> Chuyên mục > Hội đồng nhân dân > Thường trực HĐND tỉnh > Để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thực sự là diễn đàn dân chủ của HĐND

Để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thực sự là diễn đàn dân chủ của HĐND

28/10/2011
Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những hoạt động giám sát quan trọng, trực tiếp nhất trong mỗi kỳ họp HĐND, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri; đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền nhà nước trước HĐND, cử tri và nhân dân. Chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND được quy định tại điều 61 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 “Đại biểu HĐND ghi rõ nội dung chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu và gửi đến Thường trực HĐND. Thường trực HĐND chuyển chất vấn đến người bị chất vấn và tổng hợp các chất vấn để báo cáo HĐND”. Thực tế tại mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian dành cho hoạt động chất vấn chiếm khoảng 30% thời gian diễn ra kỳ họp; nội dung các câu hỏi chất vấn khá sát với thực tế và là những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm nên phản ánh được nguyện vọng của nhân dân. Về cơ bản, đại diện các cơ quan chức năng đã thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải trình, tiếp thu, giải quyết các vấn đề đại biểu, cử tri đặt ra. Nhiều ý kiến chất vấn đã được giải đáp thẳng thắn trên tinh thần cầu thị, không né tránh; không ít lời hứa trên diễn đàn kỳ họp đã được tổ chức thực hiện, tạo niềm tin cho cử tri, góp phần nâng cao vị thế của HĐND và các đại biểu dân cử. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã tạo nên không khí sôi động, dân chủ và trách nhiệm tại các kỳ họp HĐND tỉnh.
Tuy nhiên trong hoạt động này vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Về phía đại biểu vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, nhiều câu chất vấn còn mang tính hỏi để biết, hỏi dài, chưa đi vào trọng tâm cần hỏi và chưa đeo bám đến cùng để được giải đáp thỏa đáng ngay tại kỳ họp. Việc chuẩn bị câu hỏi chất vấn chủ yếu vẫn do các đại biểu chuyên trách và Văn phòng tổng hợp, chưa có nhiều đại biểu HĐND tham gia nên chưa tạo được không khí thảo luận dân chủ trong kỳ họp. Một số thủ trưởng cơ quan hữu quan trả lời còn chung chung, sa vào kể thành tích. Tuy có “hứa” nhưng vẫn còn tình trạng “hứa” rồi để đấy, chậm hoặc không thực hiện. Có thủ trưởng cơ quan còn giao cho cấp phó trả lời phần việc thuộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan phải trả lời nghiêm túc trước HĐND, trước cử tri và nhân dân...
Để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thực sự là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương, vai trò của đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của lãnh đạo ngành hữu quan đối với những vấn đề cử tri quan tâm, trước tiên mỗi đại biểu phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu HĐND. Thường xuyên nâng cao kiến thức, năng lực thực tiễn, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, tích cực nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận, thực hiện tốt quyền chất vấn tại các kỳ họp. Trong phiên chất vấn, đại biểu HĐND phải thể hiện là người am hiểu, có bản lĩnh, tích cực đeo bám đến cùng vấn đề đã đặt ra.
Vai trò điều hành của chủ tọa kỳ họp hết sức quan trọng. Công tác điều hành vừa phải chặt chẽ theo chương trình làm việc đã được thông qua nhưng cần linh hoạt, sáng tạo, nhất là trong phiên chất vấn. Chủ tọa cần gợi ý những nội dung trọng tâm, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để đại biểu tập trung làm rõ; phát huy dân chủ, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn để đại biểu tích cực tham gia chất vấn. Trong mỗi vấn đề đặt ra, chủ tọa có thể đề nghị người chất vấn đưa ra các thông tin, số liệu cụ thể chứng minh cho lập luận của mình; đồng thời yêu cầu người trả lời tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, nhất là đưa ra các giải pháp khắc phục rõ ràng, có lộ trình thực hiện cụ thể để đại biểu, cử tri giám sát. Trường hợp cần thiết, chủ tọa có thể yêu cầu làm rõ đến cùng hoặc đề nghị dừng lại nếu thấy vấn đề chưa rõ và khó đạt được sự thống nhất để các bên tiếp tục nghiên cứu và báo cáo lại Thường trực HĐND sau kỳ họp. Sau mỗi phần chất vấn, chủ tọa cần đánh giá và nêu rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân xung quanh nội dung chất vấn. Kết luận phiên chất vấn cần ngắn gọn, nhận xét tóm tắt những nội dung đạt được và chưa được, nhất là nhấn mạnh yêu cầu trách nhiệm của cơ quan hữu quan.
