Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc và chỉ đạo Hội nghị Ảnh: Doãn Tấn
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh chủ trì Hội nghị.
Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương; các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Bí thư Ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương; Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Tây Nguyên; các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo của Bộ Chính trị về việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI). Để chuẩn bị cho công việc quan trọng này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Bộ phận thường trực giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết gồm Tổng bí thư, Thường trực Ban Bí thư và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Trưởng ban Dân vận Trung ương. Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế làm việc của Bộ phận Thường trực, quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, chế độ làm việc của Bộ phận Thường trực, trách nhiệm các thành viên Bộ phận Thường trực, Tổ giúp việc và các cơ quan chức năng. Bộ phận Thường trực đã xác định Chương trình làm việc năm 2012, trong đó nêu rõ trọng tâm công việc là chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời chỉ đạo việc chuẩn bị và triển khai các nội dung khác của Nghị quyết theo kế hoạch và tiến độ.
Tiếp đó, đến khâu tổ chức lấy ý kiến góp ý để chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Chính trị xác định rõ yêu cầu, nội dung cần góp ý là bám sát vào 3 nội dung cấp bách đã nêu trong Nghị quyết đối với tập thể và cá nhân cũng như cách thức và thời hạn góp ý kiến. Để bảo đảm chặt chẽ, Bộ Chính trị quy định rõ các văn bản góp ý cho cá nhân các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì gửi trực tiếp cho Tổng bí thư; văn bản góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì gửi về Bộ phận Thường trực. Đến ngày 21.6.2012, đã có 89 cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan Trung ương gửi văn bản góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 25 cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và 36 chi bộ nơi công tác, nơi cư trú góp ý cho cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Kết quả góp ý cho thấy, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân đã đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc, tập trung vào nội dung nghị quyết.
Về việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm theo trình tự: tập thể trước, kiểm điểm cá nhân sau; trong kiểm điểm cá nhân, Tổng bí thư kiểm điểm trước, sau đó lần lượt đến các Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH và Thường trực Ban Bí thư, tiếp đến là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác. Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong 4 ngày. Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân trong 12 ngày. Đợt 1 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21 đến 25.7, kiểm điểm tự phê bình và phê bình 4 lãnh đạo chủ chốt: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Đợt 2 diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 1 đến 7.8, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn lại. Nhìn chung, các bản tự kiểm điểm của cá nhân trình bày trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư được chuẩn bị kỹ, kiểm điểm nghiêm túc. Các ý kiến góp ý chân tình, thẳng thắn; các vấn đề được tổ chức Đảng và cá nhân góp ý với cá nhân các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được trình bày, phân tích góp ý. Kết luận phần kiểm điểm cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến một số Ủy viên Bộ Chính trị và báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 9 tới để có kết luận cụ thể.
Qua việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư, một số kinh nghiệm rút ra là: chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình, phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện rất nghiêm túc, cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ và khoa học với nhiều điểm nổi bật khác với kiểm điểm hàng năm, giữa nhiệm kỳ và các đợt kiểm điểm của các khóa gần đây. Trong kiểm điểm, nhìn chung, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu; không khí thảo luận thẳng thắn, góp ý dân chủ, đoàn kết, chân thành. Hầu hết các vấn đề nổi cộm, bức xúc được các tập thể và cá nhân góp ý với tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ. Qua kiểm điểm đã làm rõ hơn, sâu hơn ưu điểm, khuyết điểm và hạn chế của tập thể, các cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số vấn đề quan trọng, cấp bách về xây dựng Đảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các vụ việc Vinashin, Vinalines; về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XI và công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách...). Ngay trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực sự cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục ngay một số khuyết điểm đã rõ, không chờ tới khi tổ chức kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Sau kiểm điểm, Bộ Chính trị yêu cầu, từng cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục suy nghĩ, thật sự cầu thị, thành khẩn, tự nghiêm khắc với mình hơn nữa, bổ sung, hoàn thiện, nâng chất lượng bản tự kiểm điểm cá nhân của mình để báo cáo với Ban chấp hành Trung ương, làm gương cho cấp dưới và làm kinh nghiệm cho các khóa sau. Bộ Chính trị giao Bộ phận Thường trực giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua kiểm điểm để hoàn thiện Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bản giải trình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số vấn đề chung mà các tập thể, cá nhân góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẩn trương tiến hành thẩm tra, xác minh, làm rõ một số vấn đề mà Bộ Chính trị giao, bảo đảm thật khách quan, đúng nguyên tắc, nghiêm túc, kết luận rõ ràng và báo cáo Bộ Chính trị; đồng thời Bộ Chính trị sẽ nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện chủ trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin và về vụ việc Vinalines theo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị trong quá trình kiểm điểm. Bộ phận Thường trực giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị báo cáo trình Hội nghị Trung ương 6 về việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng. Chuẩn bị thông báo cho các cơ quan và cá nhân góp ý cho tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả đợt kiểm điểm này sau Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI). Phân công các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo các ban Đảng Trung ương đi dự, chỉ đạo và theo dõi kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp tỉnh và tương đương.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu 9 vấn đề phát triển thêm của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình này so với các đợt kiểm điểm trước. Tổng bí thư khẳng định, đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng để thực hiện một nội dung, một nhóm vấn đề của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng. Yêu cầu đặt ra với đợt kiểm điểm này là phải nói một cách khách quan, đúng mức cả ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót, những điều mong muốn mà chưa làm được; nếu có khuyết điểm thì nhận trách nhiệm rõ ở mức độ nào và ở đâu, chứ không nói chung chung. Là một đợt sinh hoạt chính trị nên có nhiều bước, nhiều nấc, có quan hệ chặt chẽ với nhau, không cắt khúc; làm việc nào, bước nào chắc bước ấy, không làm lướt, làm qua loa, chiếu lệ.
