1. Đặt vấn đề
- Điều 83 Hiến pháp năm 1992 và Điều 1 Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 quy định “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”. Để cụ thể hóa Hiến pháp về quyền giám sát, góp phần phát huy hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội. Điều 1 và Điều 2 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội quy định:
“Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao của mình tại kỳ họp Quốc hội trên cơ sở hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội” .
“Giám sát là việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
- Luật hoạt động giám sát của Quốc hội đã quy định tại Chương V về hình thức giám sát, trình tự thực hiện hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, qua tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa XI và Quốc hội khóa XII cho thấy còn nhiều bất cập, nhất là về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
2. Một số ý kiến trao đổi
a) Đối với hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội:
- Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 quy định trình tự thực hiện 04 hình thức giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, mà không quy định về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động giám sát.
- Thực tế trong những năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã tiến hành các bước để triển khai một cuộc giám sát của Đoàn, như sau:
Bước 1 - Chuẩn bị để triển khai cuộc giám sát: Xác định nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc giám sát; Quyết định thành lập Đoàn giám sát và ban hành kế hoạch giám sát; Cung cấp các thông tin có liên quan vấn đề giám sát và văn bản pháp luật cho các thành viên Đoàn giám sát; Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, phương tiện kỹ thuật, kinh phí phục vụ và phân công cán bộ, công chức Văn phòng tham mưu, phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát; v.v..
Bước 2 - Tổ chức triển khai cuộc giám sát: Thông báo địa điểm, lịch làm việc cụ thể với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự giám sát; Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự giám sát gửi báo cáo giám sát; Đoàn giám sát tiến hành làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự giám sát theo phạm vi, nội dung giám sát và lịch giám sát (xem xét báo cáo và các tài liệu có liên quan; khảo sát thực tế; trao đổi ý kiến; yêu cầu giải trình;...); v.v..
Bước 3 - Tổng hợp, báo cáo kết quả cuộc giám sát: Chất lượng và hiệu quả cuộc giám sát được thể hiện qua báo cáo kết quả giám sát. Báo cáo kết quả giám sát cần bảo đảm chất lượng việc đánh giá cụ thể, đầy đủ trên cơ sở khách quan đối với kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về nội dung giám sát; những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện; những nguyên nhân của ưu điểm, khuyết điểm (khách quan, chủ quan) và đặc biệt là phải đưa ra được những kiến nghị xác đáng, có cơ sở (tránh tình trạng nêu chung chung, không quy kết được trách nhiệm cụ thể). Sau khi thông qua báo cáo, Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để xem xét, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự giám sát triển khai thực hiện, giải quyết, trả lời các kiến nghị của Đoàn giám sát.
Bước 4 - Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị qua cuộc giám sát: Sau khi kết thúc cuộc giám sát và căn cứ các kiến nghị nêu trong báo cáo kết quả cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh theo dõi, đôn đốc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự giám sát phúc đáp việc thực hiện các kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Đối với các kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương, Đoàn đại biểu Quốc tỉnh chuyển qua kênh kiến nghị của cử tri để theo dõi việc giải quyết. Các kiến nghị với cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự giám sát ở địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành khảo sát để đánh giá tình hình, kết quả tổ chức thực hiện các kiến nghị qua cuộc giám sát đó. Nếu kiến nghị không được giải quyết hoặc kéo dài việc thực hiện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, kiến nghị với cấp trên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đó nhằm bảo đảm hiệu lực giám sát của Đoàn.
Trong các bước nêu trên, khó khăn nhất nổi lên là việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh qua giám sát. Bên cạnh đó, một số điều, khoản của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội còn thiếu cụ thể, nên việc triển khai thực hiện rất khó khăn (như: Điều 45 (khoản 4) Luật hoạt động giám sát của Quốc hội chưa quy định cụ thể về quy trình, thủ tục áp dụng biện pháp chế tài nên chưa được triển khai trong thực tế; chưa xác định rõ phương thức hoạt động giám sát để thống nhất thực hiện, tránh hình thức; chưa quy định quy trình, thủ tục xem xét trách nhiệm chính trị đối với người đứng đầu mà qua giám sát đã kết luận thực thi sai chủ trương, chính sách, pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, hiện nay, chưa có cơ quan chuyên trách giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành trung ương thực hiện các kiến nghị qua giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; do vậy, nhiều kiến nghị giám sát của Đoàn đã báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa được giải quyết kịp thời nên hiệu quả giám sát hạn chế (lâu nay, Đoàn đã áp dụng biện pháp tình thế là chuyển qua kênh kiến nghị của cử tri - được biết là nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khác cũng thực hiện như vậy). Việc cung cấp, cập nhật tài liệu, thông tin chính thức cũng như cơ chế mời chuyên gia tham gia hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội còn nhiều bất cập (đơn cử như: Vẫn còn sự khác biệt trong chế độ kinh phí hoạt động giữa đại biểu hoạt động chuyên trách ở trung ương và đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương. Nghị quyết 773 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đại biểu hoạt động chuyên trách ở trung ương có kinh phí tham vấn chuyên gia nhưng đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương không có khoản kinh phí này); ...