Về nội dung chất vấn, cần tập trung vào những vấn đề đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm, có tính thời sự, bức xúc, có tính khái quát và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KT-XH ở địa phương. Nội dung phải mang tính phản biện cao và những nội dung phức tạp cần được thảo luận rộng rãi. Trên cơ sở đó, Chủ tọa kỳ họp chọn lựa các nhóm vấn đề tiêu biểu liên quan đến công tác quy hoạch - xây dựng - đô thị, đầu tư - phát triển, tài nguyên - môi trường, lao động - việc làm... để chỉ định các sở, ngành, UBND tỉnh trả lời. Trên cơ sở đó, đại biểu tiếp tục truy vấn để làm rõ hơn ngay tại kỳ họp.
Thực tế cho thấy, thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp còn ít, chưa đáp ứng được mong đợi của đại biểu và cử tri. Vì vậy cần dành thời gian thỏa đáng cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của các cơ quan thông tin đại chúng để phát huy trách nhiệm của cả người hỏi và người trả lời. Đặc biệt, hoạt động chất vấn sẽ phát huy tác dụng khi những vấn đề hậu chất vấn được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, thỏa đáng và đúng luật. Do đó tại các phiên chất vấn, thư ký kỳ họp cần ghi chép, tổng hợp những lời hứa của UBND và lãnh đạo các sở, ngành hữu quan về nội dung, tiến độ thực hiện, giải pháp khắc phục... để HĐND theo dõi, đánh giá và có thể tiếp tục tái chất vấn vào kỳ họp tiếp theo. Sau đó Thường trực tổ chức hoặc phân công các ban HĐND theo dõi, đôn đốc, cần thiết có thể tổ chức giám sát việc thực hiện lời hứa của UBND và các cơ quan chuyên môn; thông báo kết quả cho người chất vấn và báo cáo với HĐND kết quả thực hiện lời hứa đó để vấn đề đặt ra được giải quyết kịp thời và thấu đáo.
Theo daibieunhandan.vn

Để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thực sự là diễn đàn dân chủ của HĐND

28/10/2011
Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những hoạt động giám sát quan trọng, trực tiếp nhất trong mỗi kỳ họp HĐND, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri; đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền nhà nước trước HĐND, cử tri và nhân dân. Chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND được quy định tại điều 61 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 “Đại biểu HĐND ghi rõ nội dung chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu và gửi đến Thường trực HĐND. Thường trực HĐND chuyển chất vấn đến người bị chất vấn và tổng hợp các chất vấn để báo cáo HĐND”. Thực tế tại mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian dành cho hoạt động chất vấn chiếm khoảng 30% thời gian diễn ra kỳ họp; nội dung các câu hỏi chất vấn khá sát với thực tế và là những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm nên phản ánh được nguyện vọng của nhân dân. Về cơ bản, đại diện các cơ quan chức năng đã thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải trình, tiếp thu, giải quyết các vấn đề đại biểu, cử tri đặt ra. Nhiều ý kiến chất vấn đã được giải đáp thẳng thắn trên tinh thần cầu thị, không né tránh; không ít lời hứa trên diễn đàn kỳ họp đã được tổ chức thực hiện, tạo niềm tin cho cử tri, góp phần nâng cao vị thế của HĐND và các đại biểu dân cử. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã tạo nên không khí sôi động, dân chủ và trách nhiệm tại các kỳ họp HĐND tỉnh.
Tuy nhiên trong hoạt động này vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Về phía đại biểu vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, nhiều câu chất vấn còn mang tính hỏi để biết, hỏi dài, chưa đi vào trọng tâm cần hỏi và chưa đeo bám đến cùng để được giải đáp thỏa đáng ngay tại kỳ họp. Việc chuẩn bị câu hỏi chất vấn chủ yếu vẫn do các đại biểu chuyên trách và Văn phòng tổng hợp, chưa có nhiều đại biểu HĐND tham gia nên chưa tạo được không khí thảo luận dân chủ trong kỳ họp. Một số thủ trưởng cơ quan hữu quan trả lời còn chung chung, sa vào kể thành tích. Tuy có “hứa” nhưng vẫn còn tình trạng “hứa” rồi để đấy, chậm hoặc không thực hiện. Có thủ trưởng cơ quan còn giao cho cấp phó trả lời phần việc thuộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan phải trả lời nghiêm túc trước HĐND, trước cử tri và nhân dân...
