> Tin tức - Sự kiện > Tin tức sự kiện > Tạo cơ chế hỗ trợ hợp lý để ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp

Tạo cơ chế hỗ trợ hợp lý để ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp

14/05/2013
Phát huy sáng quyền lập pháp của ĐBQH không đơn giản chỉ là thực hiện một thẩm quyền của ĐBQH đã được ghi nhận trong Hiến pháp mà còn bởi, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân, có điều kiện thuận lợi để lắng nghe tiếng nói của người dân, tiếng nói của cuộc sống nên có thể phát hiện kịp thời các nhu cầu lập pháp của đời sống. Nói cách khác, sáng kiến lập pháp của ĐBQH có lợi thế hơn sáng kiến lập pháp của các chủ thể khác là xuất phát trực tiếp từ yêu cầu, mong muốn và đòi hỏi của người dân, của thực tiễn cuộc sống. Điều này sẽ tác động tích cực đến tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả của chính sách, pháp luật…
ĐBQH - chủ thể có lợi thế thực hiện sáng quyền lập pháp
Sáng quyền lập pháp là quyền và cũng là trách nhiệm của ĐBQH. Bởi lẽ, ĐBQH là người đại diện của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đi sâu đi sát đời sống và tâm tư của người dân. Cùng với việc tiếp xúc cử tri, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đời sống, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, ĐBQH có điều kiện phát hiện những lĩnh vực của cuộc sống đang cần được luật hóa, hoặc cần điều chỉnh trong hệ thống pháp luật. Mặc dù theo quy định của pháp luật hiện hành, tất cả các chủ thể đều có quyền trình sáng kiến lập pháp, nhưng theo ĐBQH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo, ĐBQH là chủ thể có những ưu thế khác biệt trong việc thực hiện sáng quyền lập pháp. Ở chừng mực nhất định, theo Viện trưởng Đinh Xuân Thảo, các cơ quan quản lý nhà nước – chủ thể trình sáng kiến lập pháp nhiều nhất hiện nay, thường có xu thế đưa ra các quy định thuận lợi hơn cho công tác quản lý của mình, tiếp đến mới là lợi ích của những đối tượng chịu sự quản lý, chịu sự tác động của các quy định đó. Trong khi đó, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, mọi hoạt động của ĐBQH đều xuất phát từ nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của người dân. Các sáng kiến lập pháp của ĐBQH cũng tương tự như vậy, đều xuất phát trực tiếp từ ý chí, nguyện vọng của người dân và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Với xuất phát điểm như vậy, các sáng kiến lập pháp của ĐBQH nếu được thông qua sẽ có lợi thế đi vào cuộc sống nhanh hơn và dễ được người dân tiếp nhận hơn. Ví dụ, khi ĐBQH đi tiếp xúc cử tri, cử tri nói quyền riêng tư của họ đang bị vi phạm, không được bảo đảm. Về mặt quản lý, kiến nghị này không dễ được cơ quan quản lý tiếp nhận vì quyền riêng tư của một số người dân bị vi phạm cũng không ảnh hưởng gì lắm đến việc quản lý nhà nước, xã hội. Nhưng đối với người dân thì quyền riêng tư cần được bảo vệ và tôn trọng là nhu cầu chính đáng, vì đây là quyền lợi thiết thân của họ. ĐBQH là người mang tiếng nói, mang nhu cầu chính đáng đó của người dân vào nghị trường và có thể đề xuất một sáng kiến lập pháp để bảo vệ quyền của người dân.
Nhưng tại sao, qua 12 nhiệm kỳ QH, sáng kiến lập pháp của ĐBQH vẫn vắng bóng?
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi sáng quyền lập pháp của ĐBQH không đơn giản và còn nhiều hạn chế.
