> Tin tức - Sự kiện > Tin hoạt động ĐĐBQH > Kiên trì và có những chính sách đúng đắn, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Kiên trì và có những chính sách đúng đắn, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí

19/06/2014
Báo cáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã đề cập “Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, tình trạng tham nhũng, hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay chạy chọt để được việc vẫn còn nhức nhối”; tham nhũng thực sự là “giặc nội xâm”, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với bộ máy nhà nước, với vai trò lãnh đạo của Đảng. 
Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, công tác đấu tranh chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn bộc lộ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc khởi tố, xử lý tội phạm về tham nhũng giảm (Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu giảm 17,3% so với cùng kỳ), có tình trạng lạm dụng quyền hạn để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, tuy nhiên, kết quả xét xử một số vụ án chưa thỏa đáng; việc xử lý, khắc phục thất thoát chưa đạt yêu cầu, thiếu tính răn đe, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới quan tâm chỉ đạo giải quyết một số vụ án điểm; hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa cao, số vụ được phát hiện và xử lý chưa nhiều. Hiện tượng tham nhũng “vặt” (diễn ra nhiều trong giáo dục, y tế…) gây bức xúc, xói mòn đạo đức xã hội. Cần đánh giá sâu vì sao đã triển khai nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao; cần nêu cụ thể ngành, lĩnh vực còn hạn chế để có giải pháp tốt hơn.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống tư pháp; bảo đảm chất lượng xét xử; tăng cường công tác giáo dục về công vụ và đạo đức nghề nghiệp. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội và khuyến khích người dân tham gia, giám sát; quán triệt phát biểu chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (ngày 05/5/2014) yêu cầu phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Có đại biểu nhận định công tác phòng, chống lãng phí chưa được đánh giá đúng về mức độ nghiêm trọng và ít được đề cập; đề nghị làm rõ nguyên nhân và hậu quả của tình trạng lãng phí còn xảy ra nhức nhối. Chi tiêu công cần phải kiểm soát nghiêm ngặt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính và mua sắm tài sản. Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách chi đầu tư các công trình giao thông. Bên cạnh đó, có đại biểu đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông trong việc tiết kiệm, cắt giảm đầu tư các công trình chưa thực sự cấp bách.

Các ý kiến của đại biểu đề nghị cần kiên trì và có những chính sách đúng đắn, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện thể chế, chính sách về cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những hành vi lãng phí, vì lãng phí cũng nguy hiểm không kém tham nhũng. Đề nghị Chính phủ quyết tâm, quyết liệt thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin sát thực về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thì người dân sẽ đồng lòng, nỗ lực, tiết kiệm, góp sức cùng Chính phủ đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Về cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức: Các đại biểu đề nghị cần bảo đảm trật tự kỷ cương, kỷ luật hành chính; chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức; chống gian lận và bệnh thành tích. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân.

Nhiều ý kiến nhận xét chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư triển khai chậm, nhất là ở cấp cơ sở. Nhiều quy trình, thủ tục hành chính còn phức tạp, dễ gây bức xúc cho người dân; việc bảo đảm quyền và lợi ích của người dân chưa được thực hiện tốt; bộ máy hành chính không tinh giản được; có xu hướng cục bộ trong xây dựng chính sách, làm phình bộ máy và dẫn đến tăng chi ngân sách.
 
IMG_0525.JPG
ĐBQH Hà Công Long phát biểu thảo luận tổ ĐBQH số 14.

Tăng cường thực hiện tốt các giải pháp cải cách hành chính về thuế, hải quan, đất đai… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Cần tăng cường cải cách hành chính (kể cả trong hoạt động cấp ngân sách và tinh giản biên chế), coi đây là công cụ minh bạch, hậu kiểm và giám sát trước công chúng. Công khai tất cả các kết quả hoạt động (trừ bí mật quốc gia) trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri cả nước theo dõi, đánh giá.

Về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, có đại biểu nhận xét một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có thái độ “vô cảm”, có biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, tham nhũng; thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư còn chưa thuận tiện, gây tồn đọng nhiều hồ sơ.

Sớm triển khai Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là chính sách tiền lương đối với người lao động ở cấp cơ sở.

Về cải cách thể chế: Đẩy mạnh cải cách thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội Đảng khoá XI đề ra. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều chuyển biến. Liên quan đến thể chế kinh tế, Quốc hội khoá XIII đã và đang thảo luận nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có một số dự án có thể tập trung về một luật để tạo sự thống nhất, minh bạch và thuận lợi trong thực thi pháp luật; song, nhiều bộ, ngành vẫn giữ quan điểm của mình, nên chưa tạo ra đột phá cải cách. Đề án thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường đã thực hiện được 5 năm, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị nghiên cứu đã được tổ chức, mô hình và kinh nghiệm thế giới cũng đã được nghiên cứu, nhưng đến giờ vẫn chưa đưa ra được định hướng rõ nét và không ít ý kiến đề nghị vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Các đại biểu nhấn mạnh trọng trách của Quốc hội trong việc xây dựng pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho cải cách thể chế kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc gia.

Đề nghị xác lập rõ ràng quyền sở hữu tài sản của mọi chủ thể; bảo đảm quyền tự chủ, tự do và bình đẳng trong kinh doanh của các chủ thể kinh tế trong khuôn khổ pháp luật và tuân theo các quy luật của nền kinh tế thị trường. Nhà nước cần xác định đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình trong mối quan hệ với thị trường; xác định rõ các trường hợp thật sự cần thiết can thiệp vào thị trường và các công cụ điều tiết; cân bằng mức độ quyền lực của các cơ quan công quyền với trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch. Xác lập xã hội dân sự để đối trọng, giám sát và phản biện hoạt động của các cơ quan nhà nước./.
 