Để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thực sự là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương, vai trò của đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của lãnh đạo ngành hữu quan đối với những vấn đề cử tri quan tâm, trước tiên mỗi đại biểu phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu HĐND. Thường xuyên nâng cao kiến thức, năng lực thực tiễn, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, tích cực nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận, thực hiện tốt quyền chất vấn tại các kỳ họp. Trong phiên chất vấn, đại biểu HĐND phải thể hiện là người am hiểu, có bản lĩnh, tích cực đeo bám đến cùng vấn đề đã đặt ra.
Vai trò điều hành của chủ tọa kỳ họp hết sức quan trọng. Công tác điều hành vừa phải chặt chẽ theo chương trình làm việc đã được thông qua nhưng cần linh hoạt, sáng tạo, nhất là trong phiên chất vấn. Chủ tọa cần gợi ý những nội dung trọng tâm, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để đại biểu tập trung làm rõ; phát huy dân chủ, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn để đại biểu tích cực tham gia chất vấn. Trong mỗi vấn đề đặt ra, chủ tọa có thể đề nghị người chất vấn đưa ra các thông tin, số liệu cụ thể chứng minh cho lập luận của mình; đồng thời yêu cầu người trả lời tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, nhất là đưa ra các giải pháp khắc phục rõ ràng, có lộ trình thực hiện cụ thể để đại biểu, cử tri giám sát. Trường hợp cần thiết, chủ tọa có thể yêu cầu làm rõ đến cùng hoặc đề nghị dừng lại nếu thấy vấn đề chưa rõ và khó đạt được sự thống nhất để các bên tiếp tục nghiên cứu và báo cáo lại Thường trực HĐND sau kỳ họp. Sau mỗi phần chất vấn, chủ tọa cần đánh giá và nêu rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân xung quanh nội dung chất vấn. Kết luận phiên chất vấn cần ngắn gọn, nhận xét tóm tắt những nội dung đạt được và chưa được, nhất là nhấn mạnh yêu cầu trách nhiệm của cơ quan hữu quan.
Về nội dung chất vấn, cần tập trung vào những vấn đề đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm, có tính thời sự, bức xúc, có tính khái quát và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KT-XH ở địa phương. Nội dung phải mang tính phản biện cao và những nội dung phức tạp cần được thảo luận rộng rãi. Trên cơ sở đó, Chủ tọa kỳ họp chọn lựa các nhóm vấn đề tiêu biểu liên quan đến công tác quy hoạch - xây dựng - đô thị, đầu tư - phát triển, tài nguyên - môi trường, lao động - việc làm... để chỉ định các sở, ngành, UBND tỉnh trả lời. Trên cơ sở đó, đại biểu tiếp tục truy vấn để làm rõ hơn ngay tại kỳ họp.
Thực tế cho thấy, thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp còn ít, chưa đáp ứng được mong đợi của đại biểu và cử tri. Vì vậy cần dành thời gian thỏa đáng cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của các cơ quan thông tin đại chúng để phát huy trách nhiệm của cả người hỏi và người trả lời. Đặc biệt, hoạt động chất vấn sẽ phát huy tác dụng khi những vấn đề hậu chất vấn được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, thỏa đáng và đúng luật. Do đó tại các phiên chất vấn, thư ký kỳ họp cần ghi chép, tổng hợp những lời hứa của UBND và lãnh đạo các sở, ngành hữu quan về nội dung, tiến độ thực hiện, giải pháp khắc phục... để HĐND theo dõi, đánh giá và có thể tiếp tục tái chất vấn vào kỳ họp tiếp theo. Sau đó Thường trực tổ chức hoặc phân công các ban HĐND theo dõi, đôn đốc, cần thiết có thể tổ chức giám sát việc thực hiện lời hứa của UBND và các cơ quan chuyên môn; thông báo kết quả cho người chất vấn và báo cáo với HĐND kết quả thực hiện lời hứa đó để vấn đề đặt ra được giải quyết kịp thời và thấu đáo.
Theo daibieunhandan.vn