Đó là chỉ đạo của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên tại kỳ họp thứ 8 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra ngày 30-9. Đồng chủ trì kỳ họp có các ông, bà: Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun HBút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tham dự kỳ họp có các ông: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành cùng 64/71 đại biểu HĐND tỉnh.
Nhiều ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét, thảo luận để quyết định 9 nội dung do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình, trong đó có 2 nội dung liên quan đến công tác nhân sự và 7 nội dung liên quan đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc ban hành các nghị quyết này phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đều là những nội dung rất quan trọng, cấp bách để cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; đồng thời, phục vụ kịp thời việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do đó, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tích cực nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để các nghị quyết HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này có chất lượng, nhanh chóng được triển khai thực hiện; góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và người dân trong tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu khai mạc kỳ họp.
Trên cơ sở xem xét các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo nghị quyết. Đặc biệt, các đại biểu đã dành thời gian góp ý các dự thảo nghị quyết về việc phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Đa số đại biểu đều thống nhất cao đối với việc xây dựng và ban hành các nghị quyết vì đây là những vấn đề cấp bách, là cơ sở để các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện.
Đại biểu Phan Văn Trung-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro-cho rằng: Cán bộ và người dân rất phấn khởi khi được phân bổ vốn sự nghiệp để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, việc giao vốn trong thời gian ngắn, đến trước ngày 31-12 năm nay phải quyết toán xong nguồn vốn này là áp lực lớn đối với 17 huyện, thị xã, thành phố. Huyện Kông Chro được phân bổ 26 tỷ đồng cho 3 chương trình này với hàng loạt dự án, tiểu dự án thì làm sao trong vòng mấy tháng cuối năm triển khai thực hiện, quyết toán kịp, trong khi đó, các huyện phía Đông tỉnh đang là mùa mưa. Bên cạnh đó, vốn ngân sách đối ứng của các chương trình này cũng là một vấn đề nan giải của địa phương. Đối với địa phương, ngân sách huyện phải chi đối ứng cho các chương trình này khoảng 1,5-2 tỷ đồng nhưng nguồn dự trù ngân sách của huyện chỉ còn 1,4 tỷ đồng. Trong khi đó, huyện đã dành khoảng một nửa số kinh phí này để mua vắc xin cấp cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tiêm phòng bệnh cho đàn trâu, bò; những tháng cuối năm còn phục vụ cho công tác phòng-chống thiên tai nên rất khó cho địa phương để bố trí vốn đối ứng cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm nay. Qua đây, Bí thư Huyện ủy Kông Chro cũng như các đại biểu kiến nghị trong những năm tới, HĐND tỉnh cần sớm phân bổ nguồn vốn để các ngành, địa phương triển khai thực hiện, tránh phân bổ chậm như năm nay.
Những vấn đề các đại biểu nêu đã được lãnh đạo UBND tỉnh cùng một số sở, ngành giải trình, làm rõ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành thừa nhận một số sở, ngành triển khai công việc còn chậm và mong các đại biểu chia sẻ. Việc soạn thảo các nghị quyết phải có thời gian để lấy ý kiến các bên liên quan nên thời gian có kéo dài. Vấn đề vốn đối ứng cho các chương trình mục tiêu quốc gia thì không phải chương trình nào cũng phải bỏ tiền ra để đối ứng mà cần lồng ghép với chương trình khác. Chính vì vậy, các địa phương có các chương trình đã triển khai từ đầu năm thì tính toán để chuyển nguồn vốn vào đối ứng cho hợp lý; đồng thời, đề nghị các sở, ngành căn cứ vào các tiểu dự án để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.
Còn Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng thì thông tin: Qua thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh và các ý kiến của đại biểu, chúng tôi đã tiếp thu và tham mưu UBND tỉnh chỉnh sửa các nội dung. Còn vấn đề giao vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm nay tương đối chậm do nhiều nguyên nhân. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các đại biểu và sẽ khắc phục trong những năm tiếp theo.
Thông qua 7 nghị quyết quan trọng
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đánh giá cao ý kiến tham gia của các đại biểu cũng như phần giải trình làm rõ của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Tuy nhiên, nhằm tránh việc phân bổ vốn chậm như năm nay, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chủ động trình việc phân bổ vốn năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia vào kỳ họp cuối năm để các địa phương chủ động triển khai ngay từ đầu năm.
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua 7 nghị quyết quan trọng.
Sau 1 buổi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua 7 dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình tại kỳ họp gồm: thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất bổ sung thực hiện (đợt 2) trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh; phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2022; phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022; phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022; điều chỉnh dự toán chi đầu tư từ nguồn tiền sử dụng đất năm 2022 để phân bổ vốn cho các dự án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, kêu gọi đầu tư do tỉnh quản lý để hoàn ứng Quỹ phát triển đất (đã quá hạn) và dự kiến ghi thu, ghi chi dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương của tỉnh Gia Lai; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn ngân sách địa phương của tỉnh Gia Lai. Đây là những nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nêu rõ: Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp rất quan trọng, nhất là đối với 7 nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Do đó, đề nghị các cấp, ngành liên quan sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống người dân. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh kịp thời hoàn chỉnh các nghị quyết và thông báo kết quả kỳ họp để phổ biến nội dung các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua đến cử tri, người dân trong tỉnh. Cùng với đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố sớm triển khai, thực hiện các nghị quyết đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật, đặc biệt là 3 nghị quyết phân bổ vốn sự nghiệp năm 2022 cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Quang cảnh kỳ họp.
“Thời gian từ nay đến cuối năm 2022 không còn nhiều, với số vốn sự nghiệp được phân bổ khá lớn, do đó, đề nghị UBND tỉnh phải chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời triển khai thực hiện, nếu không sẽ không hoàn thành tiến độ thực hiện và giải ngân; phải tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện các dự án để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và kịp thời phê bình, kiểm điểm đối với những đơn vị, địa phương thực hiện không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Tôi đề nghị các ngành của tỉnh và các địa phương trách nhiệm phải cao, quyết tâm phải lớn, hành động phải thực sự quyết liệt mới hoàn thành được trách nhiệm chính trị này”-Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Đối với việc thực hiện các nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2022 và giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, thanh toán vốn, tránh tình trạng một số dự án dư vốn, trong khi dự án khác không có nguồn để thanh toán. Đồng thời, các ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường công tác giám sát các nghị quyết, cơ chế, chính sách đã ban hành; hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và vận động Nhân dân thực hiện tốt các nghị quyết đề ra.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc xác nhận kết quả bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đối với ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải. Đồng thời, biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về việc đồng ý cho ông Võ Ngọc Thành-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) vì lý do sức khỏe không đảm bảo.
Theo baogialai.com.vn