Duy Hiếu (lược ghi)

Kiên trì và có những chính sách đúng đắn, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí

19/06/2014
Báo cáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã đề cập “Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, tình trạng tham nhũng, hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay chạy chọt để được việc vẫn còn nhức nhối”; tham nhũng thực sự là “giặc nội xâm”, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với bộ máy nhà nước, với vai trò lãnh đạo của Đảng. 
Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, công tác đấu tranh chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn bộc lộ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc khởi tố, xử lý tội phạm về tham nhũng giảm (Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu giảm 17,3% so với cùng kỳ), có tình trạng lạm dụng quyền hạn để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, tuy nhiên, kết quả xét xử một số vụ án chưa thỏa đáng; việc xử lý, khắc phục thất thoát chưa đạt yêu cầu, thiếu tính răn đe, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới quan tâm chỉ đạo giải quyết một số vụ án điểm; hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa cao, số vụ được phát hiện và xử lý chưa nhiều. Hiện tượng tham nhũng “vặt” (diễn ra nhiều trong giáo dục, y tế…) gây bức xúc, xói mòn đạo đức xã hội. Cần đánh giá sâu vì sao đã triển khai nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao; cần nêu cụ thể ngành, lĩnh vực còn hạn chế để có giải pháp tốt hơn.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống tư pháp; bảo đảm chất lượng xét xử; tăng cường công tác giáo dục về công vụ và đạo đức nghề nghiệp. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội và khuyến khích người dân tham gia, giám sát; quán triệt phát biểu chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (ngày 05/5/2014) yêu cầu phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Có đại biểu nhận định công tác phòng, chống lãng phí chưa được đánh giá đúng về mức độ nghiêm trọng và ít được đề cập; đề nghị làm rõ nguyên nhân và hậu quả của tình trạng lãng phí còn xảy ra nhức nhối. Chi tiêu công cần phải kiểm soát nghiêm ngặt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính và mua sắm tài sản. Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách chi đầu tư các công trình giao thông. Bên cạnh đó, có đại biểu đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông trong việc tiết kiệm, cắt giảm đầu tư các công trình chưa thực sự cấp bách.

Các ý kiến của đại biểu đề nghị cần kiên trì và có những chính sách đúng đắn, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện thể chế, chính sách về cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những hành vi lãng phí, vì lãng phí cũng nguy hiểm không kém tham nhũng. Đề nghị Chính phủ quyết tâm, quyết liệt thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin sát thực về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thì người dân sẽ đồng lòng, nỗ lực, tiết kiệm, góp sức cùng Chính phủ đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Về cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức: Các đại biểu đề nghị cần bảo đảm trật tự kỷ cương, kỷ luật hành chính; chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức; chống gian lận và bệnh thành tích. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân.

Nhiều ý kiến nhận xét chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư triển khai chậm, nhất là ở cấp cơ sở. Nhiều quy trình, thủ tục hành chính còn phức tạp, dễ gây bức xúc cho người dân; việc bảo đảm quyền và lợi ích của người dân chưa được thực hiện tốt; bộ máy hành chính không tinh giản được; có xu hướng cục bộ trong xây dựng chính sách, làm phình bộ máy và dẫn đến tăng chi ngân sách.
 
IMG_0525.JPG
ĐBQH Hà Công Long phát biểu thảo luận tổ ĐBQH số 14.

Tăng cường thực hiện tốt các giải pháp cải cách hành chính về thuế, hải quan, đất đai… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Cần tăng cường cải cách hành chính (kể cả trong hoạt động cấp ngân sách và tinh giản biên chế), coi đây là công cụ minh bạch, hậu kiểm và giám sát trước công chúng. Công khai tất cả các kết quả hoạt động (trừ bí mật quốc gia) trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri cả nước theo dõi, đánh giá.

Về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, có đại biểu nhận xét một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có thái độ “vô cảm”, có biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, tham nhũng; thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư còn chưa thuận tiện, gây tồn đọng nhiều hồ sơ.

Sớm triển khai Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là chính sách tiền lương đối với người lao động ở cấp cơ sở.

Về cải cách thể chế: Đẩy mạnh cải cách thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội Đảng khoá XI đề ra. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều chuyển biến. Liên quan đến thể chế kinh tế, Quốc hội khoá XIII đã và đang thảo luận nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có một số dự án có thể tập trung về một luật để tạo sự thống nhất, minh bạch và thuận lợi trong thực thi pháp luật; song, nhiều bộ, ngành vẫn giữ quan điểm của mình, nên chưa tạo ra đột phá cải cách. Đề án thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường đã thực hiện được 5 năm, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị nghiên cứu đã được tổ chức, mô hình và kinh nghiệm thế giới cũng đã được nghiên cứu, nhưng đến giờ vẫn chưa đưa ra được định hướng rõ nét và không ít ý kiến đề nghị vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Các đại biểu nhấn mạnh trọng trách của Quốc hội trong việc xây dựng pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho cải cách thể chế kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc gia.

Đề nghị xác lập rõ ràng quyền sở hữu tài sản của mọi chủ thể; bảo đảm quyền tự chủ, tự do và bình đẳng trong kinh doanh của các chủ thể kinh tế trong khuôn khổ pháp luật và tuân theo các quy luật của nền kinh tế thị trường. Nhà nước cần xác định đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình trong mối quan hệ với thị trường; xác định rõ các trường hợp thật sự cần thiết can thiệp vào thị trường và các công cụ điều tiết; cân bằng mức độ quyền lực của các cơ quan công quyền với trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch. Xác lập xã hội dân sự để đối trọng, giám sát và phản biện hoạt động của các cơ quan nhà nước./.
 
Duy Hiếu (lược ghi)