Các Giáo sư cho rằng, với mỗi con người phải xác định được việc học là việc thiết thân, sống còn…
Trong nhiều thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam có những bước phát triển, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Trong những năm qua, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như đổi mới phương pháp dạy và học, sử dụng thiết bị dạy học hiện đại, ban hành nhiều chính sách chăm lo đội ngũ giáo viên… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nền giáo dục nước nhà đã và đang bộc lộ nhiều bất cập.
“Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn dân tộc Việt Nam đều tha thiết mong muốn làm sao đưa nền giáo dục nước nhà ra khỏi tình trạng yếu kém, bất cập hiện nay, để con em Việt Nam được học tập, rèn luyện trở thành chủ nhân của đất nước, có văn hóa, đạo đức, kiến thức, kỹ năng, sống có ích cho gia đình và xã hội. Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, phát huy trí tuệ, nâng cao kỹ năng cho người lao động hiệu quả nhất sẽ tạo động lực mới phát triển đất nước nhanh và bền vững”- Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh tại Hội nghị bàn tròn “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay (31/7), tại Hà Nội.
Việc học là việc thiết thân, sống còn
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nên rõ “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”. Công công đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục hiện nay đang là một vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay là một vấn đề quá lớn và phức tạp, không thể áp dụng trong một thời gian ngắn mà có thể phải hàng thập kỷ, không chỉ do riêng ngành giáo dục thực hiện mà là việc chung của toàn xã hội, phải được cả xã hội hưởng ứng và phải có được môi trường xã hội lành mạnh.
|
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục |
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cho rằng, nét đặc trưng cơ bản của giáo dục nhà trường hiện đại là tạo ra sự phát triển tinh thần cho từng cá nhân, tương ứng với sự phát triển sức lao động cá nhân. Giáo dục nhà tường hiện đại trở thành một nhân tố hữu cơ làm nên cuộc sống cá nhân hiện đại cho cả 100% dân cư. Do đó nó phải rất thực và vững chắc, không thể có sự may rủi.
Bậc tiểu học là một đoạn cắt ra từ dòng phát triển tự nhiên của trẻ em hiện đại, theo nhu cầu sức lao động mà cá nhân cần có để sống bình thường. “Việc học đối với con người là việc thiết thân, sống còn, đừng phủ lên nó những ảo tưởng mơ hồ, những thua được sấp ngửa trong phòng thi, những trò chơi trí tuệ trong cuộc sống”.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại đề nghị, hệ thống giáo dục phổ thông nên là 11 năm, trong đó có 6 năm dành cho bậc tiểu học, 3 năm cho Trung học cơ sở và 2 năm cho THPT.
Vì sao bậc học tiểu học lại dành tới 6 năm? Lý giải điều này, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, giữ trẻ 12 năm trong vòng tay gia đình và nhà trường thì an toàn hơn thả trẻ sớm 1 năm, nghĩa là 11 năm như hiện nay.
Còn 3 năm Trung học cơ sở bởi vì chỉ cần bổ sung vào tiểu học một số tri thức và kỹ năng cơ bản cần cho sức lao động phổ biến, chiếm tuyệt đại đa số trong nền sản xuất hiện nay. Còn chỉ cần học thêm 2 năm PTTH cho ai muốn học lên cao nữa, hay vào Đại học, Cao đẳng. “17 tuổi ra khỏi trường phổ thông là vừa. Nán lại thêm 1 năm là thừa, tốn kém, có thể lại có hại về mặt tâm lý đối với thanh niên hiện đại”- GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Học thêm sẽ làm học sinh trở nên thụ động
Trăn trở nhiều về vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay, Giáo sư Hoàng Xuân Sính, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Thăng Long cho biết, bà đã hỏi rất nhiều giáo viên phổ thông, họ cho biết là năm lớp 12, để luyện thi vào Đại học thì có đến 99% học sinh ở Hà Nội học thêm. Giá học thêm cho mỗi học sinh trung bình từ 5-10 triệu đồng/tháng. “Tôi có giúp đỡ một gia đình nghèo ở Hà Nội, tôi khẳng định gia đình nghèo nhất cũng trả đến 500.000 đồng học thêm mỗi tháng cho con. Dù chỉ bằng 1/10 so với con nhà trung lưu, nhưng vẫn phải mất tiền. Tôi chưa tìm thấy gia đình nào ở Hà Nội không cho con đi học thêm”.
