Trước yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như yêu cầu kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tại Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị; Cơ quan điều tra - Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cơ quan điều tra - Công an và Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai (viết tắt: Công an, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp) cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giải quyết, kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, không để xảy ra tình trạng oan sai và bỏ lọt tội phạm, từ đó nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng hệ thống tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm và tiếp nhận, giải quyết, kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm và giải quyết các trường hợp tạm đình chỉ điều tra trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Công an, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã quyết liệt, tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết và kiểm sát tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết các trường hợp tạm đình chỉ điều tra đảm bảo theo quy định của pháp luật. Lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tiếp nhận, giải quyết, kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ngày càng được củng cố, kiện toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ được Công an và Viện kiểm sát nhân dân thường xuyên quan tâm, triển khai thực hiện. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong quá trình tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đảm bảo kịp thời, chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Theo báo cáo giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, trong giai đoạn 2022-2024 (tính đến tháng 3/2024), tỷ lệ giải quyết tin báo tội phạm đạt và vượt so với chỉ tiêu do Quốc hội và ngành đề ra (Công an: Tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm vượt so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra: Năm 2022 đạt 90,57%, năm 2023 đạt 91,12%; Viện kiểm sát nhân dân: Kết quả công tác bảo đảm 5.983 nguồn tin về tội phạm mà CQĐT đã thụ lý được kiểm sát, đạt 100% chỉ tiêu theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội; kết quả giải quyết đến tháng 3/2024 đã giải quyết được 5.661/5.983 nguồn tin về tội phạm, đạt 95% tổng số nguồn tin tội phạm đã thụ lý), chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, ngày càng được nâng lên rõ nét; công tác kiểm sát, phục hồi, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ được quan tâm chỉ đạo, thực hiện, không để xảy ra tình trạng oan sai và bỏ lọt tội phạm. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, củng cố niềm tin của Nhân dân vào các cơ quan tư pháp.
Trong giai đoạn 2022-2024 (tính đến tháng 3/2024), Cơ quan điều tra - Công an hai cấp đã tiếp nhận, phân loại, giải quyết được 5.983 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Trong đó, cấp tỉnh: 548 tin, cấp huyện: 5.435 tin). Kết quả đã khởi tố vụ án hình sự: 3.251 tin; không khởi tố: 1.826 tin; tạm đình chỉ để xác minh: 584 tin; đang xác minh: 322 tin. Cơ bản các quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an hai cấp đều được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đồng ý, chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Đồng thời, cũng cùng với thời gian này, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý kiểm sát 5.661/5.983 tin do Cơ quan điều tra - Công an hai cấp tiếp nhận, thụ lý, giải quyết (cấp tỉnh: 548 tin, cấp huyện: 5.435 tin). Trong đó: Khởi tố vụ án: 3.251 tin; không khởi tố vụ án: 1.826 tin; tạm đình chỉ giải quyết: 584 tin; hiện đang giải quyết: 322 tin.
Trong kỳ báo cáo, tổng số vụ án tạm đình chỉ điều tra 626 vụ án, tập trung chủ yếu là án lừa đảo qua mạng tăng đột biến, không xác định được đối tượng thực hiện hành vi vì các đối tượng đều sử dụng máy chủ ở nước ngoài để thực hiện hành vi lừa đảo trong khi Việt Nam chưa có nhiều các thỏa thuận tương trợ tư pháp về điều tra, xác minh, xử lý tội phạm ở nước ngoài nên khi hết thời hạn điều tra phải tiến hành tạm đình chỉ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự. Số vụ án phục hồi: 163/626 vụ án, đạt tỷ lệ 26,03% so với tổng số vụ án tạm đình chỉ. Quá trình giải quyết đối với các vụ án đang tạm đình chỉ, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra Công an cùng cấp. Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao chất lượng công tác quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ, qua đó kịp thời tháo gỡ các tồn tại, hạn chế và khó khăn trong quá trình phối hợp công tác kiểm sát giữa Công an - Viện kiểm sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc quản lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tiếp nhận, phân loại, giải quyết, kiểm sát tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết các trường hợp tạm đình chỉ điều tra trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, bật cập nhất định như:
- Trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố: Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn còn phát hiện một số Cơ quan điều tra Công an cấp huyện còn để xảy ra những vi phạm (như: Không có tài liệu thể hiện việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, vi phạm Điều 5 Thông tư số 28/2020; không thông báo kết quả tiếp nhận nguồn tin về tội phạm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết, vi phạm khoản 1 Điều 14 Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017 của liên ngành Trung ương; vi phạm thời hạn phân công kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm tại khoản 1 Điều 9 TTLT số 01/2017; điều tra viên khi xây dựng Kế hoạch kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm không đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 28/2020; quá trình kiểm tra, xác minh một số văn bản tố tụng sử dụng không đúng mẫu quy định tại Thông tư 119/2021/TT-BCA; cán bộ lập biên bản ghi lời khai xác định sai tư cách người tham gia tố tụng).