Thống kê trong 12 nhiệm kỳ QH vừa qua cho thấy, có rất ít dự án luật hay dự án pháp lệnh do cá nhân ĐBQH trình. Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú, nhiệm kỳ QH Khóa XI, mới có duy nhất một ĐBQH chuyên trách có nguyện vọng trình một dự án pháp lệnh về lĩnh vực tư pháp. Đại biểu này đã chủ động soạn thảo dự án pháp lệnh, báo cáo Thường trực Ủy ban nơi đại biểu là thành viên và báo cáo với Phó chủ tịch QH phụ trách công tác lập pháp của QH. Nhưng nội dung của dự thảo pháp lệnh là vấn đề thuộc quan điểm đang tranh luận đến nay chưa có kết luận cuối cùng nên dự án pháp lệnh đã không được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Và về cơ bản, qua 12 nhiệm kỳ QH, đến nay, các sáng kiến lập pháp của ĐBQH vẫn vắng bóng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tại Hội thảo ĐBQH với việc thực hiện sáng quyền lập pháp vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định hiện hành mới chỉ xác định quyền trình sáng kiến lập pháp của ĐBQH nhưng lại chưa quy định rõ cơ chế hỗ trợ ĐBQH thực hiện quyền này. Cụ thể, Hiến pháp quy định, ĐBQH có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra QH. Điều 48, Luật Tổ chức QH năm 2001 quy định ĐBQH ngoài quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra QH còn có quyền trình dự án pháp lệnh ra UBTVQH. Điều 10 về Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH quy định ĐBQH có quyền trình kiến nghị về dự án luật, pháp lệnh và quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh. Hầu như chưa có quy định cụ thể nào về các điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp. Theo Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Trần Việt Hùng, việc phát huy sáng quyền lập pháp của ĐBQH là rất khó khi đa số ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm, lại không có bộ máy giúp việc và điều kiện tài chính như nghị sỹ các nước. Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, do chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể nên những ĐBQH có sáng kiến lập pháp cũng không biết thực hiện như thế nào. Nhiều ĐBQH cũng đã từng kiến nghị về việc nên có bộ máy giúp việc giúp ĐBQH tiếp thu ý kiến của người dân, hay cơ chế tài chính để hỗ trợ ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp, nhưng đến nay các kiến nghị này vẫn chưa trở thành hiện thực.
Nghiên cứu kinh nghiệm của nghị sỹ các nước như Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc cho thấy, nghị sỹ các nước này được hỗ trợ khá đầy đủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc thực hiện sáng quyền lập pháp. Tại Đức, nghị sỹ có cộng tác viên tại nơi công tác và cộng tác viên tại nơi đại diện. Số lượng cộng tác viên tùy nghị sỹ quyết định. Một nghị sỹ có thể trích từ kinh phí hàng năm được QH cấp cho mình để trả thù lao cho cộng tác viên. Cộng tác viên có nhiệm vụ giúp đỡ nghị sỹ trên nhiều lĩnh vực như lập pháp, thu thập thông tin, công tác báo chí... Trong việc thực hiện sáng quyền lập pháp, cộng tác viên sẽ giúp nghị sỹ thu thập thông tin về dự án luật, thẩm định tác động tương lai của dự án luật đó, ví dụ tìm đối tượng chịu sự tác động để phỏng vấn, thu thập và xử lý thông tin trước khi chuyển đến nghị sỹ. Hoạt động của cộng tác viên được đánh giá là có tác động tích cực giúp nghị sỹ có đủ thông tin về sáng kiến luật do mình đề xuất. Tại Hàn Quốc, các nghị sỹ được lựa chọn thực tập sinh để hỗ trợ nghị sỹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Mỗi nghị sỹ có từ 1 – 2 thực tập sinh, được trả lương và được công nhận vị trí pháp lý. Đa số các thực tập sinh được lựa chọn nghiêm ngặt trước khi đảm nhận nhiệm vụ. Với cơ chế hỗ trợ cả về tài chính và nhân lực như vậy, nghị sỹ các nước đã giảm bớt được gánh nặng công việc và có điều kiện để thực hiện cũng như phát huy sáng quyền lập pháp.
Ở nước ta, các ĐBQH cũng được sự hỗ trợ từ Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân có trách nhiệm phục vụ Đoàn ĐBQH, ĐBQH trực tiếp đóng góp ý kiến, tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và các văn bản khác theo yêu cầu của UBTVQH; phục vụ Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong hoạt động giám sát; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện kiến nghị trong kết luận giám sát; phục vụ Đoàn ĐBQH, ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ ĐBQH tiếp xúc cử tri; giúp Trưởng Đoàn ĐBQH xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi UBTVQH và cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét giải quyết. Tuy nhiên do số lượng chuyên viên ít, khối lượng công việc đảm trách lại lớn nên thực tế, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND khó có thể bảo đảm, giúp đỡ hoạt động của từng ĐBQH như đội ngũ cộng tác viên, hoặc thực tập sinh giúp việc cho nghị sỹ các nước. Đồng thời, Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân cũng chưa có quy định hỗ trợ cá nhân ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp.
