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế về phương án quản lý rừng bền vững; và việc khai thác tận dụng trên diện tích rừng sản xuất đã được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư”.
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn chỉnh đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 1 năm 2014 và triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu trên.

6. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị tăng mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ 20 đồng/kwh hiện nay lên 40 đồng/kwh, để tăng nguồn lực cho công tác trồng rừng và chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn.
Trả lời: Tại công văn số 241/BNN-TCLN ngày 23/01/2014
1. Theo quy định tại khoản 4, điều 5, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thì tiền chi trả DVMTR là một yếu tố trong giá thành sản phẩm có sử dụng DVMTR và không thay thế thuế tài nguyên hoặc các khoản phải nộp khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất thuỷ điện thì tiền DVMTR sẽ được kết cấu trong giá bán điện thương phẩm. Để tăng mức thu tiền DVMTR thì giá bán điện cho người tiêu dùng điện cũng phải tăng. Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh kế còn nhiều khó khăn, Chính phủ đang cân nhắc, hạn chế việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu thì đề xuất này chưa hoàn toàn phù hợp, có thể gây lạm phát và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
2. Trong năm 2014, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức đánh giá, sơ kết việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên phạm vi toàn quốc; trên cơ sở đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan tới đối tượng thực hiện chi trả, mức chi trả và cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

7. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Bổ sung vốn điều lệ cho các nông, lâm trường quốc doanh sau khi chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp để đảm bảo nhu cầu vốn tối thiểu cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn khi chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
Trả lời: Tại công văn số 306/BNN-QLDN ngày 25/01/2014
Việc không cấp bổ sung vốn điều lệ cho các nông, lâm trường chuyển đổi thành các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp cũng là một khó khăn cho hoạt động của các nông, lâm trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc cấp bổ sung vốn điều lệ do chủ sở hữu các doanh nghiệp thực hiện cụ thể là UBND các tỉnh, Tập đoàn và Tổng công ty có nông, lâm trường (công ty nông, lâm nghiệp), việc cấp bổ sung vốn điều lệ không thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguồn vốn cấp bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước đã thực hiện theo quy chế quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quy định  tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 05 năm 2012.

8. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Nghiên cứu chuyển đổi nhanh mô hình Công ty TNHH MTV lâm nghiệp hiện nay sang mô hình công ty hoạt động công ích (phần quản lý, bảo vệ rừng thì nhà nước hợp đồng với công ty và trả kinh phí. Đồng thời, công ty hợp đồng, liên kết với nhân dân để sản xuất lâm nghiệp, giúp nhân dân phát triển nghề rừng để thoát nghèo).
Trả lời: Tại công văn số 240/BNN-TCLN ngày 23/01/2014
Thời gian qua, các lâm trường quốc doanh trong cả nước đã thực hiện việc chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp nhà nước theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh; và nay là công ty TNHH MTV Lâm nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đối với các công ty TNHH MTV Lâm nghiệp vùng Tây nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai, hiện đang được giao quản lý chủ yếu diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, trong khi việc phát triển rừng sản xuất là rừng trồng còn hạn chế. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án "Tăng cường năng lực tổ chức, quản lý bảo vệ rừng vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020", trong dự thảo đề án đưa ra phương án chuyển công ty lâm nghiệp đang quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng tự nhiên, nhưng không có khai thác gỗ theo phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp chứng chỉ rừng quốc tế thành đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu, sử dụng nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (nơi có điều kiện) hoặc ngân sách Nhà nước đảm bảo (nơi không có điều kiện hoặc số thu ít) để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Đến nay, dự thảo đề án đã được tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các công ty lâm nghiệp và các sở liên quan trong vùng vào tháng 12/2013 tại Đà Lạt, hiện đang được tiếp tục hoàn thiện để gửi lấy ý kiến Bộ, ngành liên quan và các tỉnh vùng Tây Nguyên, dự kiến sẽ trình trong tháng 3/2014. Khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các địa phương trong vùng tổ chức triển khai thực hiện kịp thời.
Đối với việc hợp đồng, liên kết với nhân dân để sản xuất lâm nghiệp, đã được quy định tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh là căn cứ pháp lý để các công ty lâm nghiệp chủ động thực hiện.

9. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg để ban hành chính sách mới về khoán bảo vệ rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai nhằm bảo vệ rừng có hiệu quả và tạo điều kiện ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng.
Trả lời: Tại công văn số 217/BNN-TCLN ngày 22/01/2014
Thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã giao và khoán bảo vệ rừng được 116.470_ha cho 7.208 hộ; trong đó giao 31.233 ha cho 2.412 hộ (bình quân 12,94 ha/hộ); khoán bảo vệ rừng 85.237 ha cho 4.796 hộ (bình quân 17,77 ha/hộ), góp phần giải quyết một phần đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên; đồng thời góp phần bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững. Mặc dù công tác giao, khoán bảo vệ rừng đã đạt được kết quả nhất định, song trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, như chính cơ chế, chính sách sau giao, khoán và nhất là chính sánh hưởng lợi còn hạn chế; việc giao, khoán bảo vệ rừng chưa gắn liền với công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy hiệu quả công tác giao, khoán bảo vệ rừng chưa cao.
Nhằm tổng kết thực tiễn, đánh giá kết quả công tác giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trong thời gian qua, đề xuất được những cơ chế, chính sách phù hợp trong thời gian tới. Năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả công tác giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp (tại văn bản số 2734/BNN-TCLN ngày 15/8/2013), trong đó bao gồm cả Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên, thời gian tổ chức tổng kết của các địa phương đến tháng 9 năm 2014. Trên cơ sở tổng kết của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị tổng kết toàn quốc (thời gian dự định vào tháng 11 năm 2014) làm cơ sở tham mưu đề xuất một số chính sách về việc giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay ở các địa phương.

10. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ “Ban hành bản quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước” nhằm hoàn thiện chính sách phù hợp với tình hình hiện nay.
Trả lời: Tại công văn số 306/BNN-QLDN ngày 25/01/2014
Nghị  định số 01/CP ngày 04 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ “Ban hành bản quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước” hiện nay đã hết hiệu lực thi hành, việc tổng kết khoán theo Nghị định 01/CP đã được thực hiện. Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 để thay thế Nghị định 01/CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông, lâm trường quốc doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 102/2006/TT-BNN, ngày 13 tháng 11 năm 2006 của về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị tổng kết việc thực hiện khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP và dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 135/2005/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành nhằm hoàn thiện chính sách phù hợp với tình hình thực tế, thời gian vào quý IV năm 2014.

11. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Trung ương ban hành chính sách tạm trữ cà phê khi giá xuống thấp nhằm giúp nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên có lãi 30% như chính sách tạm trữ lúa ở Đông Nam bộ.
Trả lời: Tại công văn số 505/BNN- CB ngày 18/02/2014
          Trong những năm qua, ngành cà phê đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hàng năm mang về cho quốc gia nguồn ngoại tệ lớn, góp phần ổn định an ninh, chính trị và liên quan đến đời sống của đông đảo bà con nông dân các vùng miền núi, nhất là Tây Nguyên. Tuy nhiên, ngành cà phê cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thu nhập của người dân còn bấp bênh và phụ thuộc quá nhiều vào giá cả thị trường thế giới. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn coi ngành cà phê là một trong những ngành hàng cần đặc biệt quan tâm.
Năm 2010, khi giá cà phê xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, nhà nước có chính sách hỗ trợ tạm trữ để điều tiết thị trường (theo Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 13/4). Đầu niên vụ cà phê 2013/2014, giá cà phê có thời điểm xuống dưới 30.000 đ/kg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chính sách hỗ trợ tạm trữ cà phê, nhưng sau đó, giá cà phê phục hồi nên việc tạm trữ chưa cần thiết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến giá cà phê để có biện pháp điều hành thị trường phù hợp.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ tạm trữ chỉ là biện pháp điều tiết thị trường ngắn hạn, gián tiếp hỗ trợ nông dân. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, hỗ trợ người dân sản xuất có thu nhập cao và ổn định, như đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và nông dân, nông dân với doanh nghiệp, trên cơ sở hài hoà lợi ích và phù hợp với yêu cầu thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất; thường xuyên nắm bắt để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách về tín dụng, đầu tư phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 
BỘ Y TẾ
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Hiện nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị của các cơ sở khám, chữa bệnh ở tỉnh Gia Lai, nhất là các trạm y tế cấp xã rất nghèo nàn và thiếu thốn; do vậy việc thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh đối với đồng vào dân tộc thiểu số ở khu vực II và khu vực III rất hạn chế. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nghiêm túc Điều 35 (khoản 2) Luật Bảo hiểm y tế và Điều 11 (khoản 2) Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; theo đó, chuyển 60% kinh phí kết dư quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong các năm 2010, 2011 và 2012 cho tỉnh Gia Lai, với số tiền 385,2 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện giúp cho tỉnh Gia Lai có kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị để phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Thực hiện quy định của Luật bảo hiểm y tế và Nghị định 62/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về phương án xử lý nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2010 và 2011. Thực tế là trong giai đoạn hiện nay, Quỹ BHYT tuy có kết dư nhưng nhu cầu khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trong thời gian tới ngày càng tăng, trong khi việc điều chỉnh mức đóng BHYT sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, theo đề nghị của Bộ Tài chính, tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 25/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán thu, chi năm 2013 cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thủ tướng đã quyết định sử dụng toàn bộ nguồn kết dư Quỹ BHYT đến cuối năm 2012 chuyển sang năm 2013 để ưu tiên kinh phí phục vụ khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ có công văn số 1860/VPCP-KTTH ngày 11/3/2013 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh “Đồng ý sử dụng nguồn kinh phí kết dư của Quỹ BHYT năm 2010 và năm 2011 để bổ sung quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT”.     
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có Công văn số 4814/BYT-BH ngày 6/8/2013 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo về việc xử lý nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2010-2011; ngày 20/11/2013, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Công văn số 7437/BYT-VPB1 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hộitại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIII, theo đó nguồn kinh phí kết dư của Quỹ BHYT trong các năm 2010 – 2012 được sử dụng để bổ sung vào quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm nguồn kinh phí phục vụ khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT.