- Trong việc kiểm sát, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ điều tra: Mặc dù, Cơ quan điều tra Công an và Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã tiến hành các biện pháp điều tra, nghiệp vụ, phối hợp với các cơ quan có liên quan để xác định bị can, thu thập chứng cứ làm rõ đối tượng gây án,… nhưng vẫn chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, dẫn đến số vụ án phục hồi đạt tỷ lệ thấp (đạt 26,03%) so với tổng số vụ án tạm đình chỉ chưa được phục hồi (chiếm tỷ lệ 73,97%). Số vụ án tạm đình chỉ chưa xác định đối tượng còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ án tạm đình chỉ. Quá trình giải quyết còn để xảy ra một số vi phạm (như: Sau khi tạm đình chỉ, Điều tra viên không tích cực thu thập tài liệu để làm căn cứ phục hồi giải quyết tin báo, chưa xây dựng kế hoạch kiểm tra xác minh nguồn tin sau khi tạm đình chỉ; vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhưng chưa tiến hành khởi tố vụ án để điều tra, vi phạm Điều 143, Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều tra viên chưa tiến hành triệt để các biện pháp điều tra để thu thập tài liệu, chứng cứ; không có Biên bản đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa Điều tra viên với kiểm sát viên, trước khi tạm đình chỉ không có chữ ký của Kiểm sát viên…); Hồ sơ một số vụ án tạm đình chỉ do cán bộ thụ lý đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác không bàn giao, dẫn đến thất lạc hồ sơ; hệ thống sổ sách theo dõi qua nhiều thời kỳ chưa đồng bộ, cập nhật thông tin chưa đầy đủ nên việc rà soát, thống kê gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân các tồn tại, hạn chế nêu trên, chủ yếu do một số quy định của pháp luật liên quan đến việc thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa phù hợp với tình hình thực tiễn hoặc chưa có hướng dẫn trả lời cụ thể của Bộ, ngành, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết tin báo hoặc phải gia hạn thời hạn, kéo dài thời gian giải quyết để thực hiện công tác xác minh, thu thập tài liệu; một số tố giác, tin báo về tội phạm phải tạm đình chỉ giải quyết do chưa đủ căn cứ để khởi tố; người có liên quan không có mặt tại địa phương; chưa có kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, sao kê tài khoản ngân hàng, thông tin lưu trữ cuộc gọi, tin nhắn liên lạc... của các cơ quan có liên quan; số lượng án tạm đình chỉ tăng, chủ yếu tập trung các vụ án lừa đảo tài sản qua không gian mạng vì không xác định được đối tượng thực hiện hành vi. Công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố của một số điều tra viên, nhất là điều tra viên bố trí Công an cấp xã còn hạn chế. Hiện nay chưa có chế tài, quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức trong công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nên trách nhiệm cung cấp tài liệu, dữ liệu phục vụ hoạt động điều tra của một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa kịp thời, chặt chẽ, dẫn đến một số vụ án, vụ việc phải kéo dài thời gian xác minh vụ việc hoặc phải tạm đình chỉ giải quyết do chưa có kết quả trả lời của các cơ quan, tổ chức liên quan; năng lực, trình độ của một số cán bộ điều tra, kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu.
Để làm tốt hơn nữa công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và giải quyết các trường hợp tạm đình chỉ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, xin nêu lên một số giải pháp sau:
Một là, liên ngành Trung ương Cơ quan điều tra, Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần ban hành hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan trung ương liên quan (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông) trong việc xây dựng quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp và cung cấp thông tin của các ngân hàng, các công ty viễn thông hoặc các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và các vụ án hình sự. Trong đó cần quy định về thời hạn cung cấp thông tin; các biện pháp, chế tài xử lý trong trường hợp chậm trả lời hoặc không trả lời các yêu cầu, đề nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng; có quy định thống nhất về mốc thời điểm phân loại, rà soát và quản lý các vụ án tạm đình chỉ giữa các ngành cũng như có biểu mẫu phụ lục báo cáo để thuận tiện cho công tác phối hợp thống kê rà soát, phân loại, xử lý các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ và báo cáo kết quả theo định kỳ hàng tuần, tháng, 06 tháng, 01 năm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Hai là, chính quyền các cấp cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh một cách thiết thực, hiệu quả; phổ biến kịp thời các văn bản luật mới ban hành; đổi mới, đa dạng các hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đội ngũ công chức, viên chức và Nhân dân trong công tác tố giác tội phạm.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Tiếp tục quán triệt đến cán bộ, Điều tra viên thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 04/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, chức vụ, kinh tế.
Tiếp tục có kế hoạch kiểm tra, xác minh đối với các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ các vụ án tạm đình chỉ (nếu đủ yếu tố) sớm phục hồi giải quyết và kết thúc hồ sơ theo quy định. Trường hợp qua rà soát, hồ sơ đã thất lạc, không đủ cơ sở để tiếp tục phục hồi giải quyết, kịp thời có văn bản thỉnh thị cấp trên để giải quyết, kết thúc hồ sơ, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Bốn là, phải xem việc bố trí cán bộ là công tác then chốt, vì con người là tất cả của mọi vấn đề; công tác bố trí cán bộ phải có tính ổn định lâu dài, có chính sách đào tạo điều tra viên, kiểm sát viên theo hướng trở thành chuyên gia giỏi. Điều tra viên, Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết phải là người có tâm huyết, trách nhiệm với công việc được giao; có đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên học hỏi nâng cao kiến thức nghiệp vụ và tuân thủ quy định của pháp luật.
Năm là, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thực hiện tốt thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nâng cao chất lượng kiểm sát từ khâu tiếp nhận đến xác minh, giải quyết và quyết định giải quyết của cơ quan điều tra; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra cùng cấp và các cơ quan liên ngành trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố bảo đảm đúng thời hạn, đúng quy định; kịp thời phát hiện và ban hành các kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, vi phạm của các cơ quan liên quan. Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin tội phạm, nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới; chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân để tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo đúng quy định pháp luật.
Sáu là, tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong tình hình mới./.
Trà Giang