Cần quy định rõ quy trình thực hiện sáng quyền lập pháp của ĐBQH
Để ĐBQH phát huy được sáng quyền lập pháp, cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ hợp lý cho ĐBQH trong điều kiện cụ thể của nước ta. Tiếp đó, cần quy định rõ quy trình thực hiện sáng quyền lập pháp. Hiện nay, Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số văn bản quy phạm pháp luật khác mới chỉ quy định sáng quyền lập pháp của ĐBQH mà chưa xác định rõ quy trình thực hiện sáng quyền lập pháp của ĐBQH. Do vậy, không ít ĐBQH còn lúng túng, đặt câu hỏi: khi ĐBQH có sáng quyền lập pháp thì nên triển khai như thế nào?
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú, sáng quyền lập pháp gồm quyền kiến nghị và quyền trình sáng kiến pháp luật của các chủ thể có quyền trình sáng kiến pháp luật. Nếu ĐBQH trình kiến nghị về luật, pháp lệnh thì thực hiện như quy định về trình dự án luật, dự án pháp lệnh hiện nay. Tức là phải chứng minh được cuộc sống đang đòi hỏi cấp thiết phải có luật, pháp lệnh đó; làm rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh và những nội dung cơ bản của luật, pháp lệnh. ĐBQH trình dự án luật, dự án pháp lệnh thì sau khi được chấp nhận, đại biểu trình dự thảo văn bản hoàn chỉnh gồm tờ trình và dự thảo luật, dự thảo pháp lệnh do đại biểu trực tiếp soạn thảo chứ không phải nói cho người khác làm. Đối với kiến nghị lập pháp, ĐBQH cũng cần phải có những phân tích về mặt chính sách của kiến nghị đó, tại sao kiến nghị như vậy? Quy định như vậy sẽ góp phần minh bạch hóa, công ra công, tư ra tư; cá nhân ra cá nhân, tập thể ra tập thể; không biến sáng kiến luật của cá nhân thành của tập thể. Quy định như vậy cũng đề cao được trách nhiệm của ĐBQH cũng như khuyến khích được ĐBQH có khả năng, năng lực sẽ mạnh dạn hơn trong việc thực hiện sáng quyền pháp luật.
 
Nguồn: http://www.daibieunhandan.vn

Tạo cơ chế hỗ trợ hợp lý để ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp

14/05/2013
Phát huy sáng quyền lập pháp của ĐBQH không đơn giản chỉ là thực hiện một thẩm quyền của ĐBQH đã được ghi nhận trong Hiến pháp mà còn bởi, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân, có điều kiện thuận lợi để lắng nghe tiếng nói của người dân, tiếng nói của cuộc sống nên có thể phát hiện kịp thời các nhu cầu lập pháp của đời sống. Nói cách khác, sáng kiến lập pháp của ĐBQH có lợi thế hơn sáng kiến lập pháp của các chủ thể khác là xuất phát trực tiếp từ yêu cầu, mong muốn và đòi hỏi của người dân, của thực tiễn cuộc sống. Điều này sẽ tác động tích cực đến tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả của chính sách, pháp luật…
ĐBQH - chủ thể có lợi thế thực hiện sáng quyền lập pháp
Sáng quyền lập pháp là quyền và cũng là trách nhiệm của ĐBQH. Bởi lẽ, ĐBQH là người đại diện của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đi sâu đi sát đời sống và tâm tư của người dân. Cùng với việc tiếp xúc cử tri, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đời sống, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, ĐBQH có điều kiện phát hiện những lĩnh vực của cuộc sống đang cần được luật hóa, hoặc cần điều chỉnh trong hệ thống pháp luật. Mặc dù theo quy định của pháp luật hiện hành, tất cả các chủ thể đều có quyền trình sáng kiến lập pháp, nhưng theo ĐBQH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo, ĐBQH là chủ thể có những ưu thế khác biệt trong việc thực hiện sáng quyền lập pháp. Ở chừng mực nhất định, theo Viện trưởng Đinh Xuân Thảo, các cơ quan quản lý nhà nước – chủ thể trình sáng kiến lập pháp nhiều nhất hiện nay, thường có xu thế đưa ra các quy định thuận lợi hơn cho công tác quản lý của mình, tiếp đến mới là lợi ích của những đối tượng chịu sự quản lý, chịu sự tác động của các quy định đó. Trong khi đó, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, mọi hoạt động của ĐBQH đều xuất phát từ nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của người dân. Các sáng kiến lập pháp của ĐBQH cũng tương tự như vậy, đều xuất phát trực tiếp từ ý chí, nguyện vọng của người dân và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Với xuất phát điểm như vậy, các sáng kiến lập pháp của ĐBQH nếu được thông qua sẽ có lợi thế đi vào cuộc sống nhanh hơn và dễ được người dân tiếp nhận hơn. Ví dụ, khi ĐBQH đi tiếp xúc cử tri, cử tri nói quyền riêng tư của họ đang bị vi phạm, không được bảo đảm. Về mặt quản lý, kiến nghị này không dễ được cơ quan quản lý tiếp nhận vì quyền riêng tư của một số người dân bị vi phạm cũng không ảnh hưởng gì lắm đến việc quản lý nhà nước, xã hội. Nhưng đối với người dân thì quyền riêng tư cần được bảo vệ và tôn trọng là nhu cầu chính đáng, vì đây là quyền lợi thiết thân của họ. ĐBQH là người mang tiếng nói, mang nhu cầu chính đáng đó của người dân vào nghị trường và có thể đề xuất một sáng kiến lập pháp để bảo vệ quyền của người dân.
