> Tin tức - Sự kiện > Tin hoạt động ĐĐBQH > Quốc hội cần đánh giá việc thực hiện lời hứa sau chất vấn

Quốc hội cần đánh giá việc thực hiện lời hứa sau chất vấn

07/09/2012
Nhiều ý kiến đề nghị, sau hoạt động chất vấn, Quốc hội cần tăng cường, giám sát và đánh giá việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn. Sáng 4/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về Đề án, dự thảo Nghị quyết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí cao về chủ trương, sự cần thiết, phạm vi đề xuất đổi mới nêu trong Đề án, dự thảo Nghị quyết và cho rằng, Đề án, dự thảo Nghị quyết được xây dựng công phu, bao quát được những vấn đề lớn cần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng góp nhiều ý kiến cụ thể về nội dung Đề án và dự thảo nghị quyết.
Quy rõ trách nhiệm để nâng cao công tác xây dựng luật
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với những đề xuất đổi mới trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là việc thẩm tra kỹ các đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước khi đưa vào Chương trình.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tính cấp thiết của dự án luật để đưa vào chương trình; một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về việc thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội và quy định cụ thể nhiệm vụ của bộ máy giúp việc trong hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền này.
Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo phải thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc gửi tài liệu đúng thời hạn; trình dự thảo luật kèm theo các văn bản hướng dẫn thi hành; quá trình soạn thảo phải có sự tham vấn ý kiến công chúng, điều tra xã hội học; tham gia có trách nhiệm vào quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện văn bản,…
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng, Quốc hội còn thụ động trong việc xây dựng chương trình, trong khi vai trò của Quốc hội là chủ động đề ra chương trình, làm rõ “đầu bài” của đạo luật để cơ quan soạn thảo thực hiện.
Theo một số đại biểu, cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm tra dự án luật; đồng thời, làm rõ cách thức tổ chức thực hiện việc tham gia thẩm tra theo hướng đổi mới của Đề án.
Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, cơ quan soạn thảo của một số bộ ngành làm chưa tốt nên khi trình Quốc hội chưa nhận được sự thống nhất cao. Báo cáo thẩm tra là kết quả cuối cùng nên phải có sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ quy trình, quy trách nhiệm rõ hơn để công tác xây dựng luật đạt kết quả cao hơn.
Về việc thảo luận, cho ý kiến và thông qua dự án luật, có ý kiến đề nghị lần thảo luận đầu tiên về dự án luật tại Quốc hội chỉ tổ chức thảo luận những vấn đề quan trọng để biểu quyết thông qua làm cơ sở cho việc chỉnh lý dự án; đối với những dự án luật ý kiến đã tương đối thống nhất thì có thể tiến hành thủ tục biểu quyết thông qua.
Một số ý kiến đề nghị nên bố trí biểu quyết riêng từng điều luật hoặc từng nhóm vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nhằm thể hiện chân thực chính kiến của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (đoàn Ninh Bình) đề xuất, chỉ thảo luận ở Hội trường những vấn đề còn tranh luận, không cần thảo luận lại những gì mà các đại biểu đã thảo luận tại tổ.
Tăng cường giám sát hậu chất vấn
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, một số ý kiến đề nghị Đề án cần bổ sung một số nội dung cụ thể như: tại phiên chất vấn, cần có giải trình của người bị chất vấn về các vấn đề bức xúc do đại biểu Quốc hội nêu lên.
Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội cần tăng cường, giám sát và đánh giá việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn. Sau mỗi kỳ họp, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; khi chất vấn nảy sinh vấn đề lớn, phức tạp, Quốc hội cần lập ra một Ủy ban lâm thời để điều tra.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) kiến nghị cần có biện pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết các kiến nghị. Bởi lẽ, có những vấn đề được kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết, hay chưa giải quyết đến nơi đến chốn.
Về việc bỏ phiếu tín nhiệm, ý kiến đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề về sự cần thiết tiến hành định kỳ hoạt động này, đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, cách thức xử lý trong trường hợp không đủ tín nhiệm…
Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cho rằng, do số lượng phải bỏ phiếu quá đông nên cần chọn lọc để thực hiện, như từ phó chủ nhiệm trở lên.
Còn theo đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm có từ rất lâu nhưng đến nay chưa thực hiện được, một phần do chưa có những quy định về tiêu chí để bỏ phiếu tín nhiệm./.
Ngọc Thành/VOV online

