Theo chương trình làm việc sáng nay (04-11-2013), Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án luật này và sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Trong phiên thảo luận, đã có 25/25 đại biểu đăng ký phát biểu; trong đó có ý kiến của đại biểu Quốc hội Siu Hương (tỉnh Gia Lai). Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu trong phát biểu của mình có phân tích thêm tình hình lãng phí ở một số lĩnh vực và trên cơ sở đó đề nghị rà soát, bổ sung các quy định cho chặt chẽ Dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi khắc phục được tình trạng lãng phí, thực hành tiết kiệm để xây dựng và phát triển đất nước bền vững.
Nhiều đại biểu đề nghị rà soát lại các quy định tại Chương II, quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số lĩnh vực từ Mục 1 đến Mục 8. Trong đó, các nội dung được các đại biểu quan tâm đóng góp nhiều nhất là: (1) Việc ban hành thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; (2) Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; (3) Việc mua sắm, sử dụng thiết bị, xe công, phương tiện làm việc khác của cơ quan trong khu vực nhà nước; (4) Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; (5) Quản lý lao động và thời gian lao động ở khu vực nhà nước; (6) Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân; (7) Quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đề nghị phải rà soát, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định tại Chương V.
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu, nêu vấn đề. Như quy định rõ hơn trách nhiệm của một số bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của Quốc hội, trách nhiệm chủ động phối hợp từ khâu ban hành chủ trương, quyết định đến khâu tổ chức thực hiện, tránh gây ra lãng phí. Bổ sung trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, của người đứng đầu cơ quan cấp trên trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.
Về các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm, nhiều đại biểu tán thành các quy định trong Dự thảo Luật; đề nghị bổ sung đầy đủ các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, cân nhắc các quy định dẫn chiếu xử lý hình sự đối với hành vi gây lãng phí, vì trong Bộ luật hình sự hiện hành không có tội danh nào là tội danh gây lãng phí. Vì thế đề nghị nghiên cứu sửa lại Bộ luật hình sự.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định về vai trò giám sát của người dân, của cộng đồng, vai trò trách nhiệm của báo chí trong phát hiện lãng phí. Cần làm rõ cơ chế công khai minh bạch, cung cấp thông tin để có căn cứ giám sát và theo dõi việc xử lý. Cơ chế công khai địa chỉ, nội dung vi phạm gây lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên của mọi cơ quan, mọi ngành, mọi cấp không trừ bất cứ một cơ quan nào.
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát, bổ sung giải thích từ ngữ, sử dụng từ ngữ chính xác, đầy đủ, rõ ràng. Tại một số điều, khoản cụ thể cần rà soát chỉnh lý nội dung, bố cục chặt chẽ.
Các đại biểu Quốc hội mong rằng Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sau khi ban hành có hiệu lực sẽ có tính khả thi cao và tạo sự đồng thuận trong xã hội rất lớn, thay đổi nhận thức và hành động.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, giải trình thuyết phục tất cả những ý kiến đề ra và sẽ báo cáo giải trình trước Quốc hội, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại các Tổ đại biểu Quốc hội để thảo luận 2 nội dung: Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và Dự án Luật hải quan (sửa đổi).
Nguyễn Duy (lược ghi)