Nhưng tại sao, qua 12 nhiệm kỳ QH, sáng kiến lập pháp của ĐBQH vẫn vắng bóng?
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi sáng quyền lập pháp của ĐBQH không đơn giản và còn nhiều hạn chế.
Thống kê trong 12 nhiệm kỳ QH vừa qua cho thấy, có rất ít dự án luật hay dự án pháp lệnh do cá nhân ĐBQH trình. Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú, nhiệm kỳ QH Khóa XI, mới có duy nhất một ĐBQH chuyên trách có nguyện vọng trình một dự án pháp lệnh về lĩnh vực tư pháp. Đại biểu này đã chủ động soạn thảo dự án pháp lệnh, báo cáo Thường trực Ủy ban nơi đại biểu là thành viên và báo cáo với Phó chủ tịch QH phụ trách công tác lập pháp của QH. Nhưng nội dung của dự thảo pháp lệnh là vấn đề thuộc quan điểm đang tranh luận đến nay chưa có kết luận cuối cùng nên dự án pháp lệnh đã không được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Và về cơ bản, qua 12 nhiệm kỳ QH, đến nay, các sáng kiến lập pháp của ĐBQH vẫn vắng bóng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tại Hội thảo ĐBQH với việc thực hiện sáng quyền lập pháp vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định hiện hành mới chỉ xác định quyền trình sáng kiến lập pháp của ĐBQH nhưng lại chưa quy định rõ cơ chế hỗ trợ ĐBQH thực hiện quyền này. Cụ thể, Hiến pháp quy định, ĐBQH có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra QH. Điều 48, Luật Tổ chức QH năm 2001 quy định ĐBQH ngoài quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra QH còn có quyền trình dự án pháp lệnh ra UBTVQH. Điều 10 về Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH quy định ĐBQH có quyền trình kiến nghị về dự án luật, pháp lệnh và quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh. Hầu như chưa có quy định cụ thể nào về các điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp. Theo Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Trần Việt Hùng, việc phát huy sáng quyền lập pháp của ĐBQH là rất khó khi đa số ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm, lại không có bộ máy giúp việc và điều kiện tài chính như nghị sỹ các nước. Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, do chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể nên những ĐBQH có sáng kiến lập pháp cũng không biết thực hiện như thế nào. Nhiều ĐBQH cũng đã từng kiến nghị về việc nên có bộ máy giúp việc giúp ĐBQH tiếp thu ý kiến của người dân, hay cơ chế tài chính để hỗ trợ ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp, nhưng đến nay các kiến nghị này vẫn chưa trở thành hiện thực.
