Sáng ngày 25/8, tại Nhà Quốc hội, diễn ra Phiên họp thứ Năm, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”. Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Cần chủ động kiểm tra, rà soát nhằm hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài vượt cấp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì Phiên họp của Đoàn giám sát về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Toàn cảnh Phiên họp thứ Năm, Đoàn giám sát về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.
Thực hiện Nghị quyết số 289/NQ-UBTVQH15 ngày 06/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, Đoàn giám sát họp Phiên thứ Năm để tiếp tục tham gia ý kiến xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo báo cáo những trọng tâm nổi lên qua kết quả giám sát; đồng thời chuẩn bị cho buổi làm việc giữa Đoàn giám với Thường trực Chính phủ, một số Bộ ngành trung ương, với sự tham dự của Lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, kết quả giám sát trực tiếp tại 8 bộ ngành và 6 địa phương, Đoàn giám sát sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khái quát kết quả hoạt động của Đoàn giám sát và một số vấn đề nổi lên qua kết quả hoạt động giám sát.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu mở đầu Phiên họp.
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Phiên họp thứ Năm của Đoàn giám sát tiến hành rà soát, cho ý kiến vào các dự thảo báo cáo toàn văn, báo cáo tóm tắt, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ về Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Cho ý kiến vào Báo cáo Khái quát kết quả hoạt động giám sát và một số vấn đề nổi lên qua kết quả giám sát về chuyên đề, chuẩn bị cho buổi làm việc với Chính phủ trong thời gian tới; Thống nhất các nội dung của báo cáo gửi tới bộ ngành, địa phương sau khi giám sát. Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các thành viên đánh giá tổng quan kết quả giám sát, đi vào từng lĩnh vực cụ thể, trong đó đánh giá ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân và kiến nghị của Chính phủ trong từng nội dung về trước mắt cũng như lâu dài.
Tại Phiên họp, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công trình bày dự thảo Báo cáo khái quát kết quả hoạt động giám sát và một số vấn đề nổi lên qua kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.
Theo đó, căn cứ vào nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, phạm vi, đối tượng giám sát, Đoàn giám sát đã khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch chung của Đoàn; đề cương yêu cầu Chính phủ, các Bộ ngành; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát.
Thực hiện phương châm “trọng tâm, trọng điểm” tập trung vào các lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, Đoàn giám sát cũng đã ban hành Kế hoạch chi tiết riêng đối với hoạt động giám sát trực tiếp tại một số Bộ ngành, địa phương và phân công cụ thể trách nhiệm của từng đồng chí Thành viên Đoàn giám sát.
Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công cũng cho biết, đến nay Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp đối với 8 bộ ngành và 6 địa phương, gồm: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang Khánh Hòa, Đắk Nông, Lào Cai.
Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công
Lãnh đạo Đoàn giám sát thường xuyên chỉ đạo sát sao với Tổ giúp việc, tổ chức các buổi họp đề nghị các Tổ công tác tại Bộ ngành, địa phương báo cáo kết quả khảo sát để tiếp thu, điều chỉnh kịp thời hoạt động giám sát cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Đoàn giám sát đã tổ chức 4 Phiên họp để trao đổi, thảo luận góp ý vào các Dự thảo Báo cáo nhằm bổ sung và hoàn thiện các Báo cáo kết quả giám sát.
Theo Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công, qua theo dõi, đánh giá, Đoàn giám sát bước đầu nhận thấy có một số chuyển biến tích cực. Đó là việc thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được UBND các địa phương thực hiện nghiêm túc hơn, nhất là trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là một số vụ việc thuộc danh sách rà soát, vụ việc phức tạp đã được các cơ quan được giao thẩm tra, xác minh đẩy nhanh tiến độ và sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định, Kết luận giải quyết theo đúng quy định, đảm bảo thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Qua một số nội dung Đoàn giám sát trao đổi, đánh giá trực tiếp khi thực hiện giám sát tại địa phương, cấp ủy và chính quyền địa phương đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm tiếp công dân, nhất là trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân đột xuất của người đứng đầu cơ quan hành chính và trách nhiệm của cấp ủy địa phương.
Một số văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được các cơ quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu để bổ sung, ban hành mới để cụ thể hóa các quy định mới trong các văn bản pháp lý cao hơn và phù hợp với thực tiễn của ngành lĩnh vực quản lý và địa phương…
Cho ý kiến tại Phiên họp, nhiều ý kiến đánh giá cao Báo cáo khái quát kết quả hoạt động giám sát và một số vấn đề nổi lên qua kết quả giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” trình tại Phiên họp này đã khái quát kết quả, nêu những vấn đề lớn nổi lên, nguyên nhân, tồn tại. Báo cáo cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung so với báo cáo tại Phiên họp thứ Tư, đảm bảo tính khách quan, công tâm, tính chiến đấu được nâng lên…
Phát biểu tại Phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, các ý kiến tại Phiên họp với mục đích phục vụ buổi làm việc với Chính phủ; đồng thời nêu rõ những vấn đề nổi lên, từ đó tổng hợp vào báo cáo toàn văn và báo cáo tóm tắt của Đoàn giám sát. Báo cáo cần khái quát kết quả hoạt động; chuyển biến bước đầu của cả chủ thể và đối tượng giám sát; một số vấn đề nổi lên về kết quả tiếp công dân, khiếu nại tố cáo; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan; kiến nghị cụ thể đối với từng nội dung. Đặc biệt, báo cáo cần nêu rõ các kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, bởi sản phẩm cuối cùng của giám sát là Nghị quyết, trong đó nội dung cốt lõi là kiến nghị.
Theo quochoi.vn