Trong những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng tranh luận quy định “phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm kém chất lượng”, văn bản đã ký ban hành, đã lấy số, nhưng “chưa phát hành” đã tạo ra dư luận từ phía người tiêu dùng cũng như cơ quan chức năng. Trước khi văn bản được “phát hành”, trên cơ sở quy định về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối chiếu nội dung quy định ở góc độ kiểm tra tính pháp lý để xem nội dung quy định này có tính khả thi và có trái quy định luật.
Về tính khả thi của văn bản, một trong những nguyên tắc trong công tác ban hành văn bản là đảm bảo tính khả thi. Điều 3, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định nguyên tắc ban hành văn bản phải “bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật”.
Khi mua một mặt hàng, người tiêu dùng chú ý đến tính năng và thông số kỹ thuật của mặt hàng, bất cứ ai cũng muốn tiêu dùng hàng tốt, đảm bảo chất lượng. Quy định mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng là bảo vệ người tiêu dùng, nhưng tiêu chuẩn về chất lượng mũ bảo hiểm không phải là kiến thức phổ thông, mang tính phổ biến bắt buộc ai cũng phải biết, không phải người tiêu dùng nào cũng biết về các thông số kỹ thuật về mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Nội dung quy định này chưa đảm bảo tỉnh khả thi, quy định trên như đẩy việc quản lý chất lượng sản phẩm về phía người tiêu dùng, chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định nguyên tắc “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội”. Văn bản nhà nước quy định các thông số kỹ thuật của một sản phẩm, quy định “phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm kém chất lượng” nếu được áp dụng có lẽ nhiều bất cập cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng không quản lý chất lượng của sản phẩm, mà chỉ có nghĩa vụ “Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm…”.
Về phát hành văn bản hay ban hành văn bản, quy định về quy trình ban hành văn bản dùng khái niệm “ban hành”. Theo quy định tại Điều 78 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “Trong thời hạn chậm nhất là hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng Công báo”. Văn bản đã “ban hành” thể hiện là đã ký, đã lấy số, ngày tháng năm và như một số trang thông tin đã trích dẫn cụ thể văn bản “Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT, ngày 28 tháng 02 năm 2013 của liên Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an, Giao thông - Vận tải quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy”. Như vậy, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT phải được đăng Công báo và được áp dụng theo quy trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại Nghị định 40/2010/NĐ-CP, ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản.
Hiện, chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra nội dung quy định, nhưng văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với quy định của văn bản cấp trên và phải đảm bảo tính khả thi khi ban hành.
Đức Thú