Với mỗi người dân sinh sống trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng hôm nay, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi.
61 mùa xuân đã trôi qua, ngày 7/5/1954 quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Chiến thắng đó có sự chỉ huy tài tình, sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dẫu Đại tướng đã đi xa, nhưng những tình cảm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trào dâng trong lòng những người cựu chiến binh và nhân dân các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất lịch sử này.
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cựu chiến binh Phạm Bá Miều ở tổ dân phố 16, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ vẫn còn nhớ rất rõ những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó ông tham gia chiến dịch với chức vụ Tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Trung đoàn của ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1, nơi Sở chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp.
Đêm 6/5/1954, quân ta kích nổ khối bộc phá, tiêu diệt gần một đại đội của địch. Lúc này số quân địch còn lại chống cự rất yếu ớt, thừa thắng Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 chỉ trong vài tiếng đồng hồ, góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tự hào là chiến sỹ Điện Biên năm xưa, ông Miều không dấu được sự xúc động, nghẹn ngào khi nhắc lại kỷ niệm lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mặc dù đã cách đây hơn 60 năm, nhưng kỷ niệm đó vẫn in đậm trong tâm khảm ông, đặc biệt trong thời điểm kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Sau khi hoàn thành giải phóng, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ngay đầu cầu Mường Thanh. Đại tướng đi trước, có mấy người bảo vệ đi sau. Tôi có hỏi tiểu đoàn trưởng là ai đấy và lúc đó mới biết là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì trước đó tôi cũng chưa được gặp ông. Ông ra kiểm tra chiến trường sau chiến thắng Điện Biên Phủ và cho chúng tôi thu dọn chiến trường”.
Còn với bà Quách Thị Thành ở tổ dân phố 13, phường Mường Thanh, cũng đã hơn 80 tuổi nhưng ký ức về Đại tướng không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Chồng bà vốn là người lính cùng chiến đấu với Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này chuyển ngành về làm tại nhà khách Điện Biên.
Trong những lần Đại tướng lên Điện Biên ông đều là người trực tiếp phục vụ, chăm sóc Đại tướng. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị chính quyền địa phương xây tặng căn nhà mà bà cùng con cháu vẫn đang sinh sống đến tận bây giờ. Bà con hàng xóm ở đây vẫn quen gọi là " Nhà bác Giáp". Hình ảnh vị Đại tướng giản dị, tình cảm vẫn luôn được bà Thành nhắc đến với con, cháu trong mỗi dịp xum họp. Bà Thành xúc động: “Bác ở trong tâm của chúng ta, ai cũng thế không thể rời xa được Bác. Bác luôn luôn gần gũi với nhân dân, rất cảm động và nhớ thương Bác”.
Với chị Lầu thị Mại, trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Điện Biên, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp in đậm ngay từ những ký ức tuổi thơ của chị. Ông bà ngoại chị ở tỉnh Cao Bằng vốn là một trong những gia đình căn cứ cách mạng, được trực tiếp chăm sóc Đại tướng trong những ngày kháng chiến. Từ nhỏ chị đã biết đến Đại tướng trong câu chuyện của ông bà và lớn lên chị càng khâm phục Đại tướng từ những việc làm rất nhỏ thể hiện sự quan tâm của Đại tướng đối với ông bà chị. Chị tự hứa bản thân sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ quan, đặc biệt là làm tốt vai trò người mẹ, người vợ.
“Mình là thế hệ đi sau, bản thân luôn nhắc nhở các con, các cháu nhớ rằng hôm nay được học hành là có rất nhiều thế hệ đã phải hy sinh. Và các con, các cháu đều biết bác Giáp là ai, nhờ có bác Giáp thì người dân Điện Biên mới được nhân dân thế giới biết đến”- Chị Mại nói.
Với mỗi người dân sinh sống trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng hôm nay, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi. Những địa danh như: Đồi A1, D1, E2, Mường Phăng… luôn gợi cho họ những ký ức đẹp về người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam và nhắc nhở mỗi người dân Điện Biên luôn nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn./.
Hồng Việt/VOV- Tây Bắc