Sáng 30-7, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) tổ chức Kỳ họp thứ Hai mươi (chuyên đề). Kỳ họp đã xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh.
Ông Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai
phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ Hai mươi (chuyên đề).
Các ông, bà: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Tham dự kỳ họp còn có ông Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cùng lãnh đạo TP. Pleiku và huyện Kbang và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là cần thiết
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đã trình bày tóm tắt nội dung do UBND trình kỳ họp về chủ trương sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Gia Lai.
Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trình bày tóm tắt nội dung về chủ trương sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Gia Lai.
Theo đó, sau khi kiểm tra, rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn đơn vị hành chính về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện nghiên cứu sắp xếp giai đoạn 2023-2025 gồm: huyện Đak Pơ (do có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định); xã Tân Sơn của TP. Pleiku (do có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định) và xã Đak Hlơ của huyện Kbang (do có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định).
Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 là sắp xếp nguyên trạng xã Tân Sơn vào xã Biển Hồ để thành lập đơn vị hành chính mới, lấy tên xã Biển Hồ thuộc TP. Pleiku; điều chỉnh địa giới hành chính, chuyển làng Lợt thuộc xã Đak Hlơ vào xã Nghĩa An quản lý, phần còn lại của xã Đak Hlơ sắp xếp vào xã Kông Bơ La để thành lập đơn vị hành chính mới lấy tên xã Kông Bơ La thuộc huyện Kbang. Đồng thời, đề xuất xin chủ trương nhập huyện Đăk Pơ vào thị xã An Khê, giai đoạn sau năm 2030 để đảm bảo tiêu chí thị xã của đơn vị hành chính được sáp nhập.
Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh cũng thông tin: TP. Pleiku đã tổ chức lấy ý kiến cử tri của 2 xã Tân Sơn, Biển Hồ; trung bình tỷ lệ cử tri 2 xã đồng ý chiếm 96,81%/tổng số cử tri có trong danh sách. Huyện Kbang tổ chức lấy ý kiến cử 3 xã Kông Bơ La, Đak Hlơ và Nghĩa An; trung bình tỷ lệ cử tri 3 xã đồng ý chiếm tỷ 93,56%/tổng số cử tri có trong danh sách.
Hội đồng nhân dân các xã: Tân Sơn, Biển Hồ, Đak Hlơ, Nghĩa An, Kông Bơ La và HĐND TP. Pleiku, huyện Kbang cũng đã họp ban hành nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Các địa phương liên quan cũng đã có phương án cụ thể, chi tiết về sắp xếp lại bộ máy hệ thống chính trị cấp xã; bố trí cán bộ, công chức, viên chức dôi dư; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp.
“UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ Hai mươi (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh để UBND tỉnh triển khai, hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”-Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị.
Quang cảnh Kỳ họp thứ Hai mươi (chuyên đề) HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII.
Bà Nguyễn Thị Tường Linh-Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng báo cáo kết quả thẩm tra nội dung do UBND tỉnh trình kỳ họp. Theo đó, qua xem xét nội dung dự thảo Nghị quyết, Ban Pháp chế thống nhất chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã bởi việc sắp xếp xã Tân Sơn (TP. Pleiku) và xã Đak Hlơ (huyện Kbang) là cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh và yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; đồng thời, việc sắp xếp 2 xã này đã nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân, được HĐND 2 cấp ban hành nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp.
Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng cho rằng việc sắp xếp nguyên trạng huyện Đak Pơ vào thị xã An Khê vào thời điểm sau năm 2030 là phù hợp và cần thiết để giữ ổn định địa giới hành chính, tâm lý người dân, an ninh trật tự, tạo điều kiện cho thị xã An Khê và huyện Đak Pơ có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo.
“Vì vậy, Ban Pháp chế đề nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để chuyển sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện vào thời điểm sau năm 2030 và không đưa nội dung này vào dự thảo Nghị quyết”-bà Linh nêu ý kiến.
Thống nhất chủ trương, phương án sắp xếp
Trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận đối với nội dung dự thảo nghị quyết, làm cơ sở để HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Qua ý kiến, đa số các đại biểu đều thống nhất với tờ trình của UBND tỉnh và đề nghị vẫn đưa vào nghị quyết nội dung về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện sau năm 2030.
Đại biểu Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai-phát biểu ý kiến tại kỳ họp.
Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất thể thức, bố cục nội dung dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều. Trong đó, Điều 1, tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Gia Lai như sau: Khoản 1, nhập nguyên trạng xã Tân Sơn (có diện tích tự nhiên là 8,65 km², quy mô dân số là 6.355 người) vào xã Biển Hồ (có diện tích tự nhiên là 20,19 km², quy mô dân số là 10.379 người) để thành lập đơn vị hành chính mới, lấy tên gọi xã Biển Hồ; Khoản 2 là điều chỉnh địa giới hành chính, chuyển diện tích tự nhiên 6,217 km² với quy mô dân số 284 người của làng Lợt của xã Đak Hlơ vào xã Nghĩa An thuộc huyện Kbang (có diện tích tự nhiên là 35,40 km², quy mô dân số là 4.287 người); nhập phần còn lại của xã Đak Hlơ (diện tích tự nhiên 13,33 km², quy mô dân số 2.597 người) vào xã Kông Bơ La (diện tích tự nhiên 40,87 km², quy mô dân số 3.292 người) để thành lập đơn vị hành chính mới, lấy tên xã Kông Bơ La thuộc huyện Kbang.
Điều 2, HĐND tỉnh Gia Lai thống nhất chủ trương sắp xếp nguyên trạng huyện Đak Pơ vào thị xã An Khê sau năm 2030 và vẫn giữ nguyên thị xã An Khê. Đề nghị UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Điều 3, tổ chức thực hiện: UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Gia Lai.
Sau 1 buổi làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ Hai mươi (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XII đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Phát biểu kết luận kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ gửi các cơ quan Trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng theo quy định.
Theo baogialai.com.vn