Quốc hội cần đánh giá việc thực hiện lời hứa sau chất vấn

07/09/2012
Nhiều ý kiến đề nghị, sau hoạt động chất vấn, Quốc hội cần tăng cường, giám sát và đánh giá việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn. Sáng 4/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về Đề án, dự thảo Nghị quyết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí cao về chủ trương, sự cần thiết, phạm vi đề xuất đổi mới nêu trong Đề án, dự thảo Nghị quyết và cho rằng, Đề án, dự thảo Nghị quyết được xây dựng công phu, bao quát được những vấn đề lớn cần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng góp nhiều ý kiến cụ thể về nội dung Đề án và dự thảo nghị quyết.
Quy rõ trách nhiệm để nâng cao công tác xây dựng luật
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với những đề xuất đổi mới trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là việc thẩm tra kỹ các đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước khi đưa vào Chương trình.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tính cấp thiết của dự án luật để đưa vào chương trình; một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về việc thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội và quy định cụ thể nhiệm vụ của bộ máy giúp việc trong hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền này.
Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo phải thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc gửi tài liệu đúng thời hạn; trình dự thảo luật kèm theo các văn bản hướng dẫn thi hành; quá trình soạn thảo phải có sự tham vấn ý kiến công chúng, điều tra xã hội học; tham gia có trách nhiệm vào quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện văn bản,…
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng, Quốc hội còn thụ động trong việc xây dựng chương trình, trong khi vai trò của Quốc hội là chủ động đề ra chương trình, làm rõ “đầu bài” của đạo luật để cơ quan soạn thảo thực hiện.
Theo một số đại biểu, cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm tra dự án luật; đồng thời, làm rõ cách thức tổ chức thực hiện việc tham gia thẩm tra theo hướng đổi mới của Đề án.
Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, cơ quan soạn thảo của một số bộ ngành làm chưa tốt nên khi trình Quốc hội chưa nhận được sự thống nhất cao. Báo cáo thẩm tra là kết quả cuối cùng nên phải có sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ quy trình, quy trách nhiệm rõ hơn để công tác xây dựng luật đạt kết quả cao hơn.
Về việc thảo luận, cho ý kiến và thông qua dự án luật, có ý kiến đề nghị lần thảo luận đầu tiên về dự án luật tại Quốc hội chỉ tổ chức thảo luận những vấn đề quan trọng để biểu quyết thông qua làm cơ sở cho việc chỉnh lý dự án; đối với những dự án luật ý kiến đã tương đối thống nhất thì có thể tiến hành thủ tục biểu quyết thông qua.
Một số ý kiến đề nghị nên bố trí biểu quyết riêng từng điều luật hoặc từng nhóm vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nhằm thể hiện chân thực chính kiến của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (đoàn Ninh Bình) đề xuất, chỉ thảo luận ở Hội trường những vấn đề còn tranh luận, không cần thảo luận lại những gì mà các đại biểu đã thảo luận tại tổ.
Tăng cường giám sát hậu chất vấn
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, một số ý kiến đề nghị Đề án cần bổ sung một số nội dung cụ thể như: tại phiên chất vấn, cần có giải trình của người bị chất vấn về các vấn đề bức xúc do đại biểu Quốc hội nêu lên.
Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội cần tăng cường, giám sát và đánh giá việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn. Sau mỗi kỳ họp, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; khi chất vấn nảy sinh vấn đề lớn, phức tạp, Quốc hội cần lập ra một Ủy ban lâm thời để điều tra.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) kiến nghị cần có biện pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết các kiến nghị. Bởi lẽ, có những vấn đề được kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết, hay chưa giải quyết đến nơi đến chốn.
Về việc bỏ phiếu tín nhiệm, ý kiến đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề về sự cần thiết tiến hành định kỳ hoạt động này, đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, cách thức xử lý trong trường hợp không đủ tín nhiệm…
Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cho rằng, do số lượng phải bỏ phiếu quá đông nên cần chọn lọc để thực hiện, như từ phó chủ nhiệm trở lên.
Còn theo đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm có từ rất lâu nhưng đến nay chưa thực hiện được, một phần do chưa có những quy định về tiêu chí để bỏ phiếu tín nhiệm./.
Ngọc Thành/VOV online