|
Giáo sư Hoàng Xuân Sính |
GS Sính cũng cho rằng, ở Hà Nội, để học tiếng Anh, nhiều gia đình đã cho con học ở Hội đồng Anh từ Trung học cơ sở, mỗi buổi 2 giờ phải trả 480.000 đồng, 1 lớp học có 15 học sinh. Như vậy mỗi tháng phải chi phí gần 2 triệu đồng, đó là chưa kể các môn khác. Nếu chịu khó làm một nghiên cứu về việc học thêm của học sinh Hà Nội, sẽ thấy con số lớn đến chừng nào. Nếu mỗi gia đình không cho con học thêm một cách nhiều như vậy, để dành tiền cho con học Đại học thì ngân sách Đại học có thể tăng lên rất nhiều vì có thể tăng học phí ở các trường Đại học công cũng như tư. “Mọi người có thể đưa ra một nghìn lẻ một lẽ để biện minh cho việc học thêm, thì tôi cũng có thể kể từng ấy tệ hại mà học thêm gây ra cho học sinh. Trước hết, điều đáng sợ nhất là học sinh trở nên thụ động, không biết làm gì cả, ngoài việc ngồi ghế nhà trường, nghe và học thuộc lòng và tối về lại lăn ra ngủ vì quá mệt”- GS Hoàng Xuân Sính cho biết.
Phải tạo ra nguồn nhân lực mang nhân cách của người Việt Nam
GS Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước trăn trở, “tại sao đất nước chúng ta chậm đổi mới, lại có vẻ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực hiện nay. Số học sinh ra trường ngày một đông, số Thạc sĩ, Tiến sĩ ngày càng nhiều, nhưng tại sao lại có tình trạng trên. Tác động của giáo dục và đào tạo đối với vấn đề này như thế nào và chúng ta phải chăng đang lãng phí rất lớn một nguồn lực đối với giáo dục vào đào tạo?”.
Phó Chủ tịch nước cho rằng, nên tiếp cận vấn đề này ở góc độ tư duy về giáo dục và đào tạo. Hiện nay, tư duy về giáo dục và đào tạo tuy đã có đầy đủ chủ trương, Nghị quyết để phát triển về giáo dục trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng thực chất chúng ta chưa định hướng được vai trò của nó, bởi nếu tư duy chung cho sự phát triển của đất nước thì nguồn lực nào và ai là người tạo ra giá trị gia tăng.
“Mà có giá trị gia tăng thì đất nước mới phát triển được. Phải xác định tạo ra giá trị gia tăng bằng lao động thủ công, bằng cơ bắp, bằng khai thác khoáng sản, hay hợp tác với nước ngoài?. Chúng ta phải thấy rằng, cách mà các nước xung quanh tạo ra giá trị gia tăng nhanh nhất, bền vững nhất đó là vấn đề tập trung cho giáo dục đào tạo. Phải xuất phát từ tư duy mới thấy rõ được vai trò của giáo dục đào tạo để đào tạo ra nguồn nhân lực tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội”- Phó Chủ tịch nước nói.
Phó Chủ tịch nước nêu câu hỏi “Từ trước đến giờ chúng ta xác định đổi mới tư duy như thế nào?”. Việc đổi mới tư duy phải xác định mục tiêu của các cấp học, bậc học để xem hiện nay nó đang khiếm khuyết gì để sửa. “Chẳng hạn để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thì đầu tiên nguồn chất lượng này phải có nhân cách của con người Việt Nam, sau đó là trình độ chuyên môn tốt. Vậy nhân cách của con người Việt Nam này hình thành từ đâu, đó là từ bậc tiểu học. Từ nhân cách này sẽ chi phối toàn bộ quá trình sau này của con người”./.
Minh Hòa/VOV online