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Quan tâm ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ công chức, viên chức ngành y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo theo tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/02/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì chỉ có 01 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, do đó tất cả viên chức có trình độ như nhau, đều xếp cùng vào một ngạch lương. Còn đặc thù của các ngành nghề, các chuyên khoa được thực hiện bằng các chế độ phụ cấp như: Phụ cấp độc hại, phụ cấp ưu đãi theo nghề...
Chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức ngành y tế là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó Bộ Y tế luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính sách của Ngành, cụ thể, công chức, viên chức ngành y tế, ngoài các chế độ chung, còn được hưởng các chế độ phụ cấp sau:
1. Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập với mức phụ cấp từ 20% đến 70 % mức lương hiện hưởng (Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011).
2. Chế độ phụ cấp độc hại đối với công chức, viên chức ngành y tế (Công văn số 6608/BYT-TCCB ngày 22/8/2005).
3. Chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước, với mức phụ cấp đặc thù từ 1 đến 3 lần lương tối thiểu (Quyết định số 46/2009/QĐ-TTg).
4. Chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 64/2009/NĐ-CP.
5. Chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản với mức phụ cấp 0,5 và 0,3 mức lương tối thiểu (Quyết định 75/2009/QĐ-TTg).
6. Chế độ phụ cấp đặc thù của y tế (phụ cấp thường trực, phẫu thuật, chống dịch).
Thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" và "Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo", Bộ Y tế đã và đang đề nghị công chức, viên chức ngành y tế được hưởng một số chế độ như: chế độ phụ cấp thâm niên nghề; nâng mức lương khởi điểm của bác sỹ cho tương xứng với thời gian đào tạo.

3. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Về tai nạn giao thông: Mặc dù Thông tư liên tịch số 39/2011/TTLT-BYT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2011 hướng dẫn cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi triển khai còn vướng mắc, các hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xác minh không có trả lời hoặc trả lời chung chung nên không thu hồi được quỹ khám bệnh, chữa bệnh khi người vi phạm Luật giao thông đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp để vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Thông tư liên tịch số 39/2011/TTLT-BYT-BTC ngày 11/11/2011 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bị tai nạn giao thông đã cơ bản giải quyết những vướng mắc trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT khi bị tai nạn giao thông. Thông tư quy định: trẻ em dưới 14 tuổi, người cao tuổi từ 85 tuổi trở trên khi bị tai nạn giao thông không phải xác minh có vi phạm pháp luật về giao thông hay không mà được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phạm vi được hưởng quy định; các đối tượng khác khi vào khám bệnh, chữa bệnh được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định. Cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh như đối với các trường hợp bệnh khác đồng thời có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an để xác minh tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông để xử lý về sau.
Tuy nhiên, trong thực tế rất ít các trường hợp tai nạn giao thông có thể xác minh được tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xác minh không có trả lời hoặc không có cơ sở xác minh. Để khắc phục vấn đề này, trong dự án Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành chức năng đề nghị sửa đổi quy định trên theo hướng: Quỹ BHYT sẽ thanh toán đối với các trường hợp này và đã bãi bỏ “Khoản 10, Điều 23 về Khám chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích và Khoản 12, Điều 23 về Khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra”.

4. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-TC về công thức tính suất phí áp dụng trong thanh toán theo phương thức định suất. Đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm thống nhất chương trình phần mềm trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Quy định rõ việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến trên đi xuống tuyến dưới và đi cùng tuyến nhưng khác nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Quy định rõ các đối tượng mắc các bệnh mãn tính khi chuyển viện do vượt quá chuyên môn kỹ thuật nhằm tránh lạm dụng chi phí vận chuyển.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Hình thức thanh toán theo định suất đã được triển khai và từng bước mở rộng. Đến cuối năm 2011, đã có 60/63 địa phương trên cả nước áp dụng phương thức thanh toán theo định suất tại 786/1.951 cơ sở khám, chữa bệnh (còn 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh chưa triển khai phương thức này). Năm 2012, có 42% cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu thanh toán theo định suất trong đó có 55,8% bệnh viện tuyến huyện.
Phương thức này được đánh giá là tạo sự chủ động cho các cơ sở khám chữa bệnh trong điều hành ngân sách, kiểm soát Quỹ BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm, tiết kiệm tối đa chi phí khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhưng thực tế, sau một năm thực hiện phương thức đã bộc lộ những hạn chế như cử tri Gia Lai đã nêu. Việc xác định suất phí, thanh toán các chi phí ngoài định suất, quản lý, sử dụng kinh phí chuyển tuyến, điều chỉnh suất phí giữa các khu vực, vùng miền và giữa các loại hình cơ sở khám chữa bệnh chưa phù hợp dẫn tới tình trạng bội chi quỹ diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, quyền lợi của người tham gia BHYT bị ảnh hưởng.
Bộ Y tế hiện đang tập trung thực hiện thí điểm và xây dựng Thông tư hướng dẫn thanh toán theo định suất, đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và áp dụng phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo nhóm chẩn đoán bệnh (DRG) để thay thế dần phương thức thanh toán theo định suất.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 quy định chi tiết về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo hướng mở rộng dịch vụ, kỹ thuật y tế, đặc biệt là ở tuyến dưới tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng ở nơi gần nhất. Thông tư quy định Danh mục kỹ thuật và Phân tuyến kỹ thuật cũng đã được xin ý kiến rộng rãi tại Hội thảo Quốc gia, ban soạn thảo đang tiếp thu, chỉnh sửa.  6 tháng đầu năm đã Bộ Y tế đã thẩm định và ra quyết định phê duyệt bổ sung được 3.831 quy trình kỹ thuật cho 11 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; Bệnh viện Đa khoa Khu vực Gò Công tỉnh Tiền Giang; Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông; Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang; Trung tâm Da liễu tỉnh Thái Bình; Bệnh viện Tim mạch tỉnh An Giang; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam; Bệnh viện Xây dựng, Bộ Xây dựng.
Bộ Y tế cũng xây dựng Thông tư quy định chuyển tuyến trong khám, chữa bệnh. Cho đến nay bản dự thảo đã cơ bản hoàn chỉnh và sẽ ban hành trong thời gian tới.

5. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Điều 13 Thông tư liên tịch số 09/2009/ TTLT-BYT-TC cần chỉnh sửa và bổ sung: Đối với trẻ em dưới 6 tuổi đi khám bệnh, chữa bệnh bằng Thẻ bảo hiểm y tế, trường hợp chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm liên hệ với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú để lập danh sách để Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố in và cấp thẻ bảo hiểm y tế (trừ trường hợp cấp cứu), vì hiện nay đã phân cấp cho Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố in Thẻ bảo hiểm y tế. Nếu vì lý do khách quan không cấp Thẻ bảo hiểm y tế kịp thời thì cha, mẹ, người giám hộ thanh toán trực tiếp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, sau đó đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cư trú (sau khi có Thẻ bảo hiểm y tế) để thanh toán lại chi phí này.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục sức khỏe trẻ em, nhóm trẻ em dưới 6 tuổi là nhóm đối tượng đặc biệt, được quan tâm, ưu đãi đặc biệt trong mọi lĩnh vực. Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã xây dựng những quy định riêng về thủ tục khám chữa bệnh (KCB), phạm vi quyền lợi, đăng ký KCB ban đầu cũng như thanh toán chi phí KCB,... đối với trẻ em dưới 6 tuổi có thẻ BHYT. Đồng thời các văn bản hướng dẫn cũng quy định trẻ chưa có thẻ BHYT được khám chữa bệnh bằng các giấy tờ khác thay thế nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền lợi của trẻ khi thực hiện KCB theo hình thức BHYT.
Cử tri đề nghị thanh toán trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội đối với quy định những trường hợp chưa có thẻ BHYT cũng là một giải pháp, tuy nhiên quy định này cũng gây phiền hàcho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tổ chức BHYT.
Để bảo đảm trẻ mới sinh sớm có thẻ BHYT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã bổ sung quy định về thời gian, trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn trong việc lập danh sách cấp thẻ BHYT gửi cơ quan BHXH để in thẻ, chuyển trả thẻ đến gia đình trẻ. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để gia đình trẻ hiểu về trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT.

6. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: “Việc áp dụng phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Tại mục a, điểm 6, Điều 24 Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 8 năm 2009 quy định: “Lộ trình áp dụng thanh toán theo định suất: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo áp dụng thanh toán theo định suất theo lộ trình phù hợp, đến năm 2011 có ít nhất 30%; đến năm 2013 có ít nhất 60% và đến năm 2015, tất cả cơ sở y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh  ban đầu tại địa phương thực hiện phương thức này.”
Tuy nhiên, điểm 3, Điều 20 của Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2012 quy định: Phương thức thanh toán chỉ còn hai phương thức là: thanh toán theo giá dịch vụ và thanh toán theo trường hợp bệnh; không còn phương thức thanh toán theo định suất. Đề nghị liên bộ sớm hướng dẫn để thực hiện thống nhất.”
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
1. Luật Bảo hiểm y tế quy định 03 phương thức thanh toán giữa cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT) và cơ sở khám chữa bệnh, gồm:
+ Thanh toán theo giá dịch vụ,
+ Thanh toán theo trường hợp bệnh,
+ Thanh toán theo định suất.
Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (gọi tắt là Thông tư 09), trong đó đã quy định “Thanh toán theo định suất là thanh toán theo mức chi phí khám chữa bệnh bình quân tính trên mỗi đầu thẻ bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng trong thời gian đăng ký tại cơ sở y tế”, trong Thông tư 09 cũng đã quy định lộ trình thực hiện phương thức thanh toán theo định suất đối với cơ sở KCB ban đầu.
Điều đó có nghĩa là cơ quan BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh theo một trong 03 phương thức nêu trên. Riêng phương thức thanh toán theo định suất chỉ áp dụng cho cơ quan BHYT thanh toán chi phí KCB BHYT của người bệnh có thẻ BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu.
2. Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập (gọi tắt là Nghị định 85) quy định 2 phương thức thanh toán, gồm:
+ Thanh toán theo giá dịch vụ là thanh toán dựa trên giá của từng dịch vụ, kỹ thuật y tế được quy định cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế người bệnh đã sử dụng;
+ Thanh toán theo trường hợp bệnh là thanh toán theo mức chi phí bình quân cho từng loại bệnh hay nhóm bệnh cụ thể đã được chẩn đoán.
Tại Điều 20 của Nghị định 85 cũng đã quy định: Người có thẻ BHYT được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo mức quy định của pháp luật về BHYT.
Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT như đã nêu tại Luật BHYT và Thông tư 09 có 3 phương thức, trong đó có phương thức thanh toán theo định suất nên Nghị định 85 không nêu phương thức thanh toán này, chứ không phải là không còn phương thức thanh toán theo định suất.
 Đối với người bệnh không có thẻ BHYT, phải trực tiếp thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho cơ sở khám chữa bệnh thì chỉ có 2 phương thức thanh toán là Thanh toán theo giá dịch vụ và Thanh toán theo trường hợp bệnh.
Như vậy, không có sự mâu thuẫn giữa Nghị định 85 và Thông tư 09 hướng dẫn thực hiện BHYT, và không cần thiết có thêm hướng dẫn thực hiện các phương thức thanh toán này.

7. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Ban hành danh mục bệnh được khám sàng lọc chẩn đoán sớm; Phác đồ điều trị chuẩn các nhóm bệnh.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
1. Về ban hành danh mục bệnh được khám sàng lọc, chẩn đoán sớm: Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư ban hành danh mục bệnh được khám sàng lọc, chẩn đoán sớm được BHYT thanh toán.
2. Về Hướng dẫn điều trị chuẩn (Phác đồ điều trị chuẩn): Bộ Y tế đã, đang triển khai xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho các chuyên khoa, chuyên ngành. Những hướng dẫn đã được ban hành, gồm:
- Hướng dẫn điều trị tập I của Bộ Y tế (do Nhà xuất bản y học xuất bản năm 2005): gồm 55 hướng dẫn về xử trí cấp cứu, cấp cứu 5 tai biến sản khoa, xử trí ngộ độc cấp, một số bệnh hô hấp thường gặp.
- Hướng dẫn điều trị tập II của Bộ Y tế (do Nhà xuất bản y học xuất bản năm 2006), 54 hướng dẫn về các chuyên ngành: cơ xương khớp, da liễu, hô hấp, nhãn khoa, răng hàm mặt, sản phụ khoa, thần kinh, thận-tiết niệu, tiêu hóa, tim mạch, bệnh khác).
- Hướng dẫn Điều trị tập III: bao gồm 51 hướng dẫn về Xử trí cấp cứu nhi khoa.
- Ngoài ra còn có các hướng dẫn điều trị riêng lẻ, như hướng dẫn chẩn đoán và điều trị lao phổi, HIV/AIDS…, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp (được ban hành kèm theo Quyết định số 4235/QĐ-BYT ngày 31/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về lao.
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt, Hướng dẫn xử trí Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Chống độc. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm…

8. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Trường hợp trẻ hết thời gian hưởng bảo hiểm y tế do đủ 72 tháng tuổi nhưng chưa nhập học vào lớp 1, đề nghị Bộ tham mưu với Chính phủ quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiền mua Thẻ bảo hiểm y tế để các em được khám, chữa bệnh trong thời gian này.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Việc quy định cấp thẻ BHYT miễn phí cho Trẻ em dưới 6 tuổi là thể hiện sự quan tâm của Đảng và chính phủ đối với trẻ em dưới 6 tuổi mặc dù điều kiện nguồn ngân sách dành cho y tế còn hạn chế.  Ý kiến của đại biểu cũng là mong muốn của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng phương án trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ liên quan nội dung này.
Hiện nay, theo quy định của Luật BHYT thì Trẻ em trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo đều đã được ngân sách nhà nước bảo đảm hoặc hỗ trợ 70-100% mức đóng. Vì vậy, việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục mua thẻ BHYT cho Trẻ em đủ 72 tháng tuổi nhưng chưa nhập học vào lớp 1 cần phải cân nhắc vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phải xem xét, đánh giá trên nhiều phương diện, cụ thể: khả năng đáp ứng của Ngân sách Nhà nước cũng như khả năng đáp ứng của Quỹ BHYT, bảo đảm sự thống nhất về chế độ, chính sách pháp luật đối với trẻ em dưới 6 tuổi quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với Luật BHYT.

9. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Tăng cường chỉ đạo tiến hành cải cách, đơn giản hóa các thủ tục cũng như các biểu mẫu thực hiện việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm giảm chi phí và tạo thuận lợi cho người bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, cải tiến thủ tục khám, chữa bệnh, trong thời gian qua Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện các hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, cụ thể như sau:
-  Tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản hướng dẫn về BHYT cho toàn thể cán bộ nhân viên của đơn vị: Chương trình 527/CTr-BYT ngày 18/6/2009 của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; Quyết định 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện, hướng dẫn các bệnh viện thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, cải cách tất cả các thủ tục khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4-7 giờ xuống trung bình còn 2-4 giờ, tùy theo các hình thức và loại dịch vụ khám bệnh, giảm phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh.
- Thủ trưởng các đơn vị tổ chức rà soát thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, bố trí hệ thống đăng ký và nơi khám bệnh một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, bổ sung bảng chỉ dẫn các khoa phòng, bảng hướng dẫn thủ tục khám, chữa bệnh, cung cấp thông tin về khám, chữa bệnh BHYT. Các bệnh viện phải mở thêm các bàn khám bệnh, các ô tiếp đón bệnh nhân, thêm chỉ dẫn, phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng nơi khám, chữa bệnh để người dân không mất nhiều thời gian chờ đợi. 
 - Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, quản lý BHYT. Giải quyết một cách khoa học và công bằng trong việc tổ chức khám, chữa bệnh, không phân biệt người bệnh tự trả viện phí và người bệnh BHYT, tránh nộp viện phí nhiều lần cho đối tượng có BHYT.
-  Công khai bảng giá viện phí theo quy định; thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả hay được quỹ BHYT thanh toán. Đặc biệt, sau khi Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2012 ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có hiệu lực, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Chỉ thị này đã giao trách nhiệm cụ thể cho Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh gắn với điều chỉnh giá viện phí.
- Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam không ban hành thêm các quy định, thủ tục liên quan đến BHYT để không làm tăng thủ tục hành chính cũng như khối lượng công việc của các bên.
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam để sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo hướng thuận tiện và đơn giản nhất, nghiên cứu đổi mới phương thức thanh toán và quy trình giám định BHYT; đồng thời cải tiến hơn nữa quy trình khám, chữa bệnh và kiểm tra, giám sát quản lý chất lượng bệnh viện nhằm đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh và tránh sự phiền hà cho người bệnh, tạo niềm tin để người dân tích cực tham gia tiến tới BHYT toàn dân.