Không khí rất nghiêm túc, có lúc trang nghiêm, xúc động, thẳng thắn, chân thành, từng đồng chí thấy mình để tự điều chỉnh. Xung quanh công tác điều hành, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Tổng bí thư nêu rõ, đây là khâu quan trọng và được triển khai theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4: Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết; tổ chức bộ phận thường trực giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết (chứ không thành lập Ban chỉ đạo), Tổ giúp việc Bộ phận Thường trực; giữ kỷ luật nghiêm minh, xử lý đúng thẩm quyền, nguyên tắc. Kinh nghiệm cho thấy, trong điều hành phải tạo được không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, tin cậy, tập trung vào những vấn đề mấu chốt, khi cần thì gợi ý (gợi ý từ rộng đến hẹp để gút lại vấn đề) và cuối cùng phải đi đến kết luận. Tổng bí thư đề nghị, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phải quán triệt tinh thần và những kinh nghiệm nêu trên trong chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp tỉnh và tương đương.
Liên quan đến chú ý kết hợp việc tự phê bình và phê bình với việc sửa chữa ngay những khuyết điểm, thực hiện ngay những kết luận nếu đã chín; bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thường xuyên, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, không được xao nhãng. Thực tế tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thấy, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên như lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đối ngoại... vẫn được bảo đảm trong quá trình tiến hành kiểm điểm.
Tổng bí thư đã giải đáp những câu hỏi đại biểu nêu tại Hội nghị về quy trình, thủ tục, đối tượng, nội dung, thời gian... tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp tỉnh và tương đương. Tổng bí thư một lần nữa nhấn mạnh, trong kiểm điểm không phải cốt thi hành được nhiều kỷ luật mới thành công mà quan trọng là thấy khuyết điểm để sửa chữa; và trong trường hợp có khuyết điểm mà không thấy, không sửa thì phải thi hành kỷ luật.
Tổng bí thư kinh nghiệm cho thấy, trước hết phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này; từ đó có quyết tâm thật cao, niềm tin vào thắng lợi và có biện pháp tổ chức chỉ đạo chặt chẽ, tỷ mỷ. Nghị quyết Trung ương 4 được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, nhất trí cao, đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; toàn Đảng, toàn dân đang hy vọng, chờ đợi, nhưng cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng. Phê bình và tự phê bình là một giải pháp, nhưng là giải pháp rất quan trọng. Lần này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, làm từ cấp trên xuống nên phải làm chặt chẽ và thành công. Với Nghị quyết này, các thế lực xấu, thù địch cũng đang dòm ngó, theo dõi với dụng ý, động cơ khác, dễ kích động, dựng chuyện, bôi nhọ, chia rẽ nên phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo. Nếu chúng ta lần này làm không tốt - không chỉ ở Trung ương mà ngay cả cấp tỉnh, đảng ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương – thì nguy cơ lại tiếp tục giảm sút lòng tin vào Đảng. Đây là một sức ép, nhưng cũng là cơ hội lớn để chúng ta xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng thêm niềm tin vào Đảng, vào chế độ và chính quyền. Tuy nhiên, kiểm điểm tự phê bình và phê bình là công việc rất khó khăn, vì nó đòi hỏi phải phân tích, mổ xẻ ưu điểm, khuyết điểm của chính bản thân mình, tổ chức của mình. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh, không phải giữa người này với người kia mà là đấu tranh trong mỗi con người, giữa cái chính và cái tà, cái tốt và cái xấu, vì lợi ích tập thể và cá nhân. Như Bác Hồ đã dạy, chủ nghĩa cá nhân là thứ gian giảo, xảo quyệt, nó kéo người ta xuống dốc không phanh; nó bưng tai, bịt mắt người ta không thấy khuyết điểm. Kiểm điểm là công việc khó, nhưng không thể không làm. Tổng bí thư yêu cầu, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục bám sát nghị quyết, kế hoạch cũng như những kinh nghiệm chuẩn bị, tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân ở Trung ương để kịp thời điều chỉnh, bổ sung và chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở địa phương.
Với Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), Tổng bí thư nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào thời kỳ rất thiêng liêng và hệ trọng; đang làm những công việc rất thiêng liêng và hệ trọng. Thiêng liêng và hệ trọng không phải đối với bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng mà đối với toàn Đảng, toàn dân. Chúng ta có trách nhiệm rất lớn đối với đất nước, dân tộc, đối với Đảng. Chính vì thế, chúng ta phải phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm để làm tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân các cấp ủy cấp tỉnh và tương đương. Đã nói là phải làm và quyết tâm làm bằng được; nếu không làm được thì có lỗi với Đảng, với dân. Tổng bí thư khẳng định, toàn Đảng, toàn dân đang trông vào chúng ta; các thế lực thù địch cũng đang dò xét, theo dõi, lợi dụng để kích động, phá hoại chúng ta. Lúc này là lúc phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, vững vàng, thể hiện cho được những phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản, của người đảng viên cộng sản chân chính của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Với mong muốn như vậy, Tổng bí thư tin tưởng các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức tốt việc chuẩn bị và tiến hành thành công việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng.
Theo daibieunhandan.vn