Nghiên cứu kinh nghiệm của nghị sỹ các nước như Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc cho thấy, nghị sỹ các nước này được hỗ trợ khá đầy đủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc thực hiện sáng quyền lập pháp. Tại Đức, nghị sỹ có cộng tác viên tại nơi công tác và cộng tác viên tại nơi đại diện. Số lượng cộng tác viên tùy nghị sỹ quyết định. Một nghị sỹ có thể trích từ kinh phí hàng năm được QH cấp cho mình để trả thù lao cho cộng tác viên. Cộng tác viên có nhiệm vụ giúp đỡ nghị sỹ trên nhiều lĩnh vực như lập pháp, thu thập thông tin, công tác báo chí... Trong việc thực hiện sáng quyền lập pháp, cộng tác viên sẽ giúp nghị sỹ thu thập thông tin về dự án luật, thẩm định tác động tương lai của dự án luật đó, ví dụ tìm đối tượng chịu sự tác động để phỏng vấn, thu thập và xử lý thông tin trước khi chuyển đến nghị sỹ. Hoạt động của cộng tác viên được đánh giá là có tác động tích cực giúp nghị sỹ có đủ thông tin về sáng kiến luật do mình đề xuất. Tại Hàn Quốc, các nghị sỹ được lựa chọn thực tập sinh để hỗ trợ nghị sỹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Mỗi nghị sỹ có từ 1 – 2 thực tập sinh, được trả lương và được công nhận vị trí pháp lý. Đa số các thực tập sinh được lựa chọn nghiêm ngặt trước khi đảm nhận nhiệm vụ. Với cơ chế hỗ trợ cả về tài chính và nhân lực như vậy, nghị sỹ các nước đã giảm bớt được gánh nặng công việc và có điều kiện để thực hiện cũng như phát huy sáng quyền lập pháp.
Ở nước ta, các ĐBQH cũng được sự hỗ trợ từ Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân có trách nhiệm phục vụ Đoàn ĐBQH, ĐBQH trực tiếp đóng góp ý kiến, tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và các văn bản khác theo yêu cầu của UBTVQH; phục vụ Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong hoạt động giám sát; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện kiến nghị trong kết luận giám sát; phục vụ Đoàn ĐBQH, ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ ĐBQH tiếp xúc cử tri; giúp Trưởng Đoàn ĐBQH xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi UBTVQH và cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét giải quyết. Tuy nhiên do số lượng chuyên viên ít, khối lượng công việc đảm trách lại lớn nên thực tế, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND khó có thể bảo đảm, giúp đỡ hoạt động của từng ĐBQH như đội ngũ cộng tác viên, hoặc thực tập sinh giúp việc cho nghị sỹ các nước. Đồng thời, Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân cũng chưa có quy định hỗ trợ cá nhân ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp.
Cần quy định rõ quy trình thực hiện sáng quyền lập pháp của ĐBQH
Để ĐBQH phát huy được sáng quyền lập pháp, cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ hợp lý cho ĐBQH trong điều kiện cụ thể của nước ta. Tiếp đó, cần quy định rõ quy trình thực hiện sáng quyền lập pháp. Hiện nay, Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số văn bản quy phạm pháp luật khác mới chỉ quy định sáng quyền lập pháp của ĐBQH mà chưa xác định rõ quy trình thực hiện sáng quyền lập pháp của ĐBQH. Do vậy, không ít ĐBQH còn lúng túng, đặt câu hỏi: khi ĐBQH có sáng quyền lập pháp thì nên triển khai như thế nào?
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú, sáng quyền lập pháp gồm quyền kiến nghị và quyền trình sáng kiến pháp luật của các chủ thể có quyền trình sáng kiến pháp luật. Nếu ĐBQH trình kiến nghị về luật, pháp lệnh thì thực hiện như quy định về trình dự án luật, dự án pháp lệnh hiện nay. Tức là phải chứng minh được cuộc sống đang đòi hỏi cấp thiết phải có luật, pháp lệnh đó; làm rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh và những nội dung cơ bản của luật, pháp lệnh. ĐBQH trình dự án luật, dự án pháp lệnh thì sau khi được chấp nhận, đại biểu trình dự thảo văn bản hoàn chỉnh gồm tờ trình và dự thảo luật, dự thảo pháp lệnh do đại biểu trực tiếp soạn thảo chứ không phải nói cho người khác làm. Đối với kiến nghị lập pháp, ĐBQH cũng cần phải có những phân tích về mặt chính sách của kiến nghị đó, tại sao kiến nghị như vậy? Quy định như vậy sẽ góp phần minh bạch hóa, công ra công, tư ra tư; cá nhân ra cá nhân, tập thể ra tập thể; không biến sáng kiến luật của cá nhân thành của tập thể. Quy định như vậy cũng đề cao được trách nhiệm của ĐBQH cũng như khuyến khích được ĐBQH có khả năng, năng lực sẽ mạnh dạn hơn trong việc thực hiện sáng quyền pháp luật.
 
Nguồn: http://www.daibieunhandan.vn