10. Cử tri các tỉnh Ninh Thuận, Gia Lai kiến nghị: Tăng cường kiểm tra, giám sát về y đức của đội ngũ y, bác sĩ và CBCC trong ngành y tế; công tác đấu thầu giá thuốc tại các bệnh viện cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch; Các trường hợp sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế xảy ra thời gian qua làm dư luận quần chúng nhân dân rất bức xúc. Cử tri kiến nghị ngành y tế phải làm thật tốt công tác này.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
1. Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Kiểm ra, giám sát các hoạt động y tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, luôn được Bộ Y tế chú trọng và thực hiện thường xuyên trên cơ sở kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm và các kế hoạch kiểm tra, thanh tra đột xuất. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát và các nguồn thông tin phản ánh qua phương tiện truyền thông đại chúng, qua Đường dây nóng của Ngành Y tế, đã phát hiện những vụ việc vi phạm quy trình chuyên môn, quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế. Những vi phạm này đã được Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, Ngành chức năng và chính quyền địa phương tiến hành xử lý nghiêm minh, theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.
Trong năm 2013, Bộ Y tế đã triển Kế hoạch số 1395/KH-BYT ngày 24/12/2012 về chương trình thanh tra y tế năm 2013. Bộ đã thành lập 43 đoàn thanh tra về phòng, chống tham nhũng, y tế dự phòng và an toàn thực phẩm, khám, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; 05 đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, y dược cổ truyền tư nhân, dược tư nhân và an toàn vệ sinh thực phẩm, 03 đoàn kiểm tra công tác triển khai hoạt động xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công.
Thanh tra y tế của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thanh tra về các lĩnh vực an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, dược mỹ phẩm, trang thiết bị y tế tại 703.762 cơ sở. Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt với tổng số tiền là 30,8 tỷ đồng, đình chỉ 325 cơ sở về y tế và tước giấy phép có thời hạn 19 cơ sở hành nghề y, dược.
2. Về kiểm tra việc thực hiện các quy định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế:
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh việc thực hiện quy tắc ứng xử trong bệnh viện và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế như sau:
- Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ và Ngành thành lập đường dây điện thoại nóng của đơn vị nhằm ghi nhận những ý kiến phản ánh hiện tượng tiêu cực và những hành vi gây phiền hà của cán bộ y tế trong khi thi hành nhiệm vụ; khôi phục, chấn chỉnh và tăng cường hoạt động của hệ thống đường dây nóng ngành y tế theo 3 cấp:
+ Tại các bệnh viện: số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện và số điện thoại của Giám đốc bệnh viện;
+ Tại Sở Y tế: số điện thoại của Giám đốc Sở Y tế;
+ Tại Trung ương: Số tổng đài do Bộ Y tế quản lý: 0973.306.306 và hộp thư điện tử duongdaynongyte@gmail.com.
Các số điện thoại đường dây nóng sẽ được công khai tại các cơ sở khám, chữa bệnh để tiếp nhận những bức xúc liên quan tới y đức, thái độ ứng xử, thăm, khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sỹ.
- Triển khai Quyết định số 4332/QĐ-BYT ngày 30/10/2013 về việc hành lập đoàn kiểm tra do 5 đồng chí Thứ trưởng trực tiếp làm Trưởng đoàn, kiểm tra các hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, công tác an toàn thực phẩm, y dược cổ truyền tại 10 tỉnh, thành phố lớn. Sau đó, Thanh tra Bộ, các Vụ, Cục tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra.
- Yêu cầu giám đốc các bệnh viện thực hiện các biện pháp như phát phiếu xin ý kiến người bệnh và gia đình người bệnh, của nhân dân; đặt các hòm thư góp ý; bố trí camera tại một số khoa, phòng bệnh để phát hiện kịp thời các sai phạm.
- Phát hiện và có các hình thức khen thưởng kịp thời đối với những gương sáng về y đức, đồng thời xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm.
Đối với công tác tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã:
- Ban hành bổ sung các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu chấn chỉnh công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ; triển khai Kế hoạch số 389/KH-BYT về việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế; yêu cầu Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra toàn siện việc sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế; triển khai 02 Đoàn thanh tra tại 04 tỉnh/thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng tích cực triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị
- Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về sử dụng vắc xin, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn, bảo đảm an toàn theo đúng các quy định; tiến hành thanh tra toàn diện về công tác tiêm chủng, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các đơn vị nếu có sai phạm; trường hợp xảy ra tai biến thì khẩn trương xử lý, tìm nguyên nhân và công bố công khai nguyên nhân gây tại biến; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân vi phạm, những người liên quan và xử lý nghiêm theo quy định.
- Ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 18/01/2013 về việc tăng cường an toàn tiêm chủng và giám sát phản ứng sau tiêm chủng nhằm tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, ngay từ đầu năm.
- Ban hành Quyết định số 3029/QĐ-BYT về việc phê duyệt “Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng” với mục tiêu tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, đảm bảo chất lượng tiêm chủng và đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em. Theo báo cáo, đến hết tháng 9/2013 đã kiểm tra được hơn 6.600 trên tổng số hơn 16.600 điểm tiêm chủng (40%), dự kiến trong thời gian tới sẽ tiến hành rà soát tất cả các điểm tiêm chủng còn lại trên phạm vi cả nước. “Chỉ những điểm tiêm nào đủ tiêu chuẩn mới được tiêm chủng để nâng cao chất lượng và an toàn tiêm chủng”. Đồng thời, thành lập 02 Đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác sử dụng VXSPYT nhằm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 3029/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng tại nhiều tỉnh, thành phố.
 Bộ Y tế cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ y tế, chất lượng thuốc, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện gồm 83 tiêu chí, làm cơ sở cho việc xác định mức chất lượng bệnh viện để có thể đề ra các biện pháp can thiệp nâng cao chất lượng bệnh viện.
3. Về đấu thầu mua thuốc:
Hiện nay, việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 (Thông tư 01) và Thông tư số 36/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 11/11/2013 (Thông tư 36) (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), các quy định này được áp dụng cho tất cả các cơ sở y tế có tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc lập Hồ sơ mời thầu trong đấu thầu mua thuốc cũng đã được quy định tại Thông tư 11/2012/TT-BYTngày 28/6/2012 (Thông tư 11) và sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 37/2013/TT-BYT ngày 11/11/2013 (Thông tư 37).
Thông tư 01 và Thông tư 36 đã quy định chi tiết quy trình tổ chức đấu thầu mua thuốc, thành phần tham gia và thẩm quyền, phân cấp trong từng hoạt động của quá trình đấu thầu mua thuốc. Người có thẩm quyền trong đấu thầu thuốc: tại các Bộ/ngành, cơ quan Trung ương là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về Hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc tổ chức đấu thầu mua thuốc ở các đơn vị thuộc quyền theo một trong các hình thức dưới đây:
(1)    Giao Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung cho các đơn vị trực thuộc. Các đơn vị căn cứ vào thông báo kết quả trúng thầu của Sở Y tế để thương thảo, ký kết hợp đồng cung ứng thuốc theo quy định hiện hành. 
(2) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các đơn vị ngoài công lập có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH trên địa bàn tỉnh áp dụng kết quả lựa chọn nhà thầu của một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để mua thuốc theo hình thức mua sắm trực tiếp theo quy định  hiện hành của pháp luật về đấu thầu.
(3) Các đơn vị tự tổ chức đấu thầu mua thuốc theo nhu cầu sử dụng của từng đơn vị.
Đấu thầu tập trung tại Sở Y tế là mô hình đấu thầu được nhiều địa phương áp dụng do hiệu quả, ưu việt so với hai hình thức tổ chức đấu thầu còn lại tại địa phương và hiện đã có 47/53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tổ chức thực hiện. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan đề xuất việc mua sắm tập trung ở cấp quốc gia và cấp địa phương tại Luật đấu thầu sửa đổi năm 2013 (có hiệu lực 1/7/2014). Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc đấu thầu tập trung và lộ trình thực hiện việc đấu thầu tập trung tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đấu thầu sửa đổi năm 2013.

11. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Để khắc phục bất cập hiện nay trong công tác đấu thầu thuốc, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quy định thành lập Hội đồng đấu thầu thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo đó, Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh; các thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra, ...).
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Hiện nay, việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 (Thông tư 01) và Thông tư số 36/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 11/11/2013 (Thông tư 36) (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), các quy định này được áp dụng cho tất cả các cơ sở y tế có tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc lập Hồ sơ mời thầu trong đấu thầu mua thuốc cũng đã được quy định tại Thông tư 11/2012/TT-BYT ngày 28/6/2012 (Thông tư 11) và sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 37/2013/TT-BYT ngày 11/11/2013 (Thông tư 37). Các quy định nêu trên cùng với các thông tin cần thiết khác như giá thuốc trúng thầu, giá thuốc kê khai/kê khai lại, danh mục thuốc biệt dược gốc cùng các thông tin quản lý của ngành Dược đều được đăng trên trang Thông tin điện tử (Web) của Cục Quản lý dược Bộ Y tế phục vụ quá trình đấu thầu mua thuốc.
Thông tư 01 và Thông tư 36 đã quy định chi tiết quy trình tổ chức đấu thầu mua thuốc, thành phần tham gia và thẩm quyền, phân cấp trong từng hoạt động của quá trình đấu thầu mua thuốc. Người có thẩm quyền trong đấu thầu thuốc: tại các Bộ/ngành, cơ quan Trung ương là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố.
Khoản 4, Điều 26 của Thông tư 01 (đã được bổ sung tại Thông tư 36) quy định “Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cử cán bộ tham gia hội đồng thẩm định kế hoạch đấu thầu, tổ xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ xét thầu và tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với trường hợp đấu thầu mua thuốc từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế theo phân cấp của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.”
Với các quy định tại Thông tư 01, Thông tư 36, Thông tư 11 và Thông tư 37, những bất cập trong đấu thầu thuốc trong những năm trước đây đã cơ bản được khắc phục. Việc Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh có tham gia vào Hội đồng đấu thầu thuốc hay không là tùy thuộc vào chủ trương của Người có thẩm quyền (là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).
Ngoài ra, Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013 có một số điều quy định riêng cho đấu thầu mua thuốc và vật tư y tế, hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014.
Với những thông tin nêu trên, có thể thấy các quy định về đấu thầu thuốc đã và đang được hoàn thiện từ các Luật cơ bản. Việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ quy định thành lập Hội đồng đấu thầu thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn hiện nay là không thật sự cần thiết.

12. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Quy định quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trái tuyến, vì không quản lý được người có Thẻ bảo hiểm y tế đi KCB cùng một ngày tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh có quyền lựa chọn bất kỳ cơ sở y tế nào để khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, năng lực chuyên môn của hệ thống khám, chữa bệnh còn có sự khác biệt, chênh lệch giữa các vùng, miền, vì vậy, việc quy định quỹ BHYT thanh toán một phần chi phí KCB của người bệnh BHYT trong trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến là hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, vừa tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở y tế trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thực tế trong thời gian qua, quy định về thanh toán BHYT đối với trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến trái tuyến được người dân ủng hộ, nhất là trong bối cảnh người dân chất lượng của các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới còn hạn chế, đây cũng là quyền của người bệnh được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh theo Luật khám bệnh, chữa bệnh. Nếu quỹ BHYT không thanh toán thì cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, quy định này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở tuyến trên và khó kiểm soát chi phí đối với các cơ sở tuyến dưới.
Ý kiến phản ảnh của cử tri đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để quy định hợp lý, khắc phục tình trạng chi đa tuyến quá mức và vượt tuyến không cần thiết, hạn chế tình trạng quá tải.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, khuyến khích người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu hoặc theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, đồng thời tập trung vào việc đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, điều chỉnh giá dịch vụ y tế hợp lý giữa các tuyến, các hạng bệnh viện; giảm tải cho tuyến trên; tăng cường công tác kiểm tra giám sát để hạn chế tình trạng lạm dụng, chuyển tuyến không cần thiết để đảm bảo sự an toàn của Quỹ mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người tham gia BHYT.

13. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong khâu sản xuất và lưu thông trên thị trường còn kém, nhiều bất cập nên thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm chứa nhiều hóa chất độc hại chưa được kiểm tra, xử lý thường xuyên đưa vào tiêu dùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân. Cử tri cho rằng do thực phẩm chứa hóa chất độc hại nên khi ăn vào cơ thể tích tụ lâu ngày gây ung thư và các bệnh mạn tính nguy hiểm khác, hiện nay tình trạng ung thư có biểu hiện phổ biến. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng có giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trả lời: Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014
Hiện nay, việc kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) được thực hiện theo Luật an toàn thực phẩm. Để một sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường, yêu cầu:
- Sản phẩm phải được sản xuất  tại cơ sở đủ điều kiện ATTP.
- Sản phẩm phải được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP hoặc Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy của cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với sản phẩm bao gói sẵn, sản phẩm có nhãn mác đầy đủ các nội dung như: cơ sở sản xuất, địa chỉ, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng và cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho đối tượng sử dụng.
Trong quá trình bảo đảm ATTP, việc thanh tra, kiểm tra đã được cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương (đặc biệt là tại địa phương) đã phát hiện nhiều hành vi, vi phạm quy định ATTP. Các vi phạm quy định ATTP đã được các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật và cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.
Nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự dễ dãi của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm, một số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chạy theo lợi nhuận, nên đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc lưu thông.
Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt các Bộ ngành chức năng triển khai các biện pháp quản lý bảo đảm ATTP như sau:
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời bổ sung, điều chỉnh các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2013/NĐ-CP Quy định xử phat vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất của khung tiền phạt mà vẫn còn thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với cá nhân vi phạm) hoặc thấp hơn 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với tổ chức vi phạm) thì mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân hoặc 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức.
- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục nhằm chuyển đổi hành vi một cách bền vững liên quan đến bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo cho người tiêu dùng, công khai các vi phạm ATTP để cảnh báo rộng rãi cho cộng đồng.
- Kiện toàn năng lực của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
- Phối hợp liên ngành giữa cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội ngành nghề, trong việc giám sát ATTP, thông tin tuyên truyền giáo dục và kiểm soát ATTP ở đối tượng có liên quan.
 
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai, Điện Biên, Hà Nam kiến nghị:
- Hiện nay, phần lớn thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa chưa có trường, lớp mẫu giáo, các cháu mẫu giáo phải học nhờ nhà sinh hoạt thôn hoặc các lớp tiểu học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cử tri đề nghị sớm quan tâm đầu tư xay dựng cơ sở vật chất trường, lớp mẫu giáo tại các thôn, làng.
- Cử tri tiếp tục đề nghị ban hành chương trình đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học mầm non ở xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên vẫn chưa được đầu tư kiên cố, nhất là ở xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trường, lóp học và nhà công vụ cho giáo viên nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đồng thời nâng suất đầu tư phù hợp với đơn giá đầu tư từng vùng và bố trí đủ vốn cho xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình.
- Cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa về kinh phí kiên cố hóa trường lớp đối với các xã vùng nông thôn, tránh xây dựng dàn trải.
Trả lời: Tại công văn số 963/BGDĐT-VP ngày 05/ 3/2014
Theo Luật Ngân sách Nhà nước, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và là nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương hàng năm (tại điểm a khoản 1 điều 33: “Nhiệm vụ chi của Ngân sách địa phương gồm: Chi đầu tư phát triển; Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do địa phương quản lý” và theo Luật Giáo dục tại khoản 4 điều 100: “UBND các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương”). Thực tế các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn hạn chế về nguồn vốn nên cơ sở vật chất các trường học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Hiện nay, các địa phương đang thực hiện các Đề án, Dự án, Chương trình được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và các nguồn tài trợ, trong đó có cấu phần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học: Chương trình mục tiêu quốc giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012-2015, Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Đối với Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, nhà nước ưu tiên hỗ trợ mức cao hơn từ vốn trái phiếu Chính phủ cho các địa phương thuộc vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trong đó có ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định triển khai Đề án Kiên cố hóa giai đoạn 2014-2017 và lộ trình đến năm 2020 với mục tiêu: Thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành danh mục công trình của Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; Ưu tiên xây dựng các phòng học trường mầm non để phục vụ việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi; Đầu tư xây mới cho đủ 1 lớp/phòng đối với trường tiểu học; Đầu tư xây dựng mới để thay thế toàn bộ số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm của các trường mầm non, phổ thông; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thuộc khu phục vụ học tập: phòng học bộ môn, phòng thiết bị, phòng hiệu bộ, phòng học đa năng, phòng thư viện, phòng y tế.

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị nâng chế độ trợ cấp cho học sinh bán trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các em đi học.      
Trả lời: Tại công văn số 968/BGDĐT-VP ngày 05/ 3/2014
Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là học sinh bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các trường tiểu học, trường trung học cơ sở công lập khác ở vùng này do nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Mức hỗ trợ tiền ăn 40% trên mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng. Ngoài ra, các học sinh thuộc đối tượng trên cũng được hỗ trợ gạo theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 với mức 15 kg gạo/1 tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Theo thời giá thực tế, các mức hỗ trợ trên mặc dù đã được điều chỉnh tăng theo lương tối thiểu, nhưng vẫn chưa đảm bảo về dinh dưỡng và thể chất cho học sinh. Tuy nhiên, do khả năng ngân sách nhà nước còn hạn chế, nên vấn đề tăng mức hỗ trợ trong thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015 là khó khả thi. Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, tham mưu Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho học sinh bán trú giai đoạn sau năm 2015.
 
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Hiện nay, nhiều đoạn đường của Quốc lộ 19, 25 trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng nên không đảm bảo an toàn giao thông, mặt khác một số đoạn của Quốc lộ 25 thi công dở dang, kéo dài gây lãng phí. Cử tri đề nghị Bộ sớm có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các Quốc lộ 19 và 25 để bảo đảm giao thông phát triển kinh tế – xã hội và an toàn cho người tham gia giao thông.    
Trả lời: Tại công văn số 1404/BGTVT - KHĐT ngày 13/02/2014
1. Quốc lộ 19: Đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 181 km, trong các năm qua đã được đầu tư các đoạn qua thành phố Pleiku, đoạn qua thị trấn Kon Dơng và đoạn từ Hàm Rồng đến cửa khẩu Lệ Thanh (biên giới Cămpuchia) đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng khoảng 76 km từ năm 2011; hiện nay đang triển khai đầu tư theo hình thức BOT đoạn từ Km 108 – Km 131+300 dài khoảng 23 km, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2015; còn lại khoảng 82 km tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và tìm kiếm các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư. Trong khi chưa triển khai đầu tư được ngay các đoạn còn lại, Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác bảo trì đường bộ và đảm bảo giao thông trên tuyến.
2. Quốc lộ 25: Đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 111km, bao gồm các dự án đang triển khai, cụ thể:    
- Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL25 đoạn từ Km 21+600 – Km 99+432 và đoạn từ Km 113 – Km 123: Dài 87,8 km (trong đó đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 39km), quy mô tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, có tổng mức đầu tư 1.390 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đã khởi công từ đầu năm 2010, đến năm 2011 do khó khăn về vốn và phải thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án thuộc đối tượng phải tạm thời dừng dãn tiến độ, chỉ thực hiện theo nguồn vốn bố trí trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 là 290 tỷ đồng để thực hiện các đoạn đang thi công đến điểm dừng kỹ thuật (Km 47+125 – Km 58, Km85 – Km99+432 thảm BTN đảm bảo giao thông trên tuyến...).
Do nhu cầu cấp thiết của Dự án nêu trên, đồng thời thực hiện theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; Văn bản số 6142/VPCP-VIII ngày 25/7/2013 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/2013/QH13 của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hiện tiết kiệm chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn năm 2006 - 2012”. Trên cơ sở tiến độ của Dự án đang triển khai và nhu cầu quan trọng cấp bách cần triển khai, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bổ sung 239 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 để thi công hoàn thành các hạng mục đang thi công dở dang Km 47+125 – Km 58, Km 69 – Km 76 và Km 84 – Km 99+432.
- Dự án đầu tư đoạn Km 99+500 – Km 113, tỉnh Gia Lai: Dài khoảng 13,5km, quy mô cấp III miền núi, có tổng mức đầu tư khoảng 101 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách, khởi công cuối năm 2008, cuối năm 2013 đã cơ bản hoàn thành.
- Dự án đầu tư đoạn Km 123 – Km 181, tỉnh Gia Lai: Dài khoảng 58km, quy mô cấp III miền núi, tổng mức đầu tư khoảng 1.528 tỷ đồng (đã được phê duyệt từ quý III/2010). Hiện nay chưa xác định được nguồn vốn để triển khai.
Như vậy, QL25 đoạn qua tỉnh Gia Lai mới bố trí được vốn để triển khai đến 2015 được khoảng 32km/111km. Với các đoạn còn lại, trong khi chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 25 nối tỉnh Gia Lai với Phú Yên, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục đường bộ Việt Nam tăng cường công tác bảo trì đường bộ và đảm bảo giao thông trên tuyến. 