b) Đối với hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội:
- Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 quy định đại biểu Quốc hội là một trong các chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoạt động giám sát độc lập. Đại biểu Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát thông qua hoạt động chất vấn; giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật tại địa phương, giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Theo Điều 24 (khoản 5) Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiệm vụ tổ chức để đại biểu Quốc hội thực hiện các hoạt động giám sát. Tuy nhiên, hầu hết đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh hoạt động kiêm nhiệm nên trong nhiệm kỳ khóa XI và khóa XII chưa có đại biểu Quốc hội nào trong Đoàn thực hiện các hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình và thiếu cơ chế hỗ trợ về mặt chuyên môn, tham vấn chuyên gia trong giám sát.
- Về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội:
+ Trên thực tế, rất ít trường hợp đại biểu Quốc hội sử dụng hình thức chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội thông qua việc gửi ý kiến chất vấn; vì vậy không đáp ứng được tính chất thường xuyên liên tục của hoạt động chất vấn.
+ Các đại biểu Quốc hội cũng chưa thực hiện đầy đủ quyền của đại biểu tại Điều 11 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, đó là trường hợp nếu không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận tại phiên họp đó, đưa ra thảo luận tại phiên họp khác của Quốc hội hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.
c) Đối với hoạt động giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân:
- Thực tiễn việc giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân mới chỉ được thực hiện bằng cách nhận đơn và chuyển đơn; việc đôn đốc giải quyết những đơn, thư khiếu nại, tố cáo tuy được quan tâm nhưng hiệu quả không cao, do các cơ quan chức năng đã không giải quyết đến nơi đến chốn, đùn đẩy trách nhiệm hoặc không trả lời.
- Việc chuyển đơn của công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng cũng không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý kịp thời, làm đơn thư tồn đọng nhiều, gây nhiều bức xúc trong công dân.
d) Đối với hoạt động giám sát thông qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm:
Theo quy định tại Điều 13 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 về việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, trên thực tế rất khó áp dụng. Ví dụ việc quy định có ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị thì mới được trình Quốc hội xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là con số quá lớn rất khó đạt được và cũng chưa có quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm.
3. Một số kiến nghị
- Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sớm tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến nay để sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội cụ thể hơn nữa (đơn cử như: Quy trình, thủ tục giám sát của từng chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoạt động giám sát của Quốc hội; Phương thức giám sát; Trách nhiệm trong phối hợp hoạt động giám sát; Quy trình, thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm; Quy trình thủ tục xem xét trách nhiệm chính trị và áp dụng biện pháp chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức vi phạm hoặc không thực hiện kiến nghị qua giám sát; v.v..).
- Hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội là một bộ phận hoạt động giám sát của Quốc hội. Do vậy, để góp phần bảo đảm hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, quy định cơ chế hỗ trợ (về mặt chuyên môn, thông tin, kinh phí, ....) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát do Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiến hành.
- Đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội; trước mắt, phân công cơ quan làm nhiệm vụ giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành trung ương thực hiện các kiến nghị qua giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, kể cả giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân (như Ban Dân nguyện có chức năng, nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc trả lời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri).
- Đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi quy định về thẩm quyền trình Quốc hội xem xét vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm (như chỉ cần kiến nghị của ít nhất 10% tổng số đại biểu Quốc hội thì đủ thẩm quyền trình Quốc hội xem xét bỏ phiếu tín nhiệm).
- Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát; cung cấp kịp thời, đầy đủ tài liệu, thông tin chính thức và phương tiện phục vụ hoạt động giám sát; quan tâm có chế độ, chính sách thoả đáng đối với đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức tham mưu, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội./.
Huỳnh Thành