Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được trình ra Quốc hội tại 3 kỳ họp thứ 4, thứ 5 và thứ 6. Điều đó cho thấy tính chất rất quan trọng của Dự thảo Luật đất đai trong đời sống xã hội, được rất nhiều cử tri và đồng bào cả nước quan tâm theo dõi. Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật trình ra Quốc hội có 15 vấn đề lớn, trong đó có những nội dung rất chi tiết cụ thể đã được giải trình, nội dung nào tiếp thu, nội dung nào báo cáo thêm để Quốc hội xem xét.
Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu Quốc hội, thời gian qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rất chặt chẽ việc Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội và giải trình như trong báo cáo đã nêu.
Trong buổi sáng ngày 06/11/2013, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc nghiên cứu tiếp thu Dự thảo Luật với tinh thần nghiêm túc trách nhiệm và tán thành cơ bản Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung để hoàn thiện thêm Dự thảo Luật đối với các vấn đề sau đây:
Về trách nhiệm của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu quản lý thống nhất về đất đai. Vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, của Chính phủ, của Hội đồng nhân dân, của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý về đất đai. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, về cơ quan quản lý đất đai, phân biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng thực hiện các dịch vụ công của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và tổ chức phát triển quỹ đất.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở ba cấp và đất quốc phòng, an ninh. Chính sách đất ở đối với lực lượng vũ trang. Xung quanh vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các đại biểu cũng lưu ý vấn đề lấy ý kiến, vấn đề thẩm định, phê duyệt, quy hoạch kế hoạch sử dụng.
Việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường và vấn đề chính sách đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và rất nhiều ý kiến phân tích, đề nghị hoàn thiện thêm việc thu hồi đất, trưng dụng đất. Cần làm rõ các trường hợp thu hồi đất, điều kiện thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội. Phân biệt các trường hợp thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia công cộng, phát triển kinh tế- xã hội với việc thu hồi do vi phạm pháp luật và bổ sung các trình tự, thủ tục thu hồi cho chặt chẽ.
Về vấn đề cưỡng chế thu hồi đất, thời điểm thu hồi, chính sách bồi thường thu hồi đất, chính sách tái định cư, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người có đất bị thu hồi.
Về vấn đề giá đất, cơ chế, chính sách, phương pháp xác định giá đất, khung giá đất, thẩm quyền quyết định giá đất, cơ quan định giá đất độc lập.
Về chính sách điều tiết vào ngân sách nhà nước do chênh lệch giá đất khi thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất mà không do nhà đầu tư làm ra.
Việc cấp giấy và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được giao, được cho thuê, thủ tục và thời hạn thực hiện. Bổ sung các chế tài xử lý vi phạm.
Vấn đề giải quyết tranh chấp về đất đai, bổ sung vai trò của Mặt trận Tổ quốc, bổ sung rà soát nội dung và bố cục một số điều, khoản cụ thể, bổ sung phần giải thích từ ngữ và sử dụng các khái niệm chính xác, rõ nghĩa, bổ sung quy định về việc chuyển tiếp và đề nghị luật hóa tối đa tất cả các quy định trong các nghị định hướng dẫn của Chính phủ, ...
Tại phiên thảo luận của Quốc hội, ông Huỳnh Thành, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã phát biểu góp ý đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) như sau:
“Một là Điều 27, trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số, theo tôi quy định này cần thiết nhưng chưa đầy đủ. Hiện nay, vẫn còn tình trạng tranh chấp đất giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các ban quản lý bảo vệ rừng và các nông, lâm trường trong điều kiện phần lớn thuộc diện thiếu đất sản xuất. Trong khi nhiều đơn vị nông, lâm trường sử dụng đất đai chưa hiệu quả, một số nông, lâm trường lại giao khoán trắng đất cho hộ gia đình và thu lại sản phẩm và một khoản tiền theo định kỳ, gần giống như kiểu phát canh thu tô của thời phong kiến trước đây, gây phát sinh nhiều bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào Điều này Khoản 3 như sau: "Nhà nước tổ chức lại hoạt động các nông, lâm trường và các ban quản lý bảo vệ rừng, có chính sách giao đất, khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện thiếu đất hoặc không có đất sản xuất".
Hai, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Chương V, Dự thảo chưa xác định được mối quan hệ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch chuyên ngành khác, nhất là quy hoạch xây dựng theo Luật quy hoạch đô thị. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung này vào Luật.
Điều 49 thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tôi đề nghị bổ sung thêm quy định người sử dụng đất có quyền yêu cầu nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch; được bồi thường, hỗ trợ ngay sau khi công bố quy hoạch. Có thể nói đây là giải pháp làm giảm đáng kể tình trạng quy hoạch treo gây nhiều bức xúc trong nhân dân trong thời gian vừa qua. Nói quy hoạch treo là treo đối với người sử dụng đất. Nếu nhà nước thu hồi ngay khi công bố quy hoạch và có bồi thường thì tình trạng treo mặc nhiên không tồn tại. Mặt khác, khi người sử dụng đất có quyền được yêu cầu Nhà nước thu hồi theo quy hoạch sẽ tạo sức ép cho các cơ quan nhà nước trong thực hiện lập và xét duyệt quy hoạch, khi đó họ không dám đưa ra những quy hoạch thiếu tính khả thi. Tình trạng quy hoạch treo sẽ không còn và giảm đáng kể.
Ba, về Điều 62 còn nhiều ý kiến của cử tri và đại biểu chưa đồng ý về cách diễn đạt liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì chưa làm rõ các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể. Quá trình thực hiện dễ bị lợi dụng cho các dự án không vì lợi ích chung mà chỉ vì lợi ích của nhà đầu tư. Vì vậy tôi đề nghị điều chỉnh lại điều này như sau:
Các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển hạ tầng kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng, các nội dung cụ thể của điều này cũng phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Tôi đề nghị Điểm d, Khoản 1 sẽ không bao gồm các dự án thiên về lợi nhuận của nhà đầu tư như khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, dự án khai thác khoáng sản v.v... Các dự án này nếu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thì thực hiện cơ chế góp vốn bằng cách cùng hưởng lợi hoặc nhà đầu tư thỏa thuận với cộng đồng dân cư, người sử dụng đất có sự giám sát của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương”.
Huỳnh Thành