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Chất lượng thi công nâng cấp QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (đoạn từ TP Pleiku giáp với tỉnh Kon Tum) rất kém, nhiều đoạn vừa thi công xong đã bị hư hỏng; bên cạnh đó việc thi công kéo dài thời gian và dở dang, gây khó khăn cho phương tiện giao thông và ảnh hưởng đến ATGT. Cử tri đề nghị Bộ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng thi công, làm lại những đoạn bị hư hỏng và sớm hoàn thành công trình. Đồng thời, đề nghị Bộ kiểm tra lại năng lực nhà thầu BOT (về trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật và vốn,...) có bảo đảm đủ điều kiện để thi công nâng cấp QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ ngã ba Hàm Rồng đến cầu 110 giáp ranh giới tỉnh Đăk Lăk.
Trả lời: Tại công văn số 1313/BGTVT-CQLXD ngày 11/02/2014
1. Về nội dung: Chất lượng thi công nâng cấp QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (đoạn từ TP Pleiku giáp với tỉnh Kon Tum) rất kém, nhiều đoạn vừa thi công xong đã bị hư hỏng; bên cạnh đó việc thi công kéo dài thời gian và dở dang, gây khó khăn cho phương tiện giao thông và ảnh hưởng đến ATGT. Cử tri đề nghị Bộ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng thi công, làm lại những đoạn bị hư hỏng và sớm hoàn thành công trình.
- Về chất lượng thi công nâng cấp QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (đoạn từ TP Pleiku giáp với tỉnh Kon Tum): Trong quá trình thi công hạng mục mặt đường bê tông nhựa lớp 1, đã xảy ra hư hỏng cục bộ tại các gói thầu số 5 và số 7 - Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Kon Tum - PLeiku, Ban QLDA Đường HCM đã kịp thời phát hiện, cho dừng thi công và tổ chức kiểm định độc lập, xác định nguyên nhân hư hỏng và đề ra giải pháp xử lý khắc phục triệt để. Bộ GTVT đã  chỉ đạo Ban QLDA Đường HCM tiến hành kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm về chất lượng công trình. Đồng thời, yêu cầu Ban QLDA Đường HCM nghiêm khắc rút kinh nghiệm để không tái diễn các việc tương tự, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với Dự án thành phần đoạn Kon Tum – Pleiku nói riêng và Dự án đường HCM nói chung.
Hiện nay các Nhà thầu đã tự bỏ kinh phí sửa chữa triệt để theo biện pháp đề ra để đảm bảo chất lượng theo thiết kế được duyệt.
- Việc thi công kéo dài thời gian và dở dang, gây khó khăn cho phương tiện giao thông: Do dự án bị dừng giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ từ tháng 03/2011, đến tháng 10/2012 dự án mới bắt đầu khởi động trở lại. Tiến độ dự án chậm một phần do mùa mưa năm 2013 tại khu vực Tây Nguyên kéo dài, công tác giải phóng mặt bằng đến tháng 4/2013 mới cơ bản hoàn thành (trên địa bàn tỉnh Gia Lai), còn trên địa bàn tỉnh Kon Tum do vướng mắc một số khu di tích lịch sử, chùa, ... dự kiến Quý I/2014 mới bàn giao xong. Trong quá trình thi công có một số nhà thầu chậm tiến độ, theo đề nghị của Ban QLDA Đường HCM, Bộ GTVT đã chấp thuận cho tăng cường nhà thầu phụ có đủ năng lực để thi công một phần khối lượng của những gói thầu bị chậm tiến độ, nhằm đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án (dự kiến dự án cơ bản hoàn thành vào tháng 6/2014).
2. Đề nghị Bộ kiểm tra lại năng lực nhà thầu BOT (về trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật và vốn,..) có bảo đảm đủ điều kiện để thi công nâng cấp QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ ngã ba Hàm Rồng đến cầu 110 giáp ranh giới với tỉnh Đắk Lắk.
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn Pleiku - Cầu 110, tỉnh Gia Lai theo hình thức Hợp đồng BOT do Nhà đầu tư Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai thực hiện. Công tác lựa chọn Nhà đầu tư đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/01/2011 của Chính phủ, Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT ngày 27/01/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các quy định hiện hành.
Nhà đầu tư đã thành lập Doanh nghiệp dự án theo quy định tại hợp đồng để quản lý thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu thiết kế, giám sát thi công và đang tiến hành đấu thầu xây lắp theo đúng quy định hiện hành.
Về vốn để thực hiện dự án: Nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay (Nhà đầu tư đã ký Hợp đồng nguyên tắc với tổ chức tín dụng để tài trợ vốn cho dự án), đáp ứng yêu cầu của dự án.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Bộ GTVT tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát theo chức năng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để dự án hoàn thành đúng tiến độ, dảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của Hợp đồng BOT.
 
BỘ TÀI CHÍNH
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ hướng dẫn thực hiện thống nhất việc hạch toán số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của các công ty quốc phòng trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ năm 2009 đến năm 2012 (tổng số là 132.694 triệu đồng) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 150/2009/TTLT/BTC-BQP của Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng.
Trả lời: Tại công văn số 1926/BTC-TCT ngày 14/02/2014
 Theo quy định tại Thông tư số 150/2009/TTLT/BTC-BQP ngày 22/07/2009 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 43/2005/TTLT/BTC-BQP ngày 02/06/2005 hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và thu Ngân sách Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thì: “Trong kỳ kế hoạch mỗi quý một lần, các công ty quốc phòng có phát sinh thu nhập từ hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác từ xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và nộp về tài khoản của Bộ Quốc phòng mở tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội. Cuối năm, các công ty quốc phòng thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác với Bộ Quốc phòng theo đúng chế độ quy định. Trên cơ sở quyết toán của các công ty quốc phòng, Bộ Quốc phòng xác định số nộp chính thức của các công ty quốc phòng và nộp vào Ngân sách Nhà nước. Sau khi nộp thuế TNDN của các Công ty Quốc phòng theo quyết toán, Bộ Quốc phòng gửi Bộ Tài chính số nộp của Công ty Quốc phòng ở từng địa phương để thực hiện việc phân cấp, quản lý, sử dụng nguồn thu được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.”
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng đã nộp thuế TNDN từ năm 2009 và một phần số thuế TNDN tạm nộp của năm 2012  tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước trung ương và số thuế TNDN này đã được hạch toán vào ngân sách nhà nước (NSNN) trung ương. Tổng cục Thuế đã căn cứ chứng từ nộp NSNN do Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước trung ương cung cấp và danh sách phân bổ số thuế đã nộp đối với từng công ty quốc phòng do Cục Tài chính - Bộ Quốc Phòng cung cấp, thông báo cho các Cục Thuế thực hiện hạch toán và lập báo cáo thu nội địa theo địa bàn.
Để giải quyết vướng mắc nêu trên, ngày 03/12/2013  Bộ Tài chính đã có công văn số 16741/BTC-TCT về việc thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty quốc phòng trong đó hướng dẫn Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng lập chứng từ nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty quốc phòng có trụ sở trên cùng địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương cho từng Kho bạc Nhà nước tỉnh/thành phố. Trong tháng 12 năm 2013, Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng cũng đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số quyết toán năm 2012 và tạm nộp năm 2013 theo hướng dẫn của công văn trên. Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tại địa bàn tỉnh Gia Lai là: số còn phải nộp theo quyết toán năm 2012 là 2.826.094.134 đồng và số tạm nộp năm 2013 là 14.000.000.000 đồng.
Đối với số thuế TNDN Bộ Quốc phòng đã nộp tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước năm 2011, 2012  đến thời điểm thực hiện theo công văn số 16741/BTC-TCT: Bộ Tài chính bổ sung có mục tiêu năm 2013 từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để hoàn trả số thuế Thu nhập doanh nghiệp điều tiết chưa đúng quy định năm 2011, 2012. Các địa phương thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 222/2012/TT-BTC ngày 24/12/2012 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 (trong đó có tỉnh Gia Lai).

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị xem xét ban hành chính sách cho các công ty TNHH MTV lâm nghiệp được vay vốn Ngân hàng phát triển Việt Nam với lãi suất ưu đãi để trồng rừng sản xuất.
Trả lời: Tại công văn số 1682/BTC-TCNH ngày 07/02/2014
Theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của nhà nước, các dự án trồng rừng không thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước (trừ trường hợp dự án trồng rừng đầu tư trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ Me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang theo quy định thì mới thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước).
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, trường hợp dự án trồng rừng của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp đầu tư trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khơ Me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang (quy mô thuộc nhóm A, B và C) thì được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước  tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cơ chế vay vốn (tổng mức vốn cho vay, thời gian vay, lãi suất vay...) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ xem xét xuất Quỹ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ còn thiếu cho các doanh nghiệp là công ty TNHH 1 TV 100% vốn nhà nước (theo danh sách tỉnh báo cáo) để các doanh nghiệp của tỉnh đảm bảo vốn hoạt động.
Trả lời: Tại công văn số 2124/BTC-TCDN ngày 19/02/2014
- Tại Điều 17 Mục 3 Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như sau:
“1. Căn cứ vào nhu cầu và quy mô phát triển kinh doanh, các Công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước xây dựng phương án bổ sung vốn điều lệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và gửi về Bộ Tài chính để thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt bổ sung vốn điều lệ của các đơn vị nêu trên thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước và khả năng tự cân đối từ các nguồn hiện có tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, Bộ Tài chính thẩm định và ra quyết định xuất Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để cấp bổ sung vốn điều lệ (phần còn thiếu) cho các Công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước.”
- Về hồ sơ, trình tự phê duyệt thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Điều 9 Chương II Thông tư số 220/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ.
Căn cứ quy định nêu trên, đến nay Bộ Tài chính chưa nhận được phương án bổ sung vốn điều lệ của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của tỉnh Gia Lai được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Vì vậy Bộ Tài chính không có cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai nêu trên theo quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho Chương trình nông thôn mới ở tỉnh Gia Lai trong các năm 2011, 2012 và 2013 còn quá thấp so với nhu cầu. Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ tăng vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách Trung ương của Chương trình nông thôn mới cho tỉnh Gia Lai.
Trả lời: Tại công văn số 1370/BTC-NSNN ngày 24/01/2014
Tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 695/QĐ-TTg quy định: “c) Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội để bố trí phù hợp với quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương khó khăn chưa tự cân đối ngân sách, địa bàn đặc biệt khó khăn và những địa phương làm tốt....”.
Căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu trên và khả năng ngân sách trung ương, từ năm 2011-2014 đã hỗ trợ Tỉnh Gia Lai  156.574  triệu đồng  (năm 2011 là 41.905 triệu đồng, năm 2012 là 37.854 triệu đồng, năm 2013 là 36.439 triệu đồng, năm 2014 kinh phí sự nghiệp là 10.379 triệu đồng) để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 
Đồng thời, để tăng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã trình và Quốc hội có Nghị quyết số 65/2013/QH13 phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung cho giai đoạn 2014-2016, trong đó bổ sung vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho các địa phương, trong đó có tỉnh Gia Lai. Vì vậy, đề nghị Tỉnh sử dụng nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương, cân đối từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện Chương trình.

5. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Năm 2013, tỉnh Gia Lai chưa được Chính phủ bố trí vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ứng phó với biến đổi khí hậu; khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường. Đề nghị Bộ bố trí vốn cho Tỉnh để thực hiện 3 chương trình này trong 02 năm 2014 – 2015.
Trả lời: Tại công văn số 1370/BTC-NSNN
Việc bố trí chi cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia từ ngân sách trung ương để hỗ trợ các địa phương phải căn cứ vào từng nội dung, nhiệm vụ của Chương trình và khả năng cân đối của ngân sách trung ương. Mặt khác, theo phân công của Chính phủ, Bộ quản lý Chương trình mục tiêu có trách nhiệm xác định nhu cầu kinh phí và phân bổ kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ cho từng Bộ, cơ quan quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Vì vậy, đề nghị Tỉnh chủ động làm việc với các Bộ quản lý Chương trình mục tiêu Quốc gia (Bộ Công thương đối với Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Chương trình MTQG về Ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình Khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường) để xem xét bố trí kinh phí thực hiện 3 Chương trình MTQG nói trên.
 
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Tỉnh Gia Lai có 4 huyện (KBang, KôngChro, Ia Pa và KRông Pa) trong 23 huyện của cả nước được bổ sung vào chương trình 30a, song chỉ được hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, chưa có hỗ trợ các chính sách, chế độ khác về đào tạo cán bộ, ưu tiên mức huy động đóng góp của người dân… Đề nghị Bộ tham mưu với Chính phủ có cơ chế bổ sung các chế độ, chính sách nêu trên.
Trả lời: Tại công văn số 933/BKHĐT-TH ngày 24/02/2014
Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Nghị quyết 30a), trong đó nêu rõ 62 huyện có trong Nghị quyết sẽ được hưởng toàn bộ các cơ chế chính sách ưu đãi của Nghị quyết 30a. Ngày 25/4/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 615/QĐ-TTg về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a. Ngày 05/02/2013 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 293/QĐ-TTg về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a.
Trên cơ sở của 02 Quyết định số 615/QĐ-TTg và 293/QĐ-TTg thì 30 huyện được bổ sung vào danh sách các huyện được hưởng chính sách hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a. Hiện tại, Chính phủ chưa có chủ trương cho 30 huyện bổ sung được hưởng các chính sách ưu đãi khác của Nghị quyết 30a, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận đề xuất của tỉnh và sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định khi có chủ trương và cơ chế.

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ tham mưu với Chính phủ quan tâm ưu tiên tăng vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia để tỉnh Gia Lai đủ nguồn lực thực hiện đạt mục tiêu của từng chương trình; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về định mức chi, định mức phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013 - 2015 phù hợp với tình hình đặc thù của địa phương; đồng thời sớm ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2014 - 2015. Đồng thời, bổ sung khoản kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và Cơ quan thường trực chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của chương trình.
Trả lời: Tại công văn số 933/BKHĐT-TH ngày 24/02/2014
Thực hiện Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 09/11/2011 của Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã phê duyệt 16 Chương trình MTQG giai đoạn 2012-2015. Trong giai đoạn 2011-2014, tổng kinh phí NSTW hỗ trợ thực hiện các Chương trình MTQG của tỉnh Gia Lai là 1.260,967 tỷ đồng, cụ thể như sau:
Năm 2011: NSTW hỗ trợ 194,465 tỷ đồng;
Năm 2012: NSTW hỗ trợ 332,286 tỷ đồng;
Năm 2013: NSTW hỗ trợ 361,058 tỷ đồng;
Năm 2014: NSTW hỗ trợ 260,158 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới là 113 tỷ đồng).
Như vậy, trong giai đoạn 2011 - 2014, Chính phủ đã ưu tiên tập trung bố trí vốn cho các Chương trình MTQG, trong đó có tỉnh Gia Lai để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình. Tuy nhiên, do khả năng ngân sách trung ương còn hạn chế, các địa phương cần chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn.
Về đổi mới cơ chế quản lý, điều hành các chương trình MTQG và ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2014 - 2015:
Thực hiện Nghị quyết số 32/2012/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã có báo cáo số 415/BC-CP ngày 18/10/2013 về báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện các Chương trình MTQG. Theo đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Quy chế quản lý, điều hành các Chương trình MTQG thay thế Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng: (i) Thay đổi cơ chế lập và giao kế hoạch, chuyển từ cơ chế giao kế hoạch hàng năm sang giao trong trung hạn; (ii) Quy định rõ hơn về cơ chế lồng ghép, sử dụng nguồn vốn để địa phương lồng ghép nguồn vốn, đầu tư tập trung dứt điểm theo từng năm.
Việc quy định như trên sẽ tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong việc điều hòa nguồn vốn giữa các Chương trình. Đồng thời giảm tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện và đảm bảo đầu tư có hiệu quả; tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý Chương trình MTQG trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lồng ghép các nguồn vốn.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 12/02/2014 hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.
Về bổ sung khoản kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và Cơ quan thường trực chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của chương trình:
Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt 16 Chương trình MTQG giai đoạn 2012-2015, trong đó hầu hết các Chương trình đều bao gồm dự án thành phần “Nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá và thực hiện chương trình” và đã được bố trí kinh phí thực hiện hàng năm.
 
BỘ CÔNG THƯƠNG
 
Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn phải sửa chữa các công trình thủy lợi do Công ty xây dựng trên địa bàn xã Đăk Rong (huyện KBang) đã bị hư hỏng, không sử dụng được; đồng thời, cải tạo lại diện tích ruộng nước đã khai hoang, đền bù cho 2 làng tái định canh, định cư Hồ C nhưng không canh tác được.
Trả lời: Tại công văn số 711/BCT-KH ngày 24/01/2014
Để thực hiện việc tái định canh và tái định cư khi xây dựng công trình Hồ C - Thủy điện Vĩnh Sơn, được sự thống nhất của chính quyền địa phương về địa điểm, diện tích xây dựng đồng ruộng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức triển khai xây dựng đồng ruộng Đăk Dinh Dong của làng Kon Lanh Te và đồng ruộng Đăk Rech của làng Kon Von 1. Để phục vụ tưới cho diện tích ruộng nước khai hoang, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã xây dựng và hoàn thành công trình thủy lợi trên địa bàn xã Đăk Rong, huyện Kbang gồm có hệ thống thủy lợi Đăk Dinh Dong cấp tưới cho 20ha lúa nước và hệ thống thủy lợi Đăk Rech cấp tưới cho 15ha lúa nước. Việc khai hoang, xây dựng đồng ruộng và công trình thủy lợi nêu trên đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2004 và đã bàn giao cho chính quyền và nhân dân địa phượng sử dụng quản lý. Tuy nhiên việc quản lý, khai thác sử dụng công trình của chính quyền địa phương chưa được tốt, chưa quan tâm đến việc bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên nên cho đến nay công trình đã xuống cấp và hư hỏng. Đồng thời người dân ở đây không quen tập quán trồng lúa nước, do đó đã bỏ hoang hóa đồng ruộng.
Để nâng cao đời sống và điều kiện sản xuất canh tác cho người dân khu vực tái định cư của thủy điện Vĩnh Sơn, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã nhiều đợt hỗ trợ kinh phí theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân huyện KBang. Gần đây, trong năm 2012, Công ty cũng đã hỗ trợ 400.000.000 đồng cho Trạm quản lý Thủy nông huyện KBang đầu tư công trình thủy lợi Đăk Briêng phục vụ tưới cho ruộng tái định canh do xây dựng công trình Hồ C - Thủy điện Vĩnh Sơn. Tuy nhiên, theo như phản ảnh của cử tri về tình trạng hệ thống thủy lợi và đồng ruộng do tái định canh khi xây dựng công trình Hồ C như đã nêu, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện KBang xem xét để có giải pháp phù hợp.
 
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
 
Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Thủy điện An Khê - KaNak) bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông Ba sau đập An Khê vào mùa nắng (2013 - 2014) là 20 m3/s nhằm bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, đời sống của hơn 450.000 dân và môi trường sinh thái trên địa bàn 08 huyện, thị xã ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai.
Trả lời: Tại công văn số 594/BTNMT-PC ngày 28/02/2014
Việc đảm bảo nhu cầu nước cho phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh vùng hạ du lưu vực sông Ba là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương, Bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước của công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, nhất là việc đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, đời sống của nhân dân hạ du hồ thủy điện An Khê thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai như: yêu cầu Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak, trước mắt phải đảm bảo duy trì xả thường xuyên, liên tục xuống sau đập An Khê tối thiểu là 4m3/s trong suốt mùa khô; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình vận hành để điều chỉnh lưu lượng xả nước phù hợp, đảm bảo nhu cầu dùng nước của nhân dân ở hạ du; lắp đặt hệ thống giám sát tự động để giám sát thường xuyên, liên tục lưu lượng xả sau đập.
Đồng thời, nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước trên lưu vực sông Ba nói chung, nguồn nước của cụm hồ An Khê - Ka Nak nói riêng, trên cơ sở nguyên tắc, thứ tự ưu tiên vận hành các hồ chứa trong mùa cạn là phải đảm bảo nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du và đảm bảo hiệu quả phát điện; kết quả nghiên cứu, phân tích các yêu cầu sử dụng nước cho đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong từng thời kỳ cụ thể; đặc điểm nguồn nước và thực trạng các hồ chứa trên lưu vực... Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các phương án phối hợp vận hành hồ, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba (Tờ trình số 87/TTr-BTMT ngày 04 tháng 9 năm 2013 và Tờ trình số 05/TTr-BTMT ngày 21 tháng 01 năm 2014), trong đó có cụm hồ An Khê - Ka Nak. Theo đó, cụm hồ An Khê - Ka Nak có nhiệm vụ đảm bảo nhu cầu dùng nước phía hạ du đập An Khê, đoạn từ sau đập An Khê đến thị trấn Krông Chro, cụ thể như sau: khi nhu cầu sử dụng nước gia tăng, hồ An Khê phải xả nước liên tục về hạ du sông Ba với lưu lượng không nhỏ hơn 6 m3/s hoặc 8 m3/s tùy thuộc lưu lượng đến hồ Ka Nak; khi nhu cầu sử dụng nước thấp hoặc vào thời gian ban đêm, hồ An Khê phải xả nước liên tục với lưu lượng không nhỏ hơn 4 m3/s. Quy định này phù hợp với yêu cầu sử dụng nước ở đoạn sông Ba sau đập An Khê (hiện tại khoảng 0,5 m3/s), bảo đảm duy trì dòng sông, đồng thời tổn thất điện năng ở mức có thể chấp nhận được, bảo đảm nguyên tắc hài hòa giữa nhiệm vụ cấp nước cho hạ du với nhiệm vụ phát điện.
 
BỘ QUỐC PHÒNG
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ tham mưu với Chính phủ quan tâm ban hành chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ đã nghỉ việc một lần theo Quyết định số 176 (số tiền trợ cấp ít ỏi, nhưng đến nay không được hưởng chế độ nào nữa) nhằm tạo điều kiện giúp đỡ cho các đối tượng chính sách thuộc diện này khắc phục khó khăn trong cuộc sống.
Trả lời: Tại công văn số 854/BQP-CT ngày 06/02/2014
Theo quy định tại Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006, Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã phục viên, xuất ngũ và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì đối tượng quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau đó chuyển ngành nghỉ việc theo Quyết định số 176-HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) thuộc đối tượng được xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại các Nghị định và Quyết định nêu trên.
Về các chế độ, chính sách khác, Bộ Quốc phòng xin ghi nhận ý kiến đề nghị của cử tri và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét khi điều kiện cho phép.

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo kéo dài thêm thời gian thực hiện Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; vì hiện nay ở địa phương còn nhiều đối tượng chính sách chưa làm hồ sơ và chưa được hưởng chế độ này.
Trả lời: Tại công văn số 854/BQP-CT ngày 06/02/2014
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 12/2013, toàn quốc đã giải quyết cho hơn 95 vạn đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần, với số tiền hơn 4000 tỷ đồng và 12.450 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng. Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức tổng kết việc thực hiện Quyết định nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay ở một số địa phương vẫn còn một số đối tượng còn tồn sót chưa được giải quyết chế độ. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm chế độ đối với số đối tượng tồn sót.
Đề nghị các địa phương chỉ đạo các cấp rà soát, sớm giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng còn lại.
 
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
 
Cử tri các tỉnh Bạc Liêu, Gia Lai kiến nghị: Hiện nay tình trạng nhiều trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, đồi trụy; bên cạnh đó, văn hóa phẩm đồi trụy ngày càng tràn lan trên mạng Internet, gây ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục thanh, thiếu niên. Đề nghị Bộ TTTT có giải pháp hữu hiệu để tăng cường quản lý mạng Internet nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế, khắc phục những mặt trái nêu trên.
Trả lời: Tại công văn số 832/BTTTT-VP ngày 21/3/2014
Ngày nay, với kỹ thuật và trình độ phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, Internet đã trở thành môi trường cung cấp thông tin không thể thiếu và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Các nội dung thông tin được đưa lên mạng đều có tính hai mặt. Một mặt tạo điều kiện giúp chúng ta tiếp cận thông tin nhanh, nhạy, đa dạng; mặt khác nó tác động xấu đến sự phát triển xã hội khi thông tin đưa lên mà không được kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lạc, thông tin thất thiệt, các dịch vụ nội dung (game bạo lực, văn hóa phẩm độc hại) không quản lý tốt.
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, thời gian qua, Bộ TTTT đã nỗ lực nghiên cứu và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động này. Cụ thể:
Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý nội dung thông tin trên mạng: Năm 2013, Bộ TTTT đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet, trong đó quy định các nội dung cơ bản, mang tính nguyên tắc chung về quản lý nội dung thông tin trên mạng, cụ thể:
- Tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng:
+ Quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc đăng tải hoặc sử dụng thông tin trên mạng và các biện pháp tăng cường nhằm bảo vệ người sử dụng Internet, trong đó có quy định đối với người sử dụng dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định của Bộ TTTT.
+ Quy định nhà cung cấp thông tin qua biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam phải có trách nhiệm loại bỏ những thông tin vi phạm điều cấm của Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
+ Tăng cường công tác quản lý đối với mạng xã hội, theo đó chuyển từ hình thức đăng ký thành hình thức cấp phép trước khi hoạt động.
- Tăng cường quản lý trò chơi điện tử trên mạng với các giải pháp:
+ Mở rộng phạm vi quản lý, đối tượng điều chỉnh với 3 nhóm trò chơi;
+ Phân loại trò chơi: phân loại trò chơi theo độ tuổi, nội dung; phân loại trò chơi theo phương thức cung cấp;
+ Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ;
+ Yêu cầu người chơi phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định của Bộ Công an và lựa chọn các trò chơi điện tử trên mạng phù hợp với độ tuổi theo quy định.
+ Nâng cấp Hội đồng tư vấn thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng có tính đại diện cao hơn, đạt hiệu quả tốt nhằm bảo đảm kiểm soát tốt nhất nội dung, kịch bản trò chơi trước khi phát hành.
Bộ đã ban hành Thông tư số 23/2013/TT-BTTTT ngày 24/12/2013 quy định về quản lý điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng và đang tiếp tục khẩn trương xây dựng các Thông tư hướng dẫn Nghị định 72/2013/NĐ-CP, trong đó sẽ cụ thể hóa về điều kiện, thủ tục và quy trình cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử và mạng xã hội; Giấy phép cung cấp dịch vụ, Quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi và đăng ký cung cấp trò chơi.
- Tăng cường quản lý an toàn thông tin và an ninh thông tin. Riêng đối với nội dung, kịch bản của trò chơi điện tử, ngoài việc bảo đảm không vi phạm các điều cấm của Nghị định 72/2013/NĐ-CP còn phải đáp ứng các yêu cầu sau: Không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn; kích động bạo lực, thú tính; dung tục, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử. Không có hình ảnh, âm thanh miêu tả hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố; hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác. Các yêu cầu khác theo quy định của Bộ TTTT.
Nhằm tăng cường các biện pháp quản lý điểm kinh doanh Internet, Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã tách riêng Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng với Điểm truy nhập Internet công cộng và có các biện pháp quản lý tương ứng với hai loại hình này. Điều 8 và Điều 9 của Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng; quyền và nghĩa vụ của chủ điểm truy nhập Internet công cộng.
Bên cạnh đó, ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản thay thế Nghị định 02/2011/NĐ-CP; Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thay thế Nghị định 28/2009/NĐ-CP ngày 20/3/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet, trong đó bổ sung các hành vi vi phạm mà Nghị định 02/2009/NĐ-CP và Nghị định số 28/2009/NĐ-CP chưa đề cập đến, đồng thời tăng mức xử phạt nhằm bảo đảm tính răn đe và hiệu quả trong công tác quản lý lĩnh vực này.
 
ỦY BAN DÂN TỘC
 
Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị ban hành chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các thôn, làng còn khó khăn ở các phường, thị trấn (khu vực I).
Trả lời: Tại công văn số 151/UBDT-CSDT ngày 27/02/2014
- Về đề nghị ban hành chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất: Ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 551/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đến nay, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 (Thông tư 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/12/2013); tổng hợp danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê danh sách thôn ĐBKK tại Quyết định số 582/QĐ-UBDT ngày 18/12/2013 vào diện đầu tư của Chương trình. Xây dựng kế hoạch vốn gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để chuẩn bị nguồn lực đầu tư cho năm 2014.
- Về đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các thôn, làng còn khó khăn ở các phường, thị trấn (khu vực I):
Ngày 01/3/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 về khám, chữa bệnh cho người nghèo. Quyết định 14/2012/QĐ-TTg đã mở rộng đối tượng được hưởng chế độ khám, chữa bệnh gồm:
+ Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo.
+ Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế và Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg: Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại khu vực I là hộ nghèo thì được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Nếu là hộ cận nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế.
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
 
1. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Quy định cấp thẻ BHYT có thời hạn dài (ít nhất là 3 năm) đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách của nhà nước cơ bản ổn định, có các cơ quan quản lý theo dõi biến động tăng, giảm (người có công với cách mạng, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, cựu chiến binh, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực II, khu vực III), để tránh lãng phí trong việc in ấn cấp phát thẻ. Hàng năm, chỉ rà soát, điều chỉnh tăng, giảm...
Trả lời: Tại công văn số 672/BHXH-CSYT ngày 04/3/2014
Hiện nay, các đối tượng như: người có công với cách mạng, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi, cựu chiến binh, BHXH Việt Nam đã cấp thẻ BHYT có thời hạn sử dụng từ 3-5 năm. Đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn - đặc biệt khó khăn thì danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT được cơ quan Lao động - Thương binh & Xã hội và Ủy ban nhân dân các cấp rà soát, kiểm tra đúng đối tượng. Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc huyện phê duyệt mua thẻ BHYT. Cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho các đối tượng này theo thời hạn tương ứng với số tiền đóng BHYT.

2. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị tổ chức thực hiện việc phát hành thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có ảnh quy định tại Khoản 5, Điều 16 Luật BHYT.
Trả lời: Tại công văn số 493/BHXH-CST ngày 14/2/2014.
Thực hiện quy định tại Khoản 5, Điều 16 Luật BHYT và Công văn chỉ đạo số 3949/VPCP-KHTH ngày 15/6/2011 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh, từ cuối năm 2009 đến nay BHXH Việt Nam đã tổ chức thí điểm cấp khoảng 261.000 thẻ BHYT có ảnh cho một số đối tượng khác nhau trên địa bàn 05 tỉnh, thành phố (Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Giang, Sóc Trăng và Hải Phòng). Ngày 27/9/2013, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3831/BC-BHXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh. Tiếp đến, ngày 06/11/2013, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 9377/VPCP-KTTH về việc thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh. Trong đó, đã giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quan điểm trong việc tổ chức thực hiện Luật BHYT./.