Chiều 9-12, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiếp tục phiên thảo luận tại tổ. Với trách nhiệm cao trước Nhân dân tỉnh nhà, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ đối với những vấn đề cử tri quan tâm.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp.
Việc bao phủ vắc xin toàn dân trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thông tin: Năm 2022, tỉnh sẽ thực hiện cơ chế “sống chung” với dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả và chuyển sang trạng thái kiểm soát rủi ro. Muốn vậy, việc bao phủ vắc xin phòng dịch là rất quan trọng. Hiện nay, tỉnh đã tiêm mũi 1 đạt 100% và mũi 2 đạt trên 60%. Cùng với đó, tỉnh đang tập trung hoàn thành tiêm mũi 1 trong tháng 12 này và triển khai tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi; chuẩn bị tâm thế để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi và tiêm nhắc mũi 3. Và khi đạt được mục tiêu này, tin rằng các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh sẽ không còn khó khăn như năm 2021.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài cũng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm; doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động không ngừng tăng. Nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc thành lập doanh nghiệp được xem như biểu đồ phát triển của địa phương. Do đó, đề ra các giải pháp trọng tâm để phát triển doanh nghiệp trong năm 2022 là điều vô cùng cần thiết. Trên cơ sở dự báo ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn kéo dài, kế hoạch phát triển doanh nghiệp (đăng ký thành lập mới) năm 2022 của tỉnh được xây dựng là 950 doanh nghiệp (tăng 5,5% so với năm 2021).
Đại biểu Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp phát triển doanh nghiệp.
“Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, tạo môi trường thuận lợi cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cùng với đó, phối hợp với Cục Thuế tỉnh giao chỉ tiêu cho từng cán bộ thuế và các đội thuế địa bàn tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thành lập mới doanh nghiệp để khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương... Bên cạnh những giải pháp trên, để hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra, tôi nghĩ việc kiểm soát được dịch bệnh là điều kiện tiên quyết”-đại biểu Nguyễn Hữu Quế khẳng định.
Ngoài khó khăn do dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng nêu thêm thực trạng: Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với sản lượng xuất khẩu hàng năm khá lớn. Tuy nhiên, chủ yếu là xuất khẩu thô nên giá trị mang lại chưa cao. Vì vậy, tỉnh cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển cây trồng này, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn kiến nghị UBND tỉnh kịp thời tổ chức hội nghị chuyên đề đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi để thống nhất quy hoạch, quy trình, thủ tục về hồ sơ và giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nêu một số khó khăn của các doanh nghiệp gặp phải trong năm 2021
Thời gian qua, việc một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có các khoản thu không đúng quy định đã gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu Lê Thị Kiều Hạnh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê-cho rằng: Những khoản thu đó đôi khi xuất phát từ nhu cầu thực tế ở địa phương, trường học và cả phụ huynh, tuy nhiên vì không có trong quy định nên thành ra sai phạm. Chẳng hạn như tiền nước uống, vệ sinh, dịch vụ trông giữ xe, văn phòng phẩm phục vụ kiểm tra định kỳ, dịch vụ bán trú, dạy học tăng cường đối với môn học thuộc chương trình... Tôi đề xuất UBND tỉnh cần bổ sung thêm nội dung dự kiến trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 về phê duyệt mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí ở các cơ sở giáo dục công lập để HĐND tỉnh xem xét, thông qua và có thể kịp thời thực hiện ngay trong đầu năm học mới 2022-2023. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về giáo dục.
Một số giải pháp về phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng được đại biểu đưa ra bàn thảo tại các tổ. Đại biểu Huỳnh Quang Thái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy-nêu ý kiến: Trong năm, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xảy ra và lây lan nhanh ở các địa phương trong tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan triển khai có hiệu quả những giải pháp để xử lý, ngăn chặn. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cử tri, dù đã phát hiện nhưng khâu xử lý, ngăn chặn dịch còn chậm dẫn đến dịch bệnh lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đề nghị UBND tỉnh xác minh, làm rõ nội dung này để trả lời trước cử tri.
Đại biểu Huỳnh Quang Thái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tham gia thảo luận tại tổ.
Ngày 10-12, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh tiếp tục chương trình làm việc với các nội dung: Báo cáo kết quả thảo luận tổ, thảo luận chung tại hội trường, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Sau khi lãnh đạo UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Theo